Bắc Ninh: Chuyển đổi số – Bước đột phá nâng cao chất lượng sống người dân
Bắc Ninh: Chuyển đổi số – Bước đột phá nâng cao chất lượng sống người dân
(Xây dựng) – Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị, công tác chuyển đổi số tại tỉnh Bắc Ninh đã và đang diễn ra mạnh mẽ, đạt được những kết quả nổi bật. Người dân từng bước thụ hưởng các thành quả, lợi ích thiết thực từ chuyển đổi số.
Đồng chí Nguyễn Trung Hiền, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cùng Đoàn công tác của Cục Chuyển đổi số quốc gia kiểm tra công tác cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh. |
Nâng cao chất lượng sống người dân từ tiện ích xã hội, dịch vụ công
Một trong những tiện ích xã hội đang phát huy hiệu quả cao trong thực hiện chuyển đổi số hiện nay phải kể đến ứng dụng “Phản ánh kiến nghị” tỉnh Bắc Ninh trên thiết bị di động. Hiện nay, ứng dụng được triển khai đến 252 cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, với 1.500 tài khoản; tiếp nhận vượt mốc 10.000 phản ánh, kiến nghị ở 30 lĩnh vực; tỷ lệ xử lý đạt trên 95%. Ứng dụng đã trở thành kênh tương tác tổng hợp giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền, được người dân đồng tình hưởng ứng, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là ứng dụng tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.
Công tác giải quyết thủ tục hành chính được quan tâm đẩy mạnh, đã cung cấp 1.385 dịch vụ công trực tuyến/1.817 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 76,2% và đảm bảo 100% dịch vụ công đủ điều kiện đã được triển khai toàn trình. Tích hợp 1.170 dịch vụ công thường xuyên phát sinh hồ sơ lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 86%.
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn tỉnh đạt 92,24%, trong đó cấp huyện đạt 98,5%, cấp xã đạt 98,76%. Đến nay, tỷ lệ số hóa thủ tục, thành phần hồ sơ trên toàn tỉnh đạt trung bình hơn 98%, tăng hơn 85% so với trước khi có Chỉ thị 10/CT-UBND ngày 1/6/2023 về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng cung cấp và thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã đảm bảo các điều kiện về mặt kỹ thuật để triển khai thử nghiệm cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người dân trên ứng dụng VNeID từ ngày 1/10. Để khuyến khích người dân tham gia, tỉnh đang có chủ trương miễn phí đối với người dân thực hiện hồ sơ trực tuyến cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID. Đây chính là bước đột phá trong cải cách hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh còn được triển khai chức năng ký số từ xa và phát hành biên lai điện tử. Hiện nay, 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng biên lai điện tử trong thu phí/lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính. Có 16.992 doanh nghiệp, tổ chức sử dụng hóa đơn điện tử (đạt tỷ lệ 100%); 1.427 hộ kê khai thuế áp dụng hóa đơn điện tử (đạt 100%); trong 9 tháng đầu năm 2024 có hơn 16 triệu hóa đơn điện tử được tạo lập. Việc đưa vào sử dụng biên lai điện tử không những nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước mà còn giúp người dân, doanh nghệp tiết kiệm được thời gian, chi phí, xóa bỏ tình trạng phải sử dụng nhiều loại giấy tờ khi giải quyết thủ tục hành chính. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tham gia giải quyết thủ tục hành chính, tỉnh đã cấp 48.000 chữ ký số công cộng, trong đó cấp miễn phí cho các doanh nghiệp mới thành lập.
Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai hiệu quả các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, thực hiện chi trả an sinh xã hội cho 96.285 người, đạt 98,98%; chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua thẻ ATM cho gần 40.000 người, đạt 93%.
Đối với dữ liệu, đã thực hiện cập nhật 477.230 dữ liệu người lao động (đạt 100%); 105.518 dữ liệu an sinh xã hội (đạt 100%); xây dựng 100% cơ sở dữ liệu địa chính cấp xã với 1.398.859 thửa đất; số hóa 100% dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức; 766.700 dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh (đạt 63,4%), góp phần cắt giảm thành phần hồ sơ giấy tờ trong giải quyết thủ tục hành chính.
Hạ tầng mạng viễn thông được quan tâm đẩy mạnh, đã triển khai mạng di động 5G tại Khu công nghiệp Yên Phong, Khu công nghiệp VSIP và 6/8 huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh, với tổng số 200 trạm của VNPT và Viettel, bảo đảm chất lượng. Đây là một bước tiến quan trọng, sự chuẩn bị chu đáo của ngành Thông tin và truyền thông trong phát triển hạ tầng số, làm nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số cũng như phục vụ người dân, doanh nghiệp và hoạt động của chính quyền các cấp ngày càng tốt hơn.
Những bài học kinh nghiệm và nhiệm vụ trọng tâm
Có được kết quả trên, trước tiên là sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Nắm chắc tình hình thực tế, chỉ đạo, điều hành đồng bộ, linh hoạt, xác định rõ lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm và có thời gian cụ thể. Trong đó, sự nêu gương và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương là yếu tố quyết định triển khai chuyển đổi số thành công. Thực tế cho thấy, ở cơ quan, đơn vị, địa phương nào người đứng đầu chỉ đạo quyết tâm, quyết liệt thì ở đó chuyển đổi số đạt hiệu quả cao.
Trong quá trình triển khai, Bắc Ninh luôn lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm của chuyển đổi số, coi doanh nghiệp và người dân là khách hàng, cơ quan Nhà nước là đơn vị phục vụ; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, kịp thời xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý, mở đường, định hướng thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương. Đặc biệt, luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu đến công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, vì đây là yếu tố then chốt, được coi là “bức tường chắn” vững chắc loại bỏ các cuộc tấn công mạng, bảo vệ an toàn các hoạt động trên môi trường số.
Để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số có trọng tâm, trọng điểm, thực chất và hiệu quả, thời gian tới, Bắc Ninh tăng cường chuyển đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số đảm bảo có lộ trình cụ thể, rõ người, rõ việc, dễ thực hiện, kiểm tra giám sát và lấy kinh nghiệm triển khai Đề án 06 làm mô hình mẫu để thực hiện.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng dữ liệu số của cơ quan Nhà nước, xây dựng chiến lược, danh mục dữ liệu dùng chung và của các ngành, địa phương. Triển khai quyết liệt đảm bảo 100% hệ thống thông tin được phê duyệt hồ sơ cấp độ an toàn hệ thống thông tin. Nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến được đồng bộ lên Cổng dịch vụ công quốc gia, tỷ lệ thanh toán trực tuyến đối với các thủ tục hành chính có nghĩa vụ tài chính, tỷ lệ số hóa hồ sơ và tái sử dụng kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Rà soát, đánh giá nguồn nhân lực công nghệ thông tin và sắp xếp cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công nghệ thông tin thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị địa phương; nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng. Tiếp tục phát triển hạ tầng mạng viễn thông, trong đó ưu tiên triển khai mạng di động 5G tại các khu, cụm công nghiệp, trung tâm đô thị trên địa bàn tỉnh.
Một số chỉ tiêu chuyển đổi số quan trọng Bắc Ninh thuộc nhóm dẫn đầu cả nước: Tỷ trọng kinh tế số xếp thứ nhất, đạt 56,83% trên GRDP; Chỉ số an toàn thông tin mạng và Chỉ số ICT index xếp thứ tư; Chỉ số chuyển đổi số xếp thứ bảy. Bắc Ninh phổ cập dịch vụ mạng di động 4G và điện thoại thông minh, triển khai mạng 5G ở hầu hết các huyện, thị xã và thành phố; 91% dân số trong độ tuổi lao động có tài khoản thanh toán điện tử. |
Nguyễn Trung Hiền
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh