Bài 1: Hạ tầng hoàn thiện, đô thị cất cánh

Tháng chín 24, 2024

Bài 1: Hạ tầng hoàn thiện, đô thị cất cánh

LTS: Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây được xem là “Kim chỉ nam” để địa phương này đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, là trung tâm phát triển năng động, dẫn đầu về khoa học công nghệ, công nghiệp và dịch vụ hiện đại. Hạ tầng đô thị phát triển thông minh, bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm an ninh xã hội, hướng tới phát triển bền vững và hiện đại hóa, liên kết phát triển với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ.

(Xây dựng) – Được xem là “hạt nhân” vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, tỉnh Bình Dương đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, nâng cấp toàn diện các đô thị, vùng công nghiệp theo hướng hiện đại, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, từng bước hoàn thiện mô hình thành phố thông minh.

Bài 1: Hạ tầng hoàn thiện, đô thị cất cánh
Công ty Becamex IDC và Tập đoàn Sunwah (Hàn Quốc) ký kết trao đổi hợp tác lĩnh vực đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis Trung Quốc 2024. (Ảnh: M.Thìn)

Từ phát triển hạ tầng giao thông và công nghiệp…

Bình Dương được ví như “thủ phủ công nghiệp” của vùng Đông Nam bộ. Dù “sinh sau đẻ muộn”, lĩnh vực công nghiệp tại địa phương này được đánh giá là có những bước phát triển mạnh mẽ cả “chất” và “lượng”. Bình Dương xác định lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá, trong đó, hạt nhân chính là việc thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp tập trung, từ đó mở đường tạo động lực phát triển kinh tế chung.

Bài 1: Hạ tầng hoàn thiện, đô thị cất cánh
Đô thị Bình Dương được quy hoạch bài bản. (Ảnh: M.Thìn)

Phần lớn các chuyên gia kinh tế đều khẳng định, thành công của tỉnh Bình Dương trong thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp phát triển không gì khác ngoài việc chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông. Từ những ngày đầu tái lập tỉnh (1997), còn nhiều khó khăn về điều kiện, Bình Dương đã nghĩ ngay đến việc “xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông”. Cụ thể, tỉnh đã giao Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư mở rộng nâng cấp Quốc lộ 13 theo hình thức BOT. Quốc lộ 13 với chiều dài 62km, 6 làn xe, từ Thành phố Hồ Chí Minh kéo dài đến tỉnh Bình Phước được xem là “công trình thế kỷ” của tỉnh Bình Dương lúc bấy giờ, góp phần tạo động lực để địa phương này phát triển. Với việc Quốc lộ 13 trở thành trục chính, hàng loạt tuyến đường khác dần hình thành, tạo nên một mạng lưới giao thông dày đặc có tính kết nối cao, mở ra cơ hội “đánh thức” các vùng đất tiềm năng như: Bến Cát, Dầu Tiếng, Tân Uyên, Bàu Bàng, Phú Giáo xây dựng và phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN).

Bài 1: Hạ tầng hoàn thiện, đô thị cất cánh
Hạ tầng giao thông hiện đại, thường xuyên được nâng cấp, mở rộng đã thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp của tỉnh Bình Dương phát triển mạnh mẽ. (Ảnh: M.Thìn)

Ngoài Quốc lộ 13, hiện nay, các trục đường giao thông đô thị chính như: Đường Mỹ Phước – Tân Vạn, đường ĐT.743A, đường ĐT.743B và đường ĐT.743C đã góp phần nâng tầm hạ tầng giao thông cho tỉnh Bình Dương và là động lực quan trọng để thúc đẩy công nghiệp phát triển.

Không chỉ những trục đường lớn được đầu tư chất lượng, hàng loạt tuyến đường trong các KCN, CCN cũng được nâng cấp, mở rộng. Hiện nay, hạ tầng giao thông tại Bình Dương được đánh giá là tốt nhất vùng Đông Nam bộ.

Nhiều chủ doanh nghiệp trong và ngoài nước khi đến Bình Dương tìm hiếm cơ hội đầu tư đều rất hài lòng về hạ tầng giao thông tại đây. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp New Motion (Singapore) Lim Hua Tiong cho biết, giao thông thuận lợi, hạ tầng công nghiệp phát triển đã thúc đẩy việc ông cũng các cộng sự của mình sớm đầu tư một nhà máy chuyên về sản xuất màn hình vô tuyến, màn hình hiển thị, xây dựng nhà xưởng, dịch vụ kho bãi trị giá 185 triệu USD vào năm 2020 tại phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một.

Ông Lim Hua Tiong khẳng định, Bình Dương có môi trường đầu tư năng động, ông cũng rất vui mừng vì địa phương đã có sự hỗ trợ tận tình về trình tự thủ tục, quy định pháp lý liên quan, tạo sức hấp dẫn cho doanh nghiệp Singapore cũng như cho biết về việc công ty đặt mục tiêu sẽ phát triển thêm nhà xưởng để sản xuất lâu dài tại Bình Dương.

Bài 1: Hạ tầng hoàn thiện, đô thị cất cánh
Bình Dương hiện có 29 KCN và 12 CCN với tổng diện tích đất hơn 13.600ha. (Ảnh: M.Thìn)

Với việc có hạ tầng giao thông và công nghiệp hiện đại, chất lượng thuộc Top đầu của cả nước, không khó để Bình Dương triển khai xây dựng các KCN, CCN rải khắp các địa bàn cũng như kêu gọi đầu tư. Nếu như năm 1997, Bình Dương chỉ có 7 KCN với tổng diện tích khoảng 1.500ha thì đến nay, địa phương này đã có 29 KCN (tỷ lệ cho thuê đất đạt 92,2%) và 12 CCN (tỷ lệ cho thuê đất đạt 67,4%) với tổng diện tích đất hơn 13.600ha.

Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút khoảng 65.000 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn hơn 700 nghìn tỷ đồng cùng hơn 4.200 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) có tổng vốn đầu tư trên 40 tỷ USD từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bình Dương đứng thứ 2 cả nước sau Thành phố Hồ Chí Minh về thu hút đầu tư nước ngoài.

… Đến thúc đẩy nâng cấp các đô thị

Cùng với việc phát triển hạ tầng giao thông và công nghiệp, một trong những vấn đề lớn được tỉnh quan tâm chính là nâng cấp đô thị.

Bình Dương hiện có 1 đô thị loại I là thành phố Thủ Dầu Một; 1 đô thị loại II là thành phố Dĩ An; 3 đô thị loại III gồm thành phố Thuận An, thành phố Tân Uyên và mới nhất là thành phố Bến Cát cùng 5 đô thị loại V thuộc huyện gồm thị trấn Dầu Tiếng, Phước Vĩnh, Lai Uyên, Tân Thành, Tân Bình. Theo thống kê mới nhất, Bình Dương hiện đã đạt tỷ lệ đô thị hóa lên đến 85%.

Bài 1: Hạ tầng hoàn thiện, đô thị cất cánh
Bình Dương là một trong những địa phương có số thành phố trực thuộc tỉnh nhiều nhất nước ta. (Ảnh: M.Thìn)

Việc nâng cấp đô thị được thể hiện rõ nét nhất qua việc đưa thị xã Bến Cát “lên đời” trở thành thành phố thứ 5 trực thuộc tỉnh Bình Dương.

Đây không chỉ là dấu ấn quan trọng với địa phương mà còn thể hiện được tầm nhìn chiến lược trong việc nâng cấp các đô thị của tỉnh Bình Dương trong thời gian qua. Khi mà các KCN, CCN, khu đô thị ở phía Nam của tỉnh như: Thành phố Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An đã được lấp đầy, trở nên chật chội, quyết định của tỉnh phát triển vùng công nghiệp, dịch vụ, đô thị ở các địa phương khu vực phía Bắc được đánh giá là chủ trương phù hợp.

Khi chủ trương này trở thành hiện thực, thành phố Bến Cát đã trở thành trung tâm kết nối các địa phương trong và ngoài tỉnh. Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao Bến Cát vì nắm giữ vị trí địa lý quan trọng trong việc trở thành điểm trung chuyển hàng hóa, giao thương với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và Tây Nguyên.

Theo lãnh đạo thành phố Bến Cát, địa phương hướng đến việc xây dựng không gian phát triển và nâng cao chất lượng sống cho người dân. Với vị trí địa lý thuận lợi trong phát triển kinh tế – xã hội, định hướng đến năm 2030, Bến Cát sẽ trở thành đô thị công nghiệp – dịch vụ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, việc thành lập thành phố Bến Cát trực thuộc tỉnh được đánh giá là phù hợp với hiện trạng phát triển kinh tế – xã hội và quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh trong thời gian qua tại địa phương này. Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng đô thị theo Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt là khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hành chính trên địa bàn; là động lực mạnh mẽ tăng cường thu hút đầu tư, khơi dậy và phát huy mọi lợi thế, tiềm năng sẵn có, phát triển bền vững, trở thành đô thị văn minh, hiện đại.

Bài 1: Hạ tầng hoàn thiện, đô thị cất cánh
Bình Dương được ICF vinh danh là 1 trong 21 thành phố có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới. (Ảnh: M.Thìn)

Với mục tiêu tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống người dân, tỉnh Bình Dương cũng đang tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến trình xây dựng đô thị thông minh.

5 năm liên tục từ 2019-2023, Bình Dương được Diễn đàn Cộng đồng thông minh (ICF) vinh danh là 1 trong 21 thành phố có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới (Smart 21). ICF cũng vinh danh Bình Dương là 1 trong 7 cộng đồng có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu thế giới trong 3 năm liên tiếp từ 2021-2023.

Tháng 4/2024, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis Trung Quốc 2024, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao việc tỉnh Bình Dương đang xây dựng các chiến lược hướng tới phát triển đô thị dựa trên mô hình TOD (phát triển đô thị dựa trên giao thông công cộng) và mô hình “đảo đô thị”.

Trong đó, ví dụ điển hình nhất là mô hình “đảo đô thị” thành phố mới Bình Dương. Đây là khu vực được quy hoạch hiện đại với đầy đủ các chức năng từ khu dân cư, thương mại, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, không gian xanh. Hệ thống giao thông kết nối khu vực này được chuẩn hóa, có tính kết nối cao, tạo sự thuận tiện cho việc di chuyển và phát triển kinh tế.

Cũng tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis Trung Quốc 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh mong muốn tìm ra được những giải pháp quan trọng mang tính thời đại, nhằm sớm hiện thực hóa mục tiêu: Xây dựng và phát triển tỉnh Bình Dương trở thành đô thị thông minh, văn minh và giàu đẹp, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc và tương lai tốt đẹp hơn cho người dân trên địa bàn.

Ông Võ Văn Minh cho rằng, sự kiện mang đến những giá trị tích cực trong phát triển kinh tế nói chung và đặc biệt là đề án “Thành phố thông minh”, xây dựng Bình Dương trở thành đô thị thông minh, hiện đại và phát triển bền vững, hứa hẹn mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư trong những năm tới đây.

Bài 1: Hạ tầng hoàn thiện, đô thị cất cánh
Bình Dương đang xây dựng các chiến lược hướng tới phát triển đô thị dựa trên mô hình TOD (phát triển đô thị dựa trên giao thông công cộng) và mô hình “đảo đô thị”. (Ảnh: M.Thìn)

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, 5 thành phố gồm: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát sẽ phát triển theo mô hình “đảo đô thị”. Cụ thể, mỗi thành phố sẽ là một “đảo đô thị” được quy hoạch với những chức năng cụ thể nhằm tối ưu hóa việc sử dụng đất đai cũng như tạo ra một môi trường sống đa dạng, thuận lợi. Đặc biệt, các “đảo đô thị” sẽ được liên kết với nhiều hệ thống giao thông từ đường bộ, cao tốc đến đường sắt đô thị…

Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương khẳng định, việc phát triển theo mô hình vùng đô thị lớn, là giải pháp quy hoạch đô thị hiện đại, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, chất lượng sống cao.