Bài 2: Hạ Long – Sáng tạo thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU
Bài 2: Hạ Long – Sáng tạo thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU
(Xây dựng) – Thành phố Hạ Long là địa phương chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững đang được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến cho biết, thành phố Hạ Long chủ động, sáng tạo thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU của Tỉnh ủy. |
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến cho biết, ngay sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững; Thành ủy đã cụ thể hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thành Kế hoạch số 293-KH/TU ngày 27/12/2023 thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, khoa học, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm thực hiện.
Trong quá trình triển khai thực hiện, đã ban hành Công văn số 2533-CV/TU ngày 12/4/2024 bổ sung một số nội dung thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Tỉnh ủy theo Kế hoạch số 383-KH/TU ngày 26/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị thành phố, các Chi, Đảng bộ cơ sở trực thuộc Thành ủy cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết thành chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện sát với thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Quang cảnh Hội thảo khoa học về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của thành phố Hạ Long phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia tổ chức năm 2023. |
Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long phối hợp với Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển bền vững thành phố Hạ Long”. Hội thảo đã nhận được 55 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, cán bộ lãnh đạo trên các lĩnh vực thuộc các cơ quan Cục, Viện, Trung tâm nghiên cứu, các trường Đại học ở Trung ương và địa phương.
Qua Hội thảo, đã làm sáng tỏ thêm về giá trị của các di sản văn hóa và định hướng các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa phục vụ cho sự phát triển bền vững của thành phố Hạ Long.
Sau Hội thảo, thành phố đã chỉ đạo tập trung rà soát, thống kê, lập quy hoạch các di tích trên địa bàn; khởi công tôn tạo, mở rộng 4 công trình cụm di tích, gồm: Đền thờ vua Lê tại xã Lê Lợi; Cụm khu di tích, văn hóa núi Bài Thơ, đền thờ Đức ông Trần Quốc Nghiễn; Đền thờ Bà Chúa – Chân núi Bài Thơ và Cụm di tích đền Bang (xã Thống Nhất); lập quy hoạch chi tiết: Đình Giang Võng, phường Hà Khánh; đình miếu Yên Cư, phường Đại Yên để quản lý, khai thác, phát huy.
Tổ chức tốt các lễ hội truyền thống trên địa bàn như: Lễ hội đền vua Lê (xã Lê Lợi); Lễ hội đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn, Hội làng Bằng Cả, Lễ hội đình Trới, đình làng Yên Cư… đảm bảo an toàn, văn minh, đúng quy định. Hoàn thiện hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đối với lễ cấp Sắc của người Dao Thanh Y thành phố Hạ Long.
Thành phố xây dựng và ban hành quyết định phê duyệt thực hiện Đề án “Hạ Long – Thành phố của Hoa” và Đề án “Hạ Long – Thành phố Lễ hội” với nhiều nội dung quan trọng. Đối với Đề án “Hạ Long – Thành phố của Hoa”, thành phố xác định mục tiêu là nghiên cứu xây dựng thành phố Hạ Long trở thành “Thành phố của Hoa” trong tương lai với chiến lược phát triển hệ thống cây xanh đô thị, các loại cây có hoa phù hợp với bốn mùa, có bản sắc riêng, đặc trưng và thích ứng với điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu; chỉnh trang diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng sống của nhân dân, tạo cảnh quan đô thị đẹp, đẳng cấp, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước; tạo lập và xây dựng nhận diện thương hiệu “Hạ Long – Thành phố của Hoa” gắn với “Hạ Long – Thành phố của Lễ hội” để kết hợp thêm sản phẩm du lịch mới, góp phần thu hút khách du lịch đến với Hạ Long.
Đề án “Hạ Long – Thành phố của Hoa” sẽ thực hiện theo từng giai đoạn, mục tiêu đến năm 2030, địa phương sẽ được biết tới qua việc nhận diện các loài hoa theo mùa, phù hợp với mô hình trang trí, cảnh quan khu vực để mùa nào trong năm cũng có hoa.
Thành ủy Hạ Long làm tốt công tác xây dựng Đảng. Hai năm gần đây kết nạp được trên 100 đảng viên mới là người lao động trong doanh nghiệp tư nhân. (Ảnh: Lễ kết nạp Đảng dưới chân tượng Bác Hồ ở đảo Cô Tô của Công ty Đầu tư phát triển nhà và hạ tầng Quảng Ninh. |
Còn Đề án “Hạ Long – Thành phố Lễ hội”, với mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn qua việc tổ chức các lễ hội, sự kiện, gắn với mục tiêu xây dựng Hạ Long là thành phố lễ hội, trung tâm du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế; đưa hoạt động lễ hội, sự kiện trở thành hoạt động văn hóa, du lịch thường niên, quảng bá hình ảnh đất nước, mảnh đất, con người, văn hóa Hạ Long – Quảng Ninh.
Nội dung của Đề án xác định triển khai các hoạt động thường niên gồm: Tổ chức 1 lễ hội, sự kiện quy mô cấp tỉnh (Carnaval Hạ Long); 16 lễ hội, sự kiện cấp thành phố và 14 lễ hội, sự kiện cấp ngành, phường, xã.
Một trong những nội dung quan trọng được nêu trong Nghị quyết 17-NQ/TU là: “Xây dựng thành phố Hạ Long nằm trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, là điểm đến của các sự kiện quốc gia và quốc tế; thành phố của Di sản, Kỳ quan và Văn hóa ẩm thực, nghệ thuật truyền thông; phấn đấu có ít nhất 02 thành phố của tỉnh nằm trong Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO”.
Để triển khai nội dung này, với vai trò là địa bàn thủ phủ, có trách nhiệm tiên phong, gương mẫu thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh giao, UBND thành phố Hạ Long đã ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 10/4/2024 về triển khai xây dựng thành phố Hạ Long trở thành “Thành phố học tập” và tham gia mạng lưới “Thành phố học tập” của UNESCO; thành lập Tổ công tác theo dõi, tham mưu triển khai thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí, hồ sơ với mục tiêu phấn đấu năm 2025 sẽ đề nghị UNESCO công nhận theo quy định.
Với phương châm phát triển giáo dục ngang với phát triển kinh tế, trong 2 năm gần đây thành phố đã xây dựng 2 trường THPT chất lượng cao. |
Đối với nội dung xây dựng kế hoạch đưa thành phố Hạ Long nằm trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO theo hướng tập trung phát triển các lĩnh vực: Nghệ thuật truyền thống và ẩm thực; UBND thành phố đã xây dựng dự thảo Kế hoạch, xin ý kiến các Sở, ban, ngành, địa phương để hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện trong thời gian tới, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2027 sẽ đề xuất để UNESCO công nhận Hạ Long là thành phố nằm trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Hạ Long mũi nhọn kinh tế biển là du lịch, văn hóa ứng xử “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi” thu hút du khách thập phương được chú trọng. |
Hướng tới thực hiện mục tiêu xây dựng Hạ Long là thành phố “Kiểu mẫu, hiện đại, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình”; Thành phố đã quan tâm ban hành kế hoạch và triển khai xây dựng và thực hiện các tiêu chí kiểu mẫu, gồm: Công dân kiểu mẫu; Gia đình kiểu mẫu; Thôn, khu phố kiểu mẫu; Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kiểu mẫu; Xã, phường kiểu mẫu.
Mục tiêu triển khai thực hiện các tiêu chí kiểu mẫu đối với công dân, gia đình, thôn, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, xã, phường trên địa bàn là: Giai đoạn 1 từ năm 2024 – 2026: Có ít nhất 20% trở lên công dân được công nhận là “Công dân kiểu mẫu”; 20% trở lên gia đình, thôn, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận là: “Gia đình kiểu mẫu”, “Thôn, khu kiểu mẫu”, “Cơ quan, đơn vị kiểu mẫu”, “Doanh nghiệp kiểu mẫu”; 10% trở lên xã, phường trên địa bàn được công nhận là “Xã, phường kiểu mẫu”.
Giai đoạn 2 từ năm 2026 – 2030: Có ít nhất 50% công dân được công nhận là “Công dân kiểu mẫu”; có ít nhất 60% gia đình, thôn, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận là: “Gia đình kiểu mẫu”, “Thôn, khu phố kiểu mẫu”, “Cơ quan, đơn vị kiểu mẫu”, “Doanh nghiệp kiểu mẫu”; có ít nhất 50% xã, phường trên địa bàn được công nhận là “Xã, phường kiểu mẫu”.
Đồng thời với triển khai xây dựng và thực hiện các tiêu chí kiểu mẫu, thành phố hiện đang phấn đấu thực hiện thành phố “3 không” (gồm: Không để mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị; không có ăn xin ăn mày và không để mất an ninh trật tự, hình thành điểm nóng trên địa bàn).
Sản xuất tại Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long (Khu công nghiệp Việt Hưng). |
Cùng với các nội dung nêu trên, thành phố tiếp tục duy trì triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nội dung về xây dựng văn hóa, con người trên địa bàn với các nội dung, nhiệm vụ cụ thể như: 243/243 thôn, khu phố trên địa bàn thành phố đã xây dựng quy ước, hương ước có nội dung sát với tình hình thực tế góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục của địa phương.
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được duy trì và tiếp tục đẩy mạnh gắn với việc thực hiện quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Quan tâm đầu tư và vận hành có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tập luyện của nhân dân, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở cơ sở.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích và lễ hội trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận; việc bảo tồn các di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, các nghề truyền thống trên địa bàn thành phố, nhất là văn hóa phi vật thể được quan tâm thực hiện.
Hoạt động văn học – nghệ thuật trên địa bàn thành phố diễn ra sôi nổi, phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hạ Long đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Quan tâm xây dựng và phát triển con người toàn diện: Tập trung lãnh đạo xây dựng môi trường văn hóa trong mỗi gia đình, thôn, khu phố, xã, phường, trong cơ quan, đơn vị, trường học; thực hiện đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công và đối tượng bảo trợ xã hội…
Gần đây, Thành ủy Hạ Long có Nghị quyết 78 ưu tiên đầu tư cho các xã, đã tạo động lực giúp các xã rút ngắn khoảng cách kinh tế – xã hội so với các phường ở thành thị. |
Đến nay, thành phố không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; trong năm 2023 đã triển khai hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 109/109 hộ, trong đó: Thành phố huy động nguồn lực và phân bổ: 79 nhà, tổng số tiền hỗ trợ: 3,409 tỷ đồng; các xã, phường chủ động, vận động xây dựng: 30 nhà, số tiền mặt hỗ trợ là: 1,730 tỷ đồng; triển khai rà soát và hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng cho 120 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, số tiền mỗi năm hỗ trợ là 1,44 tỷ, hỗ trợ cho trẻ đến hết năm 18 tuổi là 12,5 tỷ đồng; đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2023, đạt trên 14.000 USD/người/năm, cao hơn bình quân chung toàn tỉnh và cả nước.
Từ thực tiễn bước đầu triển khai xây dựng đời sống văn hóa, phát huy sức mạnh con người theo tinh thần Nghị quyết 17-NQ/TU trên địa bàn thành phố Hạ Long để lại một số bài học kinh nghiệm đó là: Một là, luôn chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong vận dụng và triển khai những quan điểm của Đảng, tỉnh Quảng Ninh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người phù hợp với thực tiễn của địa phương. Hai là, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền; vai trò vận động của Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội; các phong trào thi đua phải được thực hiện thường xuyên và đồng bộ.
Lễ hội đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn trong quần thể Di tích quốc gia núi Bài Thơ, phường Hồng Gai. |
Thực hiện tốt quy chế dân chủ với phương châm lãnh đạo: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” nhằm huy động sức mạnh của toàn dân trong xây dựng, phát huy và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ đổi mới. Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng trong việc thực hiện phát huy giá trị văn hóa, con người gắn với triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, cơ quan, đơn vị để lan tỏa, thấm sâu vào tư tưởng, chuyển biến trong nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.
Bốn là, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về lĩnh vực văn hóa, sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện gắn với phát huy vai trò của Bí thư, trưởng thôn, khu phố, tổ trưởng tổ dân, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư; cán bộ, đảng viên phải tiên phong gương mẫu, đi đầu trong các phong trào về văn hóa để quần chúng nhân dân noi theo.
Năm là, ưu tiên đầu tư, kết hợp huy động nguồn lực của xã hội cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, con người; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, con người.
Đền vua Lê trầm tích văn hóa, xã Lê Lợi đang được huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng, trùng tu. |
Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 17-NQ/TU, thành phố Hạ Long xác định văn hóa, con người là một trụ cột quan trọng để gia tăng những giá trị cốt lõi của thành phố Hạ Long; việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, con người đặc sắc, giàu truyền thống là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng gắn chặt với quá trình phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh trên địa bàn; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực của sự phát triển; giữ vững và phát huy vai trò là thành phố trung tâm, phát triển năng động, toàn diện của tỉnh Quảng Ninh; thực hiện thắng lợi mục tiêu: Xây dựng, phát triển thành phố Hạ Long trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ – du lịch quốc gia mang tầm quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội hiện đại và đồng bộ theo Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 10/02/2023 phê duyệt Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040 của Thủ tướng Chính phủ.
Đô thị Hạ Long sáng – xanh – sạch – đẹp, đêm đến lung linh trong ánh đèn. |
Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tiếp tục chủ động, sáng tạo, triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung về xây dựng văn hóa, con người gắn với đặc điểm, tình hình của thành phố, tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hạ Long trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển bền vững, xây dựng thành phố Hạ Long; góp phần cụ thể hóa và thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 17-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, xây dựng Hạ Long là: Thành phố của đổi mới sáng tạo, Thành phố di sản, Thành phố của hoa và lễ hội, Thành phố “kiểu mẫu, hiện đại, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình”.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com
Anh chị bên phía chủ đầu tư cần tham khảo đơn vị làm nội thất gia đình thì xem tại website này nha Kệ gỗ đựng đồ. Xin cảm ơn.