Bà cố mất,…
Tháng mười 6, 2024
Sáng nay nghe tin bà cố mất, thật lạ vì cảm giác nhẹ nhàng xâm lấn tôi nhiều hơn là cảm giác buồn. Chỉ khi gọi cho má, thấy má khóc nấc lên qua màn hình điện thoại, mắt tôi mới bắt đầu rươm rướm,…
Bà cố là bà nội của má, bà cố bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ nuôi má chắc đâu đó năm má lớp 8, sau khi quyết định nghỉ học. Để mà nói về lý do tại sao bà cố lại nuôi má thì chắc là một câu chuyện dài đăng đẳng về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, mối quan hệ con anh con tôi con chúng ta.
Má ở với bà cố, đi làm chung với bà cố, ăn cơm với bà cố, sau này khi ba má hẹn hò ba cố cũng là người đầu tiên má dắt ba ra mắt. Tận sâu bên trong, tôi nghĩ chắc má xem bà cố như một người mẹ kiêm luôn vị trí bà nội.
“Bả khó tính lắm”, chắc gặp ai tôi cũng nghe câu khẳng định chắc nịch này, từ má tôi đến ba, từ bà ngoại ruột đến bà ngoài sau, từ ông ngoại đến anh chị em trong nhà ông ngoại đều nói câu này. Riêng tôi, thì chắc chưa cảm nhận được nhiều sự khó tính của bà, vì mỗi lần gặp bà đều dúi cho tôi 10 nghìn, 20 nghìn vào túi không quên kèm theo câu “đừng nói má mi nghe”.
Nhớ đâu đó khoảng 10 năm trước, khi tôi học lớp 11, 12 chương trình học cấp 3 luôn kèm theo các môn học tăng tiết. Nghĩa là buổi sáng sẽ là thời gian học chính, buổi chiều sẽ là các môn học bổ sung theo khối học sinh đã chọn. Tôi học khối D (Toán, Anh, Văn) nên thường 1 tuần sẽ có đâu đó vài buổi học nguyên ngày ở trường. Nhà tôi cách trường mười mấy cây số vì vậy khi học xong sáng tôi sẽ ghé vào nhà bà cố để ăn trưa rồi ngủ lại đến chiều sẽ vào học các môn tăng tiết. Không phải nói, chứ mỗi lần bà cố nghe tin tôi ở lại trưa đều chuẩn bị cơm cá thịt canh đầy đủ, có lúc tôi còn cho mấy đứa bạn ké 1 bữa cơm trưa tại nhà bà. Mấy bà cháu nằm trên cái phản, có lúc cúp điện mấy đứa thiu thiu ngủ cũng chính bà cố cầm cây quạt giấy mà phất qua phất lại.
Sau này học đại học, tôi ít gặp bà hơn, chắc 1 năm gặp 1 lần, nhiều thì 2. Mỗi lần gặp bà đều hỏi “Mi ra trường chưa? Mi làm đủ sống không?” Nghe câu đủ sống không nhiều lúc tôi cảm giác buồn cười mà cũng ngậm ngùi, do nhiều người ở quê cứ hễ gặp mấy đứa Sài Gòn về đều hỏi cho tới nơi là lương cụ thể bao nhiêu? bla bla, bà thì chỉ hỏi “Có đủ sống không?”
Vài năm trở lại đây, bà cố bị lẫn, chứng bệnh mà rất nhiều người già sẽ phải trải qua. Tết đến bà không hỏi lương có đủ sống không mà thay bằng loạt câu hỏi với hội thoại kiểu như là:
“Mi con ai?”
“Dạ con con má Ty” – tôi đáp
“Ty là đứa mô?”
Đến đây thì tôi thường chỉ cười cười do biết là nói mãi thì bà cũng sẽ không nhớ. Chứng bệnh này tự dưng đôi lúc người ta sẽ nhớ ra cụ thể, rõ ràng về người thân hoặc một người họ hàng xa nào đó, đôi lúc lại không.
Sau cái đoạn hội thoại trên, sẽ đến cái đoạn bà kể “con bé Thư, thằng cu Sinh, thằng út con Ty” với tôi.
3 đứa đó là 3 chị em nhà tôi, Thư – tên tôi.
“Mi biết con bé Thư không? Hắn con lớn con Ty đó, hắn học giỏi lắm, đi học ở Sài Gòn mấy năm ni, hắn chịu khó lắm. Rồi thằng cu Sinh thì đang đi bộ đội, thằng đó hắn đẹp trai giống ba hắn. Còn thằng Út, thằng Bít đó, hắn hiền mà cũng giỏi lắm”.
Câu chuyện cứ thế lặp đi lặp lại mấy năm trời, kể cả khi con bé Thư đã ra trường đi làm vài năm, thằng cu Sinh đã ra quân cũng bươn ba chỗ này chỗ kia, thằng Bít thì cũng đã lớn và bước vào năm 2 Đại học.
Viết đến đây, tự dưng tôi cảm thấy ngậm ngùi,
Tết năm nay lúc về bà cố vẫn còn nhận thức được, tôi vẫn được đút cho bà cố mấy muỗng cơm, vài viên thuốc, tôi vẫn còn được nghe những câu chuyện chắp vá không đầu không đuôi của bà cố. Mấy hôm trước nghe tin bà cố yếu, ngồi lục lại mấy tấm hình mà tự dưng nước mắt lại chực trào ra không nín được.
Rồi thì bà cố yếu đi, bà cố chỉ nằm 1 chỗ mấy tháng nay, không ăn gì nhiều chỉ vài ba cái bánh quy, không còn những câu hỏi hay những lần la bới con cháu. Người bà bắt đầu lở ở những chỗ tiếp xúc với giường nhiều do nằm quá lâu, một phần do cơ thể người già không ăn nhiều nên dinh dưỡng cũng không đưa tới để nuôi được nữa.
Có mấy lần thằng Bít chụp mấy bức hình những chỗ vết thương của bà cố cho tôi xem, mấy lúc đó trong lòng lại nhói lên vài chặp, lúc đó tôi tự nghĩ “không biết nếu nói được thành lời bà cố sẽ miêu tả cái vết thường ăn mòn cơ thể bà từng ngày như thế nào”.
Thật tâm, tôi chỉ muốn bà cố ra đi nhẹ nhàng, để bà không phải trải qua nỗi đau cơ thể như lúc đó nữa. Và đâu đó cũng có những nỗi đau tâm trí mà chắc bà chẳng bao giờ ngỏ lời ra để cho ai hiểu những năm cuối đời.
Hôm nay bà cố mất, tôi lại thấy nhẹ nhàng, nhẹ nhàng cho bà cố vì đã xong một kiếp người, nhẹ nhàng cho những người ở lại vì đã không còn phải chứng kiến người thân của mình đau đớn mỗi ngày nữa.