ASEAN – Hàn Quốc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

Tháng mười 10, 2024

ASEAN – Hàn Quốc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 196,64 tỉ USD và là nhà đầu tư FDI lớn thứ 6 vào ASEAN, đạt 11 tỉ USD trong năm 2023.

ASEAN - Hàn Quốc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện- Ảnh 1.

Các nhà lãnh đạo ASEAN và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol

ẢNH: NHẬT BẮC

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho hay, trong 35 năm qua, quan hệ hai bên đã phát triển vượt bậc. Tổng kim ngạch thương mại tăng gấp 23 lần, đầu tư tăng 80 lần và giao lưu nhân dân tăng 37 lần.

Ông Yoon Suk Yeol khẳng định tiếp tục dành ưu tiên tăng cường đoàn kết và hợp tác với các nước ASEAN, đào tạo các chuyên gia về công nghệ và trí tuệ nhân tạo với kế hoạch đào tạo 40.000 sinh viên…

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng với việc ASEAN và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và đề nghị 3 định hướng triển khai quan hệ ASEAN – Hàn Quốc tương xứng với tầm mức mới.

Một là đóng góp trách nhiệm hơn cho hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Thủ tướng hoan nghênh Hàn Quốc tiếp tục tích cực ủng hộ lập trường chung của ASEAN về Biển Đông cũng như nỗ lực xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững. 

Về phía ASEAN, tổ chức này sẵn sàng phối hợp, thúc đẩy các bên liên quan tăng cường đối thoại, hướng đến hòa bình, ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên phi vũ khí hạt nhân.

ASEAN - Hàn Quốc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

ẢNH: NHẬT BẮC

Hai là thúc đẩy mạnh mẽ hơn hợp tác kinh tế, trọng tâm là kết nối các nền kinh tế, hợp tác văn hóa, du lịch và giáo dục – đào tạo. Trong đó, hợp tác thương mại và đầu tư cần phát triển theo hướng cân bằng hơn, bền vững hơn, tận dụng tốt hơn Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Đồng thời, thúc đẩy ký kết các văn kiện chung, tạo cơ chế hợp tác thông thoáng, thuận lợi, mở cửa thị trường lớn hơn cho nhau, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác văn hóa, du lịch và giáo dục – đào tạo.

Ba là hành động quyết liệt hơn để thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, toàn diện và phát triển bền vững, nhất là đối với các động lực tăng trưởng mới, cùng mở ra những chân trời hợp tác mới có ý nghĩa chiến lược như đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, bán dẫn và AI…

Tiếp tục thúc đẩy Đối tác Mê Kông – Hàn Quốc, đóng góp tích cực cho các nỗ lực phát triển tiểu vùng, bảo đảm tăng trưởng bao trùm, thu hẹp khoảng cách và phát triển đồng đều, bền vững tại khu vực.