Bắc Giang: “Bứt tốc” giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia
Bắc Giang: “Bứt tốc” giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia
(Xây dựng) – Mặc dù có sự tiến triển đáng kể so với giai đoạn 6 tháng đầu năm nhưng đến hết 9 tháng, giải ngân vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia của toàn tỉnh Bắc Giang mới đạt gần 40%. Tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp để đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn này trong những tháng cuối năm.
Nhiều công trình từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương. |
Nhiều khó khăn
Theo phân bổ, nguồn vốn ngân sách Trung ương dành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh Bắc Giang trong năm 2024 là 1.013,593 tỷ đồng. Trong đó: Vốn đầu tư phát triển là 577,157 tỷ đồng (bao gồm cả 28,373 tỷ đồng vốn ODA thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới); vốn sự nghiệp 436,436 tỷ đồng. Đến nay, đã hoàn thành giao chi tiết 100% kế hoạch vốn được Trung ương giao. Vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh dành cho các Chương trình mục tiêu quốc gia là gần 68 tỷ đồng.
Ngoài ra, vốn ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia kéo dài là 274,921 tỷ đồng. Vốn ngân sách địa phương là 16,104 tỷ đồng (trong đó: Vốn đầu tư phát triển 13,602 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 2,502 tỷ đồng) và một số nguồn vốn khác.
Tính đến hết tháng 9/2024, tính chung các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia được giao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giá trị giải ngân đạt 618,4 tỷ đồng, bằng 39,7% kế hoạch. Đây là con số thấp so với kế hoạch, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đối với việc giải ngân nguồn vốn này.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang thì nguyên nhân khiến cho việc giải ngân nguồn vốn này chậm là do quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và các quy định về quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan, hiện còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Cụ thể: Công tác thẩm định đối với các dự án bảo tồn làng bản truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình.
Việc thực hiện chính sách đối với các xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới gặp khó khăn, nhất là cấp cơ sở, do phải điều chỉnh kế hoạch, đối tượng, định mức hỗ trợ, một số hộ nghèo dân tộc Kinh không được thụ hưởng chính sách…
Ngoài ra, là khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Tiểu dự án 2 dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hiện UBND tỉnh Bắc Giang đã có Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ ngành Trung ương đề xuất phương án thực hiện trong thời gian tới, tuy nhiên đến nay chưa nhận được văn bản của Bộ, ngành Trung ương.
Bên cạnh đó, đối với nội dung thành phần số 07 thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, hiện có đơn vị đăng ký tham gia xây dựng mô hình nhưng lại có văn bản đề nghị dừng thực hiện do không bố trí được nhân lực thực hiện mô hình và chưa có đơn vị khác đủ điều kiện đăng ký tham gia thực hiện dự án mô hình thí điểm.
Quyết tâm hoàn thành kế hoạch
Xác định việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa quan trọng, đóng góp trực tiếp vào thúc đẩy hàng hóa sản xuất trong nước, phát triển cơ sở hạ tầng, tháo gỡ điểm nghẽn cho phát triển, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, dẫn dắt và định hướng vốn đầu tư toàn xã hội, giúp phát triển kinh tế nhanh và bền vững, UBND tỉnh Bắc Giang đang tập trung nhiều biện pháp để hoàn thành kế hoạch giải ngân trong năm 2024.
Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Giang giao các địa phương tập trung cao triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; xác định rõ đối tượng thụ hưởng, nội dung thực hiện chương trình; sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào thực hiện chương trình.
Các cơ quan chủ trì thực hiện các Chương trình, dự án, nội dung thành phần tiếp tục chủ động bám sát, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị được giao kế hoạch vốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện; kịp thời triển khai, hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc ở địa phương.