Bài 2: Nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ

Tháng mười một 20, 2024

Bài 2: Nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ

(Xây dựng) – Sau gần 3 triển khai thực hiện, Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi giai đoạn 2021 – 2025 đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, nhưng cũng bộc lộ ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Bài 2: Nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ
Sau nhiều năm thực hiện, nhiều khu tái định cư tập trung vẫn chưa thể hoàn thành.

Với những kết quả đạt được đã thể hiện sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và nhân dân khi thực hiện Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi giai đoạn 2021-2025. Giai đoạn 1, tỉnh Thanh Hóa thực hiện về tái định cư xen ghép đã sắp xếp, bố trí cho 131/813 hộ, đạt 16,1% kế hoạch. Tái định cư liền kề và tái định cư tập trung đã thực hiện sắp xếp, bố trí cho 151 hộ, (tái định cư tập trung 151/605 hộ, đạt 24,95%; tái định cư liền kề chưa bố trí, sắp xếp; việc đầu tư các dự án hạ tầng khu tái định cư đang triển khai).

Bên cạnh đó còn nhiều dự án chưa thể triển khai, chậm tiến độ, gặp khó khăn trong quá trình thực hiện như: Đa số các hộ dân trong vùng ảnh hưởng thiên tai là hộ nghèo, cận nghèo nên việc tìm kiếm quỹ đất để thực hiện, bố trí tái định cư còn gặp khó khăn, việc thẩm định một số dự án có vị trí bố trí tái định cư cho các hộ dân chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, phải chờ điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất mới đủ điều kiện thẩm định, một số dự án phải có nguồn vốn đối ứng kinh phí giải phóng mặt bằng, nhưng một số địa phương đang gặp khó khăn, không có nguồn vốn bố trí để giải phóng mặt bằng, mức hỗ trợ đầu tư hạ tầng đối với khu tái định cư liền kề là 150 triệu đồng/hộ và tái định cư tập trung là 300 triệu đồng/hộ chưa phù hợp với nhiều huyện miền núi. Bởi đa số các huyện có đặc điểm là địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, chia cắt bởi nhiều sông, suối nên việc lựa chọn vị trí tái định cư bảo đảm an toàn gặp khó khăn vì quỹ đất rất hạn chế. Nhiều dự án nằm xa trung tâm xã, huyện cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn nên chi phí đầu tư san lấp mặt bằng, vận chuyển nguyên vật liệu… cao hơn so với mức hỗ trợ của Nhà nước.

Theo đại diện một số đơn vị tư vấn, khảo sát thiết kế cho biết: Với mức hỗ trợ 150 triệu đồng/hộ đối với các khu tái định cư liền kề và 300 triệu đồng/hộ để đầu tư hạ tầng khu tái định cư tập trung tại một số huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa thì rất khó để thực hiện được. Bởi chi phí đầu tư cho một khu tái định cư liền kề và tập trung mới sẽ lớn hơn nhiều so với mức hỗ trợ, vì các huyện này chủ yếu là đồi núi khảo sát tìm được vị trí đã rất khó, mà mức đầu tư thấp thì không thể làm được.

Ngoài ra, đa số các khu tái định cư liền kề và tập trung ở các khu vực này gần như phải đầu tư mới 100% hạ tầng, từ khâu san lấp mặt bằng đến hệ thống thoát nước, điện, nước và đường giao thông nên với con số 150 triệu đồng/hộ tái định cư liền kề và 300 triệu đồng/hộ đối với tái định cư tập trung là không thể thực hiện được.

Để Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025 thực hiện theo đúng kế hoạch, các Sở, ban, ngành tỉnh Thanh Hóa cần rà soát, xem xét và đánh giá lại những khó khăn vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải và có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn để đề án sớm hoàn thành.