“AI Superpowers” và “Hiểu Về Trái Tim” – Hai Cuốn Sách, Một Hành Trình
Tháng sáu 7, 2024
Hơn một tháng trước, tôi đọc xong hai cuốn sách này và thực sự nhận ra có một sợi dây liên kết mật thiết giữa hai tác phẩm về hai chủ đề tưởng chừng chẳng mấy liên quan.
1. Thế giới xung quanh ta trong thời đại của Trí Tuệ Nhân Tạo
Trước hết là “AI Superpowers: China, Silicon Valley, and the new world order” (tựa tiếng Việt: Các siêu cường AI: Trung Quốc, Thung lũng Silicon và trật tự thế giới mới) của tác giả Kai-Fu Lee. Cuốn sách này thực sự mang đến cho tôi rất nhiều bài học và góc nhìn mới về Công Nghệ mà cụ thể ở đây là Trí Tuệ Nhân Tạo trong thời đại hiện nay. Xuyên suốt 9 chương sách (hơn 260 trang) là những phân tích, đánh giá và dự đoán dựa trên những ví dụ thực tế của tác giả về 3 mảng nội dung chính: (1) Mỹ và Trung Quốc trên đường đua AI; (2) viễn cảnh địa đàng, phản địa đàng và những cơn khủng hoảng thực sự; (3) viễn cảnh về một thế giới mới của con người và AI. Dr. Kai-Fu Lee là một chuyên gia với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, Trí Tuệ Nhân Tạo, và khởi nghiệp. Ông có bằng Tiến sĩ ngành Khoa Học Máy Tính từ ĐH Carnegie Mellon, từng nắm giữ những vị trí điều hành tại các công ty công nghệ lớn như Microsoft, Apple, và Google trước khi thành lập Sinovation Ventures – quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc. Khi lựa chọn cuốn sách này, tôi biết chắc chắn sẽ có rất nhiều điều để học hỏi, song cũng hơi lo lắng, không biết mình có thể tiếp thu được bao nhiêu và liệu một cuốn sách về chủ đề công nghệ liệu có khô khan, khó đọc hay quá cao siêu, xa vời với tôi hay không. Nhưng sau khi đọc hết AI Superpowers, tôi không hề thất vọng, tôi thực sự tin rằng ai cũng có thể đọc nó (chỉ cần bạn kiên nhẫn một chút thôi).
Chủ đề đầu tiên được đề cập và đào sâu là sự phát triển của Mỹ và Trung Quốc trong cuộc đua Trí Tuệ Nhân Tạo cũng như những nền tảng cho lập luận của tác giả về việc Trung Quốc sẽ bứt phá đi lên nhanh chóng. Từ những năm 1950, người ta đã bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên trong lĩnh vực nghiên cứu về Trí Tuệ Nhân Tạo, nhưng vì lượng data và tài nguyên tính toán thời bấy giờ còn hạn hẹp nên lĩnh vực này cũng “ba chìm bảy nổi” vài phen. Riêng trong lĩnh vực nghiên cứu Trí Tuệ Nhân Tạo và Học Sâu, Mỹ xem ra vẫn luôn là kẻ dẫn đầu. Mãi cho đến 2016, thời điểm được tác giả gọi là “Sputnik Moment” của Trung Quốc, quốc gia này mới bừng tỉnh và thực sự tăng tốc mạnh trong cuộc cách mạng Học Sâu (Deep Learning). Và trong thời điểm hiện tại được gọi là “the age of implementation”, khi chúng ta có dữ liệu lớn (Big Data), tài nguyên tính toán mạnh mẽ, và lực lượng kĩ sư công nghệ lớn mạnh, người ta đưa AI vào thực tiễn và vào đời sống ngày càng nhiều hơn, theo tác giả, trong thời kỳ này cán cân sẽ dần nghiêng về Trung Quốc. Để chứng minh cho luận điểm này, cuốn sách đi sâu phân tích cụ thể những nền tảng và lợi thế của Trung Quốc trên nhiều phương diện như con người, chính trị, văn hoá, xã hội, v.v.
Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra những lo ngại về những cơn khủng hoảng và bất ổn xã hội sẽ thực sự có thể xảy ra trong thời đại AI. Trước khi robot xâm chiếm thế giới hay tiêu diệt con người như những viễn cảnh (hết sức trầm cảm) được vẽ ra bởi những bộ óc giàu trí tưởng tượng và cực kì sáng tạo của các nhà làm phim, có thể xảy ra, chúng ta có những nguy cơ thực tế hơn chẳng hạn như thiếu hụt việc làm, phân cấp kinh tế, độc quyền, cũng như vấn đề bất bình đẳng trong xã hội trở nên sâu sắc hơn, v.v.
Ba chương cuối của cuốn sách thực sự để lại trong tôi nhiều suy nghĩ hơn cả khi nó là câu chuyện của chính tác giả đương đầu với ung thư. Và cũng chính nhờ biến cố sinh tử đó mà ông đã đúc rút ra bài học lớn về cuộc đời, về lẽ sống đã thay đổi sâu sắc nhận thức của ông để rồi ông có cho mình câu trả lời cho câu hỏi mà ông đã trăn trở bấy lâu: “When machines can do everything that we can, what does it mean to be a human?” Chính từ nhận thức mới này, ông đã “vẽ nên” một “bản thiết kế” (blueprint) của một thời đại mà con người và AI cùng tồn tại. Để rồi chương cuối cuốn sách kết lại với hai câu mà tôi vô cùng tâm đắc: “Let us choose to let machines be machines, and let humans be humans. Let us choose to simply use our machines, and more importantly, to love each other.” Tôi không muốn spoil nội dung sách quá nhiều, nhưng đọc đến đây, hẳn bạn cũng phần nào đoán được câu trả lời cho câu hỏi bên trên rồi chứ?
2. Thế giới bên trong ta và vun trồng Trí Tuệ Nhân Đạo
Our AI future will be created by us, and it will reflect the choices we make and the actions we take. In that process, I hope we will look deep within ourselves and to each other for the values and wisdom that can guide us.
AI Superpowers mở ra một hành trình bỏ ngỏ – hành trình hướng vào bên trong, hướng vào Tâm. Tin tốt lành là ở “chặng kế tiếp” này, cuốn sách “Hiểu Về Trái Tim: Nghệ Thuật Sống Hạnh Phúc” viết bởi Thầy Thích Minh Niệm sẽ là người bạn đồng hành tin cậy cho mỗi chúng ta. Hẳn nhiều bạn đọc Việt Nam hay những người hay nghe podcast tiếng Việt đã không còn xa lạ với Thầy Minh Niệm – vị thiền sư đã sáng lập nên dòng Thiền Hiểu Biết (Understanding Meditation) và dành rất nhiều năm cuộc đời hướng dẫn thiền và tâm lý trị liệu. Thầy đã dành 10 năm để tìm được con đường đến với hạnh phúc chân thật hiện hữu trong thực tại, và 8 năm tiếp theo, Thầy dành để quan sát, trải nghiệm và khám phá sâu sắc hơn nữa trước khi đặt bút viết nên “Hiểu Về Trái Tim” để chia sẻ với mọi người.
“Hiểu Về Trái Tim” nhẹ nhàng, sâu lắng, nhưng ẩn chứa muôn vàn giá trị nhân văn. 50 chương sách (gần 480 trang) là 50 trạng thái cảm xúc khác nhau tồn tại trong mỗi chúng ta. Có những trạng thái cảm xúc đối lập, song cũng có những trạng thái cảm xúc na ná, tựa tựa nhau nhưng thực ra lại không cùng một loại. Càng lớn hơn một chút, sau một số trải nghiệm, tôi càng nhận ra việc nhận diện và gọi tên cảm xúc quan trọng biết nhường nào. Không nhận diện được cảm xúc thì thật khó để quản lí và điều chỉnh hành vi cũng như suy nghĩ của chính mình.
Trong nhịp sống hiện đại, ta dường như dành quá nhiều thời gian hướng ra bên ngoài, vậy còn lại bao nhiêu cho việc hướng vào bên trong? Ta có thể hiểu được bao nhiêu về chính mình, những cảm xúc của chính mình và những nguồn cơn của chúng? Tại sao khi yêu, con người ta lại dễ trở nên lệ thuộc đến thế? Tại sao trong mối quan hệ tình cảm của mình, ta không tránh khỏi những lúc nghi ngờ, thiếu an toàn và muốn kiểm soát đối phương? Nền tảng của một mối quan hệ bền vững nên là gì và cần xây dựng từ đâu? Tại sao ta chẳng thiếu thứ gì nhưng vẫn thật khó để cảm thấy hạnh phúc? Tại sao đôi khi tha thứ, bỏ qua cho một ai đó lại là một việc quá đỗi khó khăn? Cơn giận trong ta từ đâu mà tới và làm sao để chuyển hóa nó? Làm sao để xây dựng niềm tin trong mối quan hệ với người và với chính mình? Làm sao để lắng nghe một ai đó (đúng cách)? Rồi thì đâu là thái độ cần có đối với những điều kiện vật chất dư thừa và không cần thiết? Tại sao ta lại tìm cầu và kỳ vọng nhiều thứ từ thế giới bên ngoài đến vậy? v.v.
Nếu bạn một lần nhìn lại và thấy mình cũng có những trăn trở như vậy hoặc tương tự như vậy, hãy ít nhất một lần trải nghiệm “Hiểu Về Trái Tim”. Cuốn sách có thể không mang đến câu trả lời đích xác cho bạn, nhưng nó sẽ dẫn bạn đi đúng hướng để rồi bạn sẽ tự tìm được câu trả lời trong chính mình khi đã trải nghiệm và quan sát bản thân đủ lâu.
Tôi thực sự yêu thích “Hiểu Về Trái Tim” vì nó đã đồng hành cùng tôi rất đúng thời điểm. Nó đã đặt dấu chấm hết cho 6 năm sống chung với bệnh trầm cảm và 2 năm đối diện với những tổn thương tâm lí trong sâu thẳm chính mình để chuyển hóa và chữa lành của chính tôi. Đọc cuốn sách này, tôi đã không ít lần mỉm cười viên mãn vì những “aha moments” mà mình có được.
Sau khi chia tay hai mối tình liên tiếp, tôi đã quyết định quay trở về với bản thân và trở thành chỗ dựa vững chãi cho chính mình. Có chút trách móc, hụt hẫng mấy ngày đầu khi mới vừa trở lại với cuộc sống độc thân tự do, tự tại. Nhưng tiếp tục 1 tháng sau đó, nhờ chú tâm đọc và nghiền ngẫm cuốn sách, suy nghĩ về những gì đã diễn ra, tôi dần lấy lại được cân bằng vì tôi đã bắt đầu nhìn ra nguồn cơn, chân tướng, và bản chất của những cảm xúc của mình và có thể là cả của đối phương. Càng sáng tỏ bao nhiêu, tôi càng bình thản bấy nhiêu. Tôi không khóc lóc, bi lụy, không tuyệt vọng hay tủi thân và tuyệt đối không sử dụng chất kích thích (vì tôi muốn sống tỉnh thức chừng nào còn có thể), vì suy cho cùng, cuộc sống đâu phải chỉ có mỗi tình yêu mới có thể mang lại niềm vui cho tôi. Tôi nhìn về những mối quan hệ cũ như những bài học và trải nghiệm trên đường đời. Tôi biết ơn vì những điều tốt đẹp, tử tế họ đã dành cho tôi, biết ơn vì đã đồng hành cùng nhau dù chỉ là một đoạn đường ngắn, biết ơn vì những bài học. Biết ơn vì nhờ những trải nghiệm đó mà khi đọc sách, tôi không còn thấy nó chỉ là mớ lí thuyết suông. Tôi đã để cho vạn sự tùy duyên, người đến thì hoan hỷ, người đi không níu kéo. Nhờ “Hiểu Về Trái Tim” mà tôi cũng nhận ra vì sao những mối quan hệ đó không thành. Nhưng dù sao thì bây giờ đây, trong lòng tôi vẫn luôn dành cho họ những sự trân quý và tôn trọng nhất định. Tôi vẫn cần phải tiếp tục nỗ lực và bước đi trên hành trình của mình.
Không chỉ là chuyện tình cảm, mà mối quan hệ xưa nay vốn nhiều sứt mẻ giữa tôi và gia đình rốt cuộc cũng được hàn gắn khi tôi học được bài học về “tức giận”, “tha thứ”, “thành kiến”, “làm mới”, và “bình yên”.
Tôi thấy tâm mình sáng ra nhiều khi đã có thêm những hiểu biết mới về nó sau quá trình quan sát, quán chiếu, học tập, cũng như trải và nghiệm. Và tôi vẫn đang tiếp tục thực hiện tiến trình này từng ngày từng ngày. Để rồi tôi nhận ra cuộc sống này vẫn ẩn chứa muôn vàn giá trị màu nhiệm chờ ta khám phá đằng sau những gánh lo toan cơm, áo, gạo, tiền.
Mối quan hệ của tôi với những người xung quanh được cải thiện đáng kể khi tôi mở lòng kết nối và thực sự lắng nghe một ai đó cũng như thực sự hiện diện trong mỗi cuộc đối thoại với họ. Rồi câu nói của Thầy Thích Nhất Hạnh chợt vọng lên trong tâm can tôi rằng: “Every person is a world to explore“. Và tôi càng cảm thấy trân quý hơn từng người tôi có duyên gặp gỡ, kết nối trong cuộc sống, nhất là những ai đã đồng hành, giúp đỡ mình trong những khoảng thời gian khó khăn. Cũng có những người mang đến cho tôi những khó khăn, nhưng tôi chọn cách không quá chú tâm hay suy nghĩ quá nhiều về những điều không tích cực mà họ mang lại. Tôi vẫn cư xử với họ như bình thường thay vì tìm cách trả đũa hay hơn thua. Vì sau tất cả, tôi thường nghĩ đến câu nói của nữ thiền sư Pema Chodron: “Inner peace begins the moment you choose not to allow another person or event to control your emotions.“
Nhờ “Hiểu Về Trái Tim” mà tôi đã sẵn sàng yêu thương cuộc đời thêm một lần nữa, sau 8 năm chung sống, đối diện và vượt qua trầm cảm. Tuy cuộc sống không thể lúc nào cũng dễ dàng, thuận lợi, những điều bất như ý vẫn thường xảy ra, nhưng với một hành trang tâm hồn vững chắc, từng ngày qua đi vẫn lắng đọng lại trong tôi một sự biết ơn. Nội việc được sống để trải nghiệm “nhân gian đáng giá” này cũng đã là cả một ơn huệ rồi.
Tôi hy vọng cuốn sách “Hiểu Về Trái Tim” của Thầy Minh Niệm sẽ giúp mỗi chúng ta có thể hướng vào bên trong và mở rộng dung lượng trái tim mình. Đây chắc hẳn sẽ là hành trang cần thiết trong thời đại mới, khi những tiến bộ công nghệ cho ta nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, có lẽ điều cần thiết là mỗi chúng ta hãy xây dựng nền tảng hiểu và thương trong mối quan hệ với mình, với người và tìm ra chân hạnh phúc trong hiện thực.
P/s: Nếu bạn đã đọc đến đây, tôi xin cảm ơn rất nhiều vì đã dành thời gian và sự chú ý cho bài viết. Tôi chỉ đơn thuần là một độc giả trên hành trình không ngừng học hỏi và khám phá, những chia sẻ của tôi hoàn toàn chỉ là cảm nhận cá nhân tại thời điểm hiện tại với những hiểu biết và trải nghiệm còn nhiều hạn chế của bản thân. Và tôi viết lại đây như những chia sẻ cho chính mình sau này nhìn lại, nếu có thể hữu ích với một ai đó, tôi rất lấy làm biết ơn. Tôi xin đón nhận và lắng nghe mọi ý kiến đóng góp bàn luận nhưng sẽ không đưa thêm quan điểm phản đối hay đồng tình bên ngoài phạm vi bài đăng này.
Chúc bạn một ngày tốt lành!