ASEAN+ mở ra các chân trời hợp tác mới
ASEAN+ mở ra các chân trời hợp tác mới
Nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc
Ngày 10.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự các hội nghị cấp cao ASEAN+1 với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tại thủ đô Vientiane (Lào).
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN liên tục trong 15 năm, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt gần 700 tỉ USD và là nhà đầu tư FDI lớn thứ 3 vào ASEAN với tổng vốn 17,3 tỉ USD. Tại hội nghị, các lãnh đạo hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc đã hoàn tất cơ bản đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc phiên bản 3.0, tạo điều kiện tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, củng cố chuỗi cung ứng khu vực.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khẳng định tiếp tục ưu tiên phát triển và tăng cường kết nối chặt chẽ giữa các nền kinh tế khu vực, triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Trung Quốc sẽ tiếp tục dành thêm học bổng cho sinh viên ASEAN, thúc đẩy giao lưu nhân dân, tăng cường hiểu biết, tin cậy, làm nền tảng quan trọng cho quan hệ tiếp tục phát triển bền vững.
Về Biển Đông, các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đều khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp, kêu gọi thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đẩy mạnh nỗ lực sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đưa Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần đẩy mạnh kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, kết nối giao thương thông suốt. Thủ tướng mong ASEAN và Trung Quốc sẽ kết nối lập trường, quan điểm, củng cố tăng cường tin cậy chính trị hơn nữa; tăng cường đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp tại khu vực, trong đó có Biển Đông, đưa Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã thông qua các tuyên bố chung về làm sâu sắc hợp tác giao lưu nhân dân, hoàn tất cơ bản đàm phán nâng cấp ACFTA, phát triển nông nghiệp thông minh, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái số bền vững và bao trùm, chống lừa đảo trực tuyến và đánh bạc trên mạng.
Hàn Quốc thành Đối tác chiến lược toàn diện của ASEAN
Hội nghị cấp cao ASEAN – Hàn Quốc lần thứ 25 đã nhất trí thông qua tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN – Hàn Quốc, đánh dấu mốc phát triển mới nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ (1989 – 2024).
Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 196,64 tỉ USD và là nhà đầu tư FDI lớn thứ 6 vào ASEAN, đạt 11 tỉ USD trong năm 2023.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho hay, trong 35 năm qua, quan hệ hai bên đã phát triển vượt bậc. Tổng kim ngạch thương mại tăng gấp 23 lần, đầu tư tăng 80 lần và giao lưu nhân dân tăng 37 lần. Ông khẳng định tiếp tục dành ưu tiên tăng cường đoàn kết và hợp tác với các nước ASEAN, đào tạo các chuyên gia về công nghệ và trí tuệ nhân tạo với kế hoạch đào tạo 40.000 sinh viên…
Đề nghị 3 định hướng triển khai quan hệ ASEAN – Hàn Quốc tương xứng với tầm mức mới, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai bên cần đóng góp trách nhiệm hơn cho hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn hợp tác kinh tế, trọng tâm là kết nối các nền kinh tế, hợp tác văn hóa, du lịch và giáo dục – đào tạo. Trong đó, hợp tác thương mại và đầu tư cần phát triển theo hướng cân bằng hơn, bền vững hơn, tận dụng tốt hơn Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
Tăng cường đầu tư FDI, kết nối thương mại
Trong ngày hôm qua cũng đã diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN – Nhật Bản, Hội nghị cấp cao ASEAN+3 và Hội nghị cấp cao ASEAN – Úc. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 239,4 tỉ USD và là nhà đầu tư FDI lớn thứ 5 vào ASEAN đạt 14,5 tỉ USD năm 2023. Các lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, củng cố chuỗi cung ứng, kết nối hạ tầng… Hai bên cũng sẽ dành ưu tiên cao cho hợp tác khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, phát triển cơ sở hạ tầng xanh, hệ sinh thái xe điện, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, giao lưu nhân dân, du lịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tăng đầu tư hơn nữa vào ASEAN, đề nghị Nhật Bản tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ASEAN tham gia vào các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, xây dựng lực lượng lao động tay nghề cao…
Theo báo cáo của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả khu vực ASEAN+3 năm 2024 dự kiến đạt 4,2% và 4,4% vào năm 2025. Trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và các nước Đông Bắc Á đạt 1.100 tỉ USD, trong khi tổng đầu tư FDI từ các nước trên vào ASEAN đạt 42,8 tỉ USD.
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN+3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị sớm triển khai Tuyên bố Lãnh đạo ASEAN+3 về tăng cường kết nối các chuỗi cung ứng khu vực, thuận lợi hóa thương mại đầu tư, ổn định tài chính, mở cửa thị trường, nâng cao hiệu quả lưu chuyển, cung ứng hàng hóa, dịch vụ và các hoạt động khác, cũng như xây dựng các sáng kiến kết nối kinh tế.
Úc cũng là một trong những đối tác lớn của ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 94,4 tỉ USD và đầu tư FDI vào ASEAN đạt 1,6 tỉ USD năm 2023. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Úc, lãnh đạo các nước nhất trí phối hợp triển khai hiệu quả các cam kết đề ra trong Kế hoạch hành động giai đoạn 2025 – 2029. Đồng thời, sẽ phối hợp thực hiện các cam kết và sáng kiến, trong đó có Sáng kiến Tương lai Úc vì ASEAN trị giá 204 triệu đô la Úc và Quỹ tài trợ đầu tư Đông Nam Á trị giá 2 tỉ đô la Úc. Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh Úc hỗ trợ phát triển tiểu vùng Mê Kông và cảm ơn Úc ưu tiên hỗ trợ vùng ĐBSCL của VN phát triển “thuận thiên”, thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, mong muốn Úc cấp thêm học bổng cho sinh viên các nước ASEAN, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đề nghị WB, AIIB, Hàn Quốc hỗ trợ vốn làm đường sắt, cao tốc
Tại cuộc gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Hàn Quốc cung cấp các khoản vay ưu đãi cho VN để triển khai các dự án hạ tầng quy mô lớn như đường sắt, đường bộ cao tốc. Tổng thống Yoon Suk Yeol đề nghị VN tạo điều kiện cho nhà đầu tư Hàn Quốc tham gia các dự án hạ tầng, phát triển đô thị, năng lượng, khí hóa lỏng (LNG) ở VN.
Tiếp Chủ tịch Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) Kim Lập Quần, Thủ tướng đề nghị AIIB tiếp tục hỗ trợ VN huy động nguồn lực thực hiện các dự án lớn như tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc là Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và Lạng Sơn – Hà Nội; đề nghị ngân hàng này cung cấp các khoản vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để triển khai các dự án quan trọng này. Chủ tịch AIIB cho biết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ VN huy động nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng trọng điểm, bảo đảm năng lượng cho vận hành các tuyến đường sắt cao tốc.
Cùng ngày, tại cuộc tiếp bà Manuela Ferro, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Thủ tướng đề nghị WB tiếp tục hỗ trợ, cung cấp các khoản vay ưu đãi để triển khai các dự án trọng điểm về đường sắt cao tốc, tàu điện ngầm, cảng biển, sân bay lớn.