Bài 5: Những kết quả nổi bật trong công tác phát triển đô thị, nhà ở
Bài 5: Những kết quả nổi bật trong công tác phát triển đô thị, nhà ở
(Xây dựng) – Suốt chặng đường 70 năm, sự phát triển không ngừng của Sở Xây dựng luôn gắn liền với sự phát triển của Thành phố Hà Nội, đáp ứng yêu cầu về kinh tế, văn hóa – xã hội, đảm bảo an ninh – chính trị của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Cùng nhìn lại chặng đường đầy tự hào của Sở Xây dựng Hà Nội với những thành tựu vẻ vang trong công tác phát triển đô thị và nhà ở của Thủ đô.
Quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng trên địa bàn Thành phố Hà Nội phát triển mạnh mẽ theo hướng xanh, thông minh. |
Phát triển đô thị xanh, thông minh
Ngày 29/05/2008, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội trên cơ sở sáp nhập tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) về Thành phố Hà Nội. Tiếp đó, ngày 27/12/2013, Chính phủ thông qua Nghị quyết số 132/NQ-CP điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 02 quận và 23 phường thuộc Thành phố Hà Nội. Sau gần một năm kể từ ngày mở rộng địa giới, số đơn vị hành chính của Thủ đô đã ổn định, diện tích tự nhiên được xác định khoảng 3.358,92km2, dân số khoảng 8.246.500 người (theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019). Hà Nội là thành phố đứng thứ hai về dân số của Việt Nam và nằm trong danh sách 17 Thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới. Đến nay, Thủ đô Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 12 quận, 17 huyện và 01 thị xã.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt đã định hướng Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm: 01 khu vực đô thị trung tâm (Khu vực nội đô lịch sử; Nội đô mở rộng; Chuỗi đô thị phía Bắc sông Hồng; Chuỗi đô thị phía Đông vành đai 4; Hành lang dọc sông Hồng; Vành đai xanh sông Nhuệ và các nêm xanh); 05 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái, thị trấn và vùng nông thôn, được kết nối bằng hệ thống đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của Thành phố).
Hiện nay, theo Điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đô thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội bao gồm: Đô thị trung tâm là đô thị loại đặc biệt; Đô thị Hòa Lạc là đô thị loại II; Đô thị vệ tinh Sơn Tây, Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên là đô thị loại III; 03 thị trấn: Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn là đô thị loại IV; 11 thị trấn thuộc huyện (còn lại) là đô thị loại V.
Nhiều năm gần đây, quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng trên địa bàn Hà Nội phát triển mạnh mẽ. Việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng chủ yếu tập trung vào các dự án hạ tầng khung kết nối giữa những đô thị có tính chất trung tâm với các khu chức năng đặc thù trên địa bàn và tiến hành cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây mới hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khung các đô thị.
Công tác quản lý phát triển đô thị được hình thành bắt đầu từ khi Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị của Chính phủ có hiệu lực thi hành (ngày 01/3/2013). Hiện nay, Bộ Xây dựng đã dự thảo Dự án xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, Bộ Tư pháp đang tổ chức thẩm định dự thảo để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Các thế hệ công chức, viên chức của Sở Xây dựng Hà Nội được giao nhiệm vụ liên quan tới công tác phát triển đô thị đã, đang và sẽ luôn nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao: Tham mưu, tổ chức lập các loại chương trình phát triển đô thị hoặc thẩm định các chương trình phát triển đô thị theo thẩm quyền; xác định các khu vực phát triển đô thị và kế hoạch thực hiện; xác định các chỉ tiêu về lĩnh vực phát triển đô thị trong nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố; tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chương trình sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng và phát triển các đô thị đồng bộ, các khu đô thị mới, các chính sách, giải pháp quản lý quá trình phát triển đô thị, các mô hình quản lý đô thị, khuyến khích phát triển các dịch vụ công trong lĩnh vực phát triển đô thị; Tổ chức thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo sự phân công của UBND Thành phố (bao gồm: Chương trình nâng cấp đô thị, chương trình phát triển đô thị, đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, xây dựng phát triển đô thị thông minh, dự án cải thiện môi trường đô thị, nâng cao năng lực quản lý đô thị, dự án đầu tư phát triển đô thị và các chương trình, dự án khác có liên quan đến phát triển đô thị…).
Thời gian tới, Sở Xây dựng Hà Nội tiếp tục tham mưu Thành ủy, UBND Thành phố triển khai nhiều giải pháp đảm bảo sự xuyên suốt, thống nhất trong quản lý lĩnh vực phát triển đô thị Thủ đô. Trong đó, tập trung vào một số công tác trọng điểm như: Cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị; phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh; đô thị thông minh…Tham mưu xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi, đặc thù, thu hút đầu tư, tạo nguồn lực phát triển hình thành mới đô thị; các chính sách ưu tiên khuyến khích áp dụng các mô hình phát triển đô thị bền vững, thực hiện các mục tiêu quốc gia trong phát triển đô thị mới theo định hướng đô thị xanh, thông minh.
Phát triển nhà ở đảm bảo đời sống nhân dân
Ngay từ những ngày đầu đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, chúng ta phải thực hiện ngay 4 điều “Làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân có học hành”. Trong tư tưởng của Người, cuộc sống hạnh phúc của mỗi chúng ta gắn với nhu cầu về chỗ ở. Biểu tượng sức mạnh của mỗi dân tộc, mỗi đô thị đều thể hiện qua các công trình kiến trúc và đặc biệt là những thành tựu của công cuộc phát triển nhà ở. Thấm nhuần tư tưởng của Bác, những năm qua, Sở Xây dựng Hà Nội luôn xác định rõ nhiệm vụ phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở là góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.
Đẩy mạnh hỗ trợ người dân vay với lãi suất ưu đãi để mua nhà, xây nhà theo quy hoạch đô thị. |
Trong suốt chặng đường 70 năm hình thành và phát triển của Sở Xây dựng Hà Nội, lĩnh vực phát triển nhà ở đã đạt được những thành quả đáng khích lệ. Sở Xây dựng Hà Nội với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về phát triển đô thị đã tham mưu Thành ủy, UBND Thành phố ban hành nhiều văn bản pháp luật để triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương gắn với điều kiện thực tế của Thủ đô, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở và hỗ trợ người dân vay với lãi suất ưu đãi để mua nhà, xây nhà theo quy hoạch đô thị; nhiều văn bản hướng dẫn giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; triển khai cải cách thủ tục hành chính…
Đáng chú ý, giai đoạn từ năm 2016 – 2020, tổng diện tích nhà ở của Hà Nội đạt 49,67 triệu m2 sàn, số nhà ở phát triển theo dự án đạt khoảng 23,184 triệu m2 sàn; diện tích bình quân đầu người đạt 27,25 m2/người; kết quả đạt được đã vượt mục tiêu chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn đến năm 2020; hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà đơn sơ, tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố toàn Thành phố đạt 99,1% so với mục tiêu là 91,2%, vượt xa mục tiêu theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (70%).
Thành phố đã hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng, có 7.178 hộ được hỗ trợ xây, sửa nhà ở với kinh phí thực hiện trên 1.204,7 tỷ đồng; hoàn thành Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo với 4.166 hộ được hỗ trợ xây, sửa nhà ở với kinh phí thực hiện trên 423,5 tỷ đồng.
Hiện nay, Hà Nội có khoảng 153 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị đang triển khai theo Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, cụ thể: Năm 2021 và 10 tháng đầu năm 2022 có 13 dự án hoàn thành toàn bộ và 01 dự án hoàn thành một phần với khoảng 914.347m2 sàn, 7.227 căn nhà; 95 dự án đang triển khai, dự kiến hoàn thành giai đoạn 2022-2025 với 18.463.000m2 sàn, 124.058 căn nhà; 45 dự án đang triển khai sẽ hoàn thành sau năm 2025 với khoảng 23.033.000m2 sàn, 97.449 căn nhà.
Công tác phát triển các dự án nhà ở xã hội cũng được Thành phố đặc biệt chú trọng, năm 2022 có 03 dự án đã hoàn thành 257.267m2 sàn nhà ở xã hội với 2,934 căn hộ, giúp giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân và các đối tượng theo quy định. Ngoài ra, tính đến thời điểm giữa năm 2023, Thành phố Hà Nội cũng đã hoàn thành 03 dự án nhà ở tái định cư với 2.972 căn hộ, 237.760m2 sàn nhà ở; 01 dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tiến hành rà soát báo cáo 7/9 dự án đang triển khai trên địa bàn.
Trong suốt chặng đường xây dựng và trưởng thành, trải qua các giai đoạn phát triển với những tên gọi khác nhau gắn với những nhiệm vụ cụ thể của từng thời kỳ lịch sử, Sở Xây dựng Hà Nội đã sát cánh cùng chính quyền Thủ đô vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, luôn giữ vững và khẳng định vị trí, vai trò là một trong những trong những cơ quan chuyên môn của Thành phố, có đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng Thủ đô khang trang, hiện đại. Với truyền thống vẻ vang cùng tinh thần đoàn kết, đội ngũ công chức, viên chức Sở Xây dựng Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Bài 6: Những giải pháp căn cơ về vấn đề nhà ở và hỗ trợ thị trường bất động sản ổn định và phát triển