Bắc Ninh: Khắc phục những tồn tại trong quy hoạch, hướng tới tương lai bền vững
Bắc Ninh: Khắc phục những tồn tại trong quy hoạch, hướng tới tương lai bền vững
(Xây dựng) – Sau 27 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc, chuyển mình mạnh mẽ từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy sang công nghiệp theo hướng hiện đại. Tỷ lệ đô thị hóa tăng trưởng vượt bậc từ 9% (năm 1997) lên 60,3% (năm 2023). Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch còn xảy ra một số tồn tại, vướng mắc, bất cập.
Tỉnh Bắc Ninh hiện đã hoàn thành phê duyệt 25/26 đồ án quy hoạch phân khu đô thị, đảm bảo tuân thủ pháp luật và cơ bản phủ kín khu vực đô thị phía Bắc tỉnh. |
Thông tin từ Sở Xây dựng Bắc Ninh, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh sau 27 năm tái lập đã tăng trưởng vượt bậc từ 9% (năm 1997) lên 60,3% (năm 2023). Hiện tại, toàn tỉnh có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III, 3 đô thị loại IV và 4 đô thị loại V.
Bắc Ninh đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 với 12 đô thị, bao gồm 1 đô thị loại I (thành phố Bắc Ninh), 1 đô thị loại II (thành phố Từ Sơn), 4 đô thị loại III (Yên Phong, Tiên Du, Quế Võ, Thuận Thành) và 6 đô thị loại V (Gia Bình, Nhân Thắng, Cao Đức, Thứa, Lâm Thao, Trung Kênh). Theo đó, việc xây dựng, phê duyệt quy hoạch và chương trình phát triển đô thị luôn được thực hiện một cách kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế, nhu cầu phát triển và quy định của pháp luật.
Để đạt được những thành tựu trong phát triển đô thị, tỉnh Bắc Ninh đã có một quá trình nỗ lực xây dựng và thực hiện các giải pháp quy hoạch đồng bộ, khả thi từ cấp tỉnh đến địa phương, với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân. Trong đó, công tác quy hoạch xây dựng đóng vai trò quan trọng, là cơ sở định hướng, cụ thể hóa ý tưởng, tạo tiền đề để thực hiện mô hình phát triển kinh tế, phát triển con người Bắc Ninh văn hóa và tri thức.
Tuy nhiên, quá trình này cũng không tránh khỏi những tồn tại, khó khăn, vướng mắc. Sự thay đổi trong chính sách, pháp luật về quy hoạch qua các thời kỳ, cùng với việc thiếu đồng bộ trong quy định pháp luật giữa các ngành, lĩnh vực đã gây ra những bất cập nhất định.
Trao đổi với phóng viên Tin tức xây dựng mới nhất, ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh thông tin: “Các tồn tại, vướng mắc, sai sót trong công tác quy hoạch của tỉnh Bắc Ninh đã được chỉ ra trong các Kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra tỉnh Bắc Ninh. Cụ thể, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra các vấn đề liên quan đến công tác quản lý Nhà nước ngành Xây dựng các lĩnh vực như: Quy hoạch xây dựng, thực hiện quy hoạch, hoạt động đầu tư xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản giai đoạn 2016-2020 tại Kết luận số 17/KL-TTr ngày 15/3/2022.
Ngày 10/6/2024, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh cũng chỉ ra các tồn tại, vướng mắc trong việc chấp hành chính sách, pháp luật về quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị giai đoạn 2015-2022 tại Kết luận số 08/KL-TTr.NV1”.
Nhìn nhận về những tồn tại, bất cập nêu trên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh chia sẻ: Các vướng mắc, sai sót này chủ yếu xảy ra ở giai đoạn trước, khi hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, pháp luật về quy hoạch và hệ thống quy hoạch các cấp còn chưa đồng bộ, thống nhất.
Để khắc phục những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch xây dựng được chỉ ra bởi Thanh tra Bộ Xây dựng và tiếp thu ý kiến đóng góp từ cộng đồng, ngay từ năm 2020, ngành Xây dựng Bắc Ninh đã phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và Bộ Xây dựng để lập, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Quy hoạch tỉnh và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh. Các đồ án này mang tính đột phá, đặt ra những định hướng và giải pháp lớn nhằm hoàn thiện hệ thống quy hoạch các cấp, từng bước khắc phục những thiếu sót, tồn tại đã được chỉ ra trước đó tại các Kết luận thanh tra.
Phối cảnh trục trung tâm đô thị: Bắc Ninh đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 với 12 đô thị. |
Hiện nay, Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 8/12/2023 và Quyết định số 728/QĐ-TTg ngày 20/6/2023. Ngay sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 9/1/2024 về những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024. Với chủ đề: “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, triển khai các quy hoạch, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực, phục hồi tăng trưởng kinh tế; xây dựng văn hóa, con người Bắc Ninh – Kinh Bắc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.
Ngoài ra, để thực hiện tốt chương trình công tác, ngay từ đầu năm 2024, ngành Xây dựng Bắc Ninh đã chủ động chỉ đạo các địa phương, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tập trung vào các nhiệm vụ như đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập, trình thẩm định, phê duyệt các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng. Hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh; triển khai đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045; lập, thẩm định, phê duyệt 26 đồ án quy hoạch phân khu thuộc khu vực đô thị lõi; triển khai 2 đồ án quy hoạch đô thị còn lại thuộc khu vực nội thị, thị xã Thuận Thành.
Báo cáo UBND tỉnh về việc điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Hồ và phụ cận, Quy hoạch vùng huyện Gia Bình, Lương Tài trên cơ sở quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng các đồ án quy hoạch phân khu cũng như quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh, góp phần đưa Bắc Ninh phát triển ổn định và bền vững theo định hướng quy hoạch chung, Sở Xây dựng thường xuyên đôn đốc và chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, bên cạnh việc tuân thủ các quy hoạch cấp trên và các quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, các bên liên quan cần lưu ý những điểm khi đánh giá thực trạng công tác quản lý và phát triển đô thị – nông thôn, cần chỉ rõ những khó khăn, bất cập, đồng thời phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng sẵn có.
Trong quá trình quy hoạch, cần “lấy con người làm trung tâm, lấy không gian di sản văn hóa đặc trưng vùng Bắc Ninh – Kinh Bắc làm nền tảng cho sự phát triển”.
Đối với hiện trạng các khu vực dân cư và khu đô thị cũ trong quy hoạch phân khu, tỉnh luôn thực hiện ưu tiên rà soát, cải tạo và bổ sung các yếu tố về hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, bãi đỗ xe… hệ thống văn hóa, y tế, giáo dục, thương mại, cây xanh… mục tiêu là cải thiện môi trường sống, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa “làng nghề truyền thống”. Đồng thời, rà soát và điều chỉnh các đồ án, dự án chưa phù hợp để tập trung vào các dự án lớn, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Cùng với đó, tỉnh cũng thực hiện rà soát các đồ án, dự án đang và chưa thực hiện trên địa bàn. Những dự án chưa đủ cơ sở pháp lý, không phù hợp với quy hoạch cấp trên sẽ được xem xét điều chỉnh hoặc thu hồi. Việc này nhằm tập trung nguồn lực cho các dự án lớn, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, từ cấp đơn vị ở đến cấp vùng, kiến tạo không gian đô thị hiện đại và phát triển bền vững; hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm phục vụ cho công tác nâng cấp đô thị trong tương lai.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh thông tin thêm, đến nay, tỉnh đã hoàn thành phê duyệt 25/26 đồ án quy hoạch phân khu đô thị, đảm bảo tuân thủ pháp luật và cơ bản phủ kín khu vực đô thị phía Bắc tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, vừa định hướng cho việc phát triển đô thị mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ, vừa là tiền đề để Bắc Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Đồng thời, việc hoàn thiện quy hoạch phân khu còn giúp hạn chế sai sót trong triển khai quy hoạch chi tiết, tạo dư địa cho công tác thu hút đầu tư, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com