‘Baby jack’ ở Hội An là món gì nhỉ?
‘Baby jack’ ở Hội An là món gì nhỉ?
Hội An bây giờ, phố vẫn cổ, nhưng khách du lịch thì rất tân thời: toàn là các “ông Tây bà Đầm” thảnh thơi dạo bộ hay náo nức trả treo trong những “shop” từ thời trang tới hàng lưu niệm mọc như nấm sau mưa tại đây.
Lâu không có dịp viếng Hội An, cứ thấy như thành phố cổ kính này “mới” ra hàng ngày, và sức thu hút khách du lịch năm châu bốn biển của nó thì phải nói là… khủng. Người ta tổng kết rằng cho tới nay, địa điểm du lịch mà dân bản địa nói tiếng Anh tính trên… miệng người đạt tỷ lệ cao nhất nước ta là… Hội An. Dân ở đây nói tiếng Anh nhiều và hay như… tiếng Quảng.
Người Quảng Nam được tiếng là hay… cãi, nhưng người Hội An, ngược lại, khi nói tiếng Quảng lẫn tiếng Anh đều rất nền nã và thậm chí còn dịu dàng nữa. Những cửa hàng may đo “tốc hành” từ những bộ veston sang trọng tới những bộ cánh thời trang có vẻ là những cửa hàng hút khách nhất. “Hoi An Fashion” khác với phố cổ ở chỗ nó có tuổi đời rất trẻ.
Ngày trước, khi Hội An chưa là “di sản thế giới” tôi chưa hề biết Hội An có truyền thống may đo. Vậy mà, với sự năng động chớp thời cơ của mình, người Hội An đã chứng tỏ họ có “máu buôn bán” và nhạy cảm trong việc nắm bắt cơ hội làm ăn tới bậc nào! Hữu cầu hữu cung, và cung tới cỡ “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi” ở mức cao nhất mới thôi, đó là Hội An.
Nhưng chúng tôi đến Hội An lần này không phải để may các bộ đồ “vía”. Chúng tôi muốn giới thiệu với anh bạn nhà thơ người Úc một nét ẩm thực Hội An tại một nhà hàng rất “Tây”. Và anh bạn tôi đã đặt sẵn 2 món “dạo đầu” khiến chúng tôi đi từ bất ngờ tới bất ngờ. Món mít non trộn gỏi mà em gái phục vụ bàn dịch ra tiếng Anh là “salad baby jack”, một cách dịch đầy sáng tạo khiến anh bạn nhà thơ Úc hiểu ra ngay và cười sảng khoái.
Món mít trộn rất đặc trưng cho những vùng quê nghèo xứ Quảng đã được đưa lên bàn tiệc sang trọng để làm món khai vị lai rai với vang Pháp, đúng là quá đã! Ở thành phố Quảng Ngãi, tôi vẫn thỉnh thoảng đi cùng mấy anh em để ăn món “salad baby jack” này từ một gánh hàng rong của bà cụ mẹ liệt sĩ. Bà làm món này khéo và chuẩn tới mức người ăn cứ hít hà khi ăn chứ “no comment” (miễn bình luận), vì nó ngon quá, ngon không chịu nổi, ngon tới mức…thiền, tới luôn thơ… haiku. Tôi đã bàn về thơ haiku với anh bạn nhà thơ Úc, và so nó với món mít non trộn gỏi vừa ngọt vừa ngậy vừa chan chát lại vừa thơm thơm kia. Anh bạn tỏ ra tán đồng, vì theo anh – một nhà thơ là giảng viên đại học ở Melbourne, người từng đi du lịch rất nhiều nước trên thế giới – thì phương Tây không thể có món salad nào tên là… baby jack.
Đây quả là món ăn độc đáo chỉ có ở Việt Nam, rất ít… cholesterol và rất nhiều chất… xơ, hợp với yêu cầu của y sinh hiện đại. Tôi nói thêm, đây là món ăn chỉ có ở miền Trung quê tôi. Khi baby jack (mít… trẻ con) đã vào ca dao, thì nó đã được nhân dân tôi “ok” rồi! Là nó đã trở thành… thơ rồi! Khi món thứ hai được dọn ra, những người ngạc nhiên nhất lại vẫn là… chúng tôi, chứ không phải anh bạn nhà thơ Úc.
Đơn giản, vì anh ta chưa biết món ăn này. Lại phải giải thích khá dài dòng, khá kiên nhẫn. Đó là món… cá nục tươi hấp cuốn bánh tráng với rau muống sống. Cá nục phải chọn loại nhỏ, nhưng tươi, còn rau muống để nguyên cả cọng. Chấm với mắm “gin”. Lại một món ăn “đặc nhà quê”, mà nhà quê tôi. Cái món này tôi đã được ăn từ hồi nhỏ, sau bao thăng trầm chiến tranh cách trở, lúc về lại quê nhà mới được ăn cho bõ thèm. Giờ thì người phố Hội đưa nó lên bàn tiệc đãi khách quốc tế.
Quả là độc đáo! Người Quảng, dù là Quảng Nam hay Quảng Ngãi cũng có những món ăn dân dã giống nhau, và có những sở thích giống nhau, tuy đôi khi hơi… kỳ quặc. Như ăn rau muống sống thì ăn cả cọng chứ không chẻ làm tư làm tám ra như người Bắc, và coi đây là món “ăn chiều”, tức là ăn vào giác 2 – 3 giờ chiều, trước khi làm tiếp những công việc đồng áng. Ăn vào thời điểm ấy bụng chưa đói nhưng không còn no, và món ăn không hề nặng bụng này sẽ khiến người ăn thưởng thức được đầy đủ hương vị của nó. Sau khi ăn thì “úp” luôn vài bát nước chè tươi hoặc chè khô nóng hổi, thế mới đã!
Sau khi được tận tình hướng dẫn, anh bạn nhà thơ Úc đã ăn ngon lành mấy cuốn cá nục rau muống, và khen ngon đáo để. Tôi chỉ tiếc là nhà hang không nấu luôn món soup “mít non nấu cá ngạnh nguồn” cho đủ “complete”. Tôi bảo đảm, nếu thực hiện tốt, món soup này sẽ ăn đứt những món soup bào ngư vi cá “đạm bạc” – nghĩa là nhiều đạm và bộn… bạc – cả hai đều không thích hợp với khách du lịch muốn giữ gìn sức khoẻ cho bản thân và cho… ví tiền của mình.
Món ăn dân dã Hội An, nếu kể cho đúng cho đủ phải hết vài ba bài phóng sự, đây tôi chỉ “nét” qua thoáng qua theo kiểu nhà thơ – một nhà thơ Việt đang muốn giới thiệu nhanh vài đường ẩm thực quê mình với một nhà thơ tận xứ sở… chuột túi.
Bạn đang đọc ‘Baby jack’ ở Hội An là món gì nhỉ? tại website hungday.com