Vài mẹo tiết kiệm và tận dụng đồ dùng
Tháng chín 7, 2024
1. Box sạc Haweel
Các loại sạc dự phòng giá rẻ hiện nay thường dùng pin Li-Po; pin này tuổi thọ không cao, rất dễ phồng sau 6-12 tháng sử dụng. Với dung lượng 10k mAh, cục sạc dự phòng nào dùng pin Li-Ion thì tầm giá cũng trên 300k. Vì vậy, tôi chọn mua box sạc Haweel loại 4 pin.
Box giá 150k + 4 cục pin 18650 Panasonic giá 120k = tổng chi phí 270k
Cái lợi khi dùng box sạc: rẻ hơn, dùng pin Li-Ion, và khi pin chai thì người dùng có thể tự thay pin mới dễ dàng.
2. Đế pin Li-Ion 18650
Có người bạn vứt cục pin dự phòng PNY bị chai, tôi thấy cái mạch pin còn tốt nên lượm về, cạy ra thay pin để làm cục sạc phụ, phòng khi cúp điện cần cấp nguồn cho modem Wifi. Vì không có máy đóng pin, tôi mua thêm cái đế gắn pin giá 25k.
Đế gắn pin giá 25k + 4 cục pin 18650 Panasonic giá 120k = tổng chi phí 145k.
3. Dây cấp nguồn cho modem
Mỗi khi khu vực tôi ở cúp điện (1-2 lần/tháng), tôi muốn xài internet thì phải tốn 10k đăng ký gói data 5GB/ngày của Viettel. Thế là tôi mua sợi cáp USB chuyển đổi điện áp từ 5v lên 12v. Giá sợi cáp khoảng 30k. Mỗi khi cúp điện, tôi dùng sợi cáp này kết hợp với box sạc dự phòng để cấp nguồn cho modem Wifi. Cấp nguồn được tầm 3-4 tiếng với cục sạc 10k mAh. Nhà tôi có 2 cục sạc dự phòng, dư sức xài internet cho tới khi có điện lại.
4. Xe đạp điện
Tôi chuyển sang dùng xe đạp điện để tiết kiệm tiền xăng, bảo vệ môi trường và cần dùng acquy của xe mỗi khi cúp điện. Xe tôi đi do VN sản xuất: Pega Cap A+. Lúc mua giá 12 củ. Mỗi lần sạc tốn chưa đến 1kWh điện, đi được tầm 30 km. Quá rẻ so với xe xăng mà lại ít tốn chi phí bảo dưỡng. 2 năm thay acquy một lần.
5. Kích điện Humi 48V lên 220V
Mỗi khi bị cúp điện, tôi lấy bộ acquy xe đạp điện (48v) kết nối với cục kích điện Humi. Thế là tôi có ngày một nguồn 220v. Tôi chưa biết dùng tối đa bao lâu thì hết điện; có lần cúp điện, tôi dùng suốt 8 tiếng vẫn chưa hết với laptop, đèn búp, nấu cơm (4 người ăn), quạt gió… hàng xóm thấy nhà tôi có điện còn mang điện thoại sang nhờ sạc giúp. Kích điện Humi giá 625k.
6. Acquy xe điện
Tôi đi thợ thay acquy cho xe đạp điện tốn 1700k với điều kiện để acquy cũ lại cho thợ; nếu lấy acquy cũ về thì giá thay lên tới 2000k. Sau 6 tháng sử dụng, từ quãng đường 30km chỉ còn đi được 10km, chứng tỏ thợ thay cho tôi loại acquy giá rẻ, kém chất lượng. Thế là tôi lên shopee ship acquy về tự thay.
Chi phí mua 4 acquy Yamato là 1600k. Bộ acquy cũ thay ra bán đồng nát được 300k. Chốt lại, tôi chỉ tốn 1300k. Tiết kiệm được 400k so với đi thợ mà lại thay được acquy chất lượng hơn hẳn.
7. Thay công tắc cảm biến của ấm đun siêu tốc
Theo kinh nghiệm của tôi, 90% các trường hợp hỏng ấm đun nước siêu tốc là do công tắc cảm biến nhiệt. Mỗi lần ấm hỏng, tôi lấy vít mở tay ấm ra, rút 2 sợi dây xanh-đỏ từ công tắc cũ cắm vào công tắc mới là xài được tiếp tầm 1 năm nữa.
Giá công tắc của ấm đun siêu tốc: 4k/cái. Tôi đặt ship luôn 5 cái để dành thay dần.
8. Giảm tốc độ quạt và hẹn giờ tắt quạt
Tôi thấy cái quạt Senko 250k đang dùng gió mạnh quá mức cần thiết dù đã bật số nhỏ. Trên mạng người ta bày cách giảm tốc độ quạt bằng cách gắn thêm 1 con tụ + 1 con trở. Giá con tụ khoảng 5k. Con trở 100kOhm giá cực rẻ 2k/10 con. Lượng điện quạt tiêu thụ giảm xuống 1/3.
Tôi có thói quen bật quạt khi ngủ, nhưng chỉ cần quạt chạy 1-2h là tắt (tôi thường đi ngủ lúc 8-9h tối). Để tiết kiệm điện và khỏi phải dậy tắt quạt. Tôi gắn thêm cho quạt cái công tắc tự động hẹn giờ tắt. Giá công tắc hẹn giờ: 50k. Ban ngày, tôi không cần xài hẹn giờ thì rút công tắc ra để giữ tuổi thọ cho công tắc.
9. Hộp đựng ổ cứng
Ở nhà thừa cái ổ cứng HDD cũ do laptop chuyển sang dùng ổ SSD. Tôi mua cái box ổ cứng về gắn HDD vào tận dụng làm ổ cứng di động để backup dữ liệu. Box ổ cứng Orico giá 200k.
10. Kẹp quần áo
Loại kẹp quần áo do mẹ tôi mua bằng nhựa, xài tầm 1-2 năm là gãy. Tôi mua loại kẹp bằng inox, giá rẻ nhưng bền. Xài 2 năm rồi chưa hỏng cái nào.
P.S: Tạm thời nhớ ra bấy nhiêu thôi, khi nào nhớ ra thêm, tôi sẽ kể tiếp. Những món kể trên, các bạn đều có thể dễ dàng tìm mua được trên mạng.