Bài 6: Những giải pháp căn cơ về vấn đề nhà ở và hỗ trợ thị trường bất động sản ổn định, phát triển

Tháng mười 11, 2024

Bài 6: Những giải pháp căn cơ về vấn đề nhà ở và hỗ trợ thị trường bất động sản ổn định, phát triển

(Xây dựng) – Nhà ở và thị trường bất động sản luôn được xác định là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế – xã hội. Nhà ở vừa là tài sản lớn của mỗi hộ gia đình, cá nhân, vừa thể hiện trình độ phát triển của mỗi quốc gia. Giải quyết tốt vấn đề nhà ở cho người dân và phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh vừa là nhiệm vụ chính trị, xã hội, vừa là nhiệm vụ phát triển kinh tế của các quốc gia.

Bài 6: Những giải pháp căn cơ về vấn đề nhà ở và hỗ trợ thị trường bất động sản ổn định, phát triển
Sở Xây dựng Hà Nội đã phối hợp các đơn vị thực hiện bảo tồn, chỉnh trang xong 12 biệt thự và 7 công trình kiến trúc khác trên địa bàn.

Những điểm nhấn đặc biệt

Ngay sau khi giành được độc lập, trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị Kiến trúc sư Việt Nam năm 1948, Bác đã căn dặn: “Trong bốn điều quan trọng cho dân sinh thì ở và đi lại là hai vấn đề cũng cần thiết như ăn và mặc”. Thực hiện lời căn dặn của Bác, trong mỗi giai đoạn lịch sử và phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định nhiệm vụ giải quyết chỗ ở cho người dân là một nhiệm vụ quan trọng, coi đây là một trong các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt với đô thị được xếp loại đặc biệt là Thủ đô Hà Nội với quy mô dân số hiện nay khoảng gần 10 triệu người.

Công tác quản lý Nhà nước về nhà ở và thị trường bất động sản thuộc chức năng, nhiệm vụ của Sở Xây dựng có khối lượng công việc rất lớn với nhiều điểm nhấn đặc biệt trong các công tác: Quản lý quỹ nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước, quản lý, bảo tồn nhà biệt thự cũ, quản lý quỹ nhà tái định cư, quản lý công sở…

Trong công tác quản lý quỹ nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước (với khoảng 190.000 căn, tổng diện tích gần 6 triệu m2), tính từ năm 1997 cho đến nay, Sở đã tổ chức thẩm định, bán nhà được 154.343 căn với diện tích 4.336.783m2 với số tiền nộp ngân sách Nhà nước là 5.252,4 tỷ đồng, một con số ấn tượng, phần nào cho thấy hiệu quả công tác về lĩnh vực nhà và thị trường bất động sản, mang thêm nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả quản lý quỹ nhà ở cũ trên địa bàn Thành phố, năm 2018, Sở đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định số 17/2018/QĐ-UBND ngày 06/8/2018 ban hành quy định chi tiết một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố về quản lý, sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Về công tác quản lý, bảo tồn nhà biệt thự cũ, Sở Xây dựng đã tham mưu trình UBND Thành phố ban hành danh mục 1.216 nhà biệt thự cũ để quản lý theo Quy chế quản lý nhà biệt thự tại Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND ngày 28/11/2013. Cùng với đó là tham mưu ban hành Quyết định số 1216/QĐ-UBND ngày 8/4/2022 về Chuyên đề “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.

Sở Xây dựng đã phối hợp các đơn vị thực hiện bảo tồn, chỉnh trang xong 12 biệt thự và 7 công trình kiến trúc khác; tiếp tục tham mưu để bảo tồn, chỉnh trang 24 biệt thự và 8 công trình kiến trúc khác theo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy; thiết lập hồ sơ quản lý, cơ sở dữ liệu, số hóa 3D đối với 222 biệt thự thuộc nhóm 1 và phần mềm quản lý 1.216 nhà biệt thự. Sở cũng đã tham gia xây dựng Luật Thủ đô đã được Quốc hội ban hành trong năm 2024, trong đó có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện kiểm định, cải tạo, chỉnh trang các biệt thự, công trình kiến trúc khác được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Thành phố.

Sở Xây dựng đã phối hợp với Sở Tài chính xây dựng Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công giai đoạn 2023 – 2025, định hướng giai đoạn 2026 – 2030. Bên cạnh đó, để nâng cao công tác quản lý, Sở đã tham mưu, báo cáo UBND Thành phố xem xét ban hành 04 kế hoạch để xử lý, khắc phục tồn tại, hạn chế, đổi mới căn bản công tác quản lý, nâng cao hiệu quả quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn Thành phố.

Tham mưu, báo cáo để Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước giao các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh nhà quản lý, khai thác (trong đó có 840 địa điểm nhà chuyên dùng với diện tích nhà là 178.148m2, diện tích đất là 155.156m2).

Tham mưu Quyết định thay thế Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND ngày 12/11/2012 của UBND Thành phố; phối hợp cùng Sở Tài chính trình UBND Thành phố phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 10.711 cơ sở nhà, đất các đơn vị của Thành phố với tổng diện tích khoảng 43.791.407m2 đất. Số lượng nhà, đất lớn này được đưa vào quản lý chặt chẽ đã góp phần tạo nguồn lực lớn cho việc sắp xếp, phát triển của thành phố.

Đối với Quỹ nhà ở để phục vụ tái định cư được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nguồn khác bàn giao cho Thành phố đang quản lý là 85.176,44m2. Sở đã thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bố trí cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện được tái định cư khi Nhà nước thu hồi nhà, đất để giải phóng mặt bằng theo quy định pháp luật; Trình UBND Thành phố ban hành quyết định về chuyên đề “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng nhà tái định cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”; bố trí quỹ nhà tái định cư cho các dự án đầu tư xây dựng trọng điểm trên địa bàn Thành phố.

Đối với Quỹ diện tích tầng 1 nhà chung cư thương mại mà các chủ đầu tư phải bàn giao cho Thành phố Hà Nội (132 địa điểm với tổng diện tích sàn sử dụng khoảng 56.271,4m2), Sở thực hiện tiếp nhận, quản lý và tổ chức đấu giá quyền thuê theo quy định tại Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND ngày 10/3/2021 của UBND Thành phố.

Đã tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố báo cáo Thành ủy về công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, giải quyết các hạn chế trong quá trình quản lý vận hành chung cư trên địa bàn Thành phố; tham mưu UBND Thành phố ban hành các kế hoạch triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 28/6/2019 của Thành ủy, giúp tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội; tham mưu giải quyết các tranh chấp liên quan đến công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư…

Đối với Quỹ nhà ở công vụ, Quỹ nhà ở xã hội tại CT19A Việt Hưng, Quỹ nhà ở sinh viên tại Pháp Vân – Tứ Hiệp và Mỹ Đình II; Quỹ nhà công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Cung Trí thức… Sở đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng và khai thác hiệu quả các quỹ nhà.

Bài 6: Những giải pháp căn cơ về vấn đề nhà ở và hỗ trợ thị trường bất động sản ổn định, phát triển
Sở Xây dựng Hà Nội tăng cường kiểm tra hoạt động của các sàn giao dịch, ngăn chặn các hành vi đầu cơ bất động sản.

Đáng chú ý, trong công tác quản lý công sở, trụ sở, tổng số trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dôi dư, sử dụng không đúng quy định đã được Sở phối hợp cùng Sở Tài chính chủ trì và các Sở, ngành liên quan tham mưu, báo cáo UBND Thành phố xử lý theo đúng quy là 653 cơ sở, với 5.821.542m2 đất và 359.503m2 nhà.

Nghiên cứu giải pháp xử lý hiệu quả đối với các trụ sở cũ của các Sở, ban, ngành Thành phố thông qua công tác điều chuyển, chuyển giao cho một số cơ quan, doanh nghiệp quản lý, sử dụng theo quy định; thu hồi, giao Trung tâm Quản lý nhà Thành phố tiếp nhận các cơ sở nhà, đất để lập phương án khai thác, cho thuê có hiệu quả.

Quản lý thị trường bất động sản đảm bảo minh bạch, phục vụ lợi ích chung

Sở Xây dựng đang tổ chức triển khai thực hiện Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, nghiên cứu Quyết định thay thế Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND ngày 26/4/2021 về Quy chế phối hợp về việc báo cáo, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; các nội dung về quản lý nhà ở hình thành trong tương lai, hướng dẫn, giám sát và tổ chức cho các tổ chức, cá nhân tại các kỳ thi sát hạch để cấp Chứng chỉ hành nghề kinh doanh bất động sản theo quy định.

Tăng cường kiểm tra hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, ngăn chặn các hành vi đầu cơ bất động sản, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành kinh tế tham gia thị trường bất động sản, phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong kinh doanh, quản lý thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Sở đã thực hiện tốt công tác hỗ trợ nhà, đất cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước theo Quyết định số 1702/QĐ-TTg; hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo pháp luật về người có công với cách mạng; hỗ trợ các hộ nghèo cải tạo, xây mới nhà ở theo Quyết định số 22/QĐ-TTg, Quyết định số 33/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm thiết thực góp phần an sinh xã hội.

Công tác quản lý Nhà nước về nhà và thị trường bất động sản theo chức năng nhiệm vụ của Sở Xây dựng Hà Nội đã góp phần xây dựng thị trường bất động sản trên địa bàn Thủ đô vận hành hiệu quả, mua bán công khai, minh bạch. Qua đó, điều tiết vĩ mô sự phát triển của nền kinh tế thông qua thị trường bất động sản, bảo đảm việc vận hành kinh tế thị trường phát triển đúng hướng, đúng pháp luật; bảo đảm lợi ích chung của người dân, doanh nghiệp.

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ công chức của Sở Xây dựng Hà Nội đã luôn nỗ lực, tâm huyết, chủ động, sáng tạo, góp phần quản lý, giải quyết tốt vấn đề nhà ở cho người dân, hỗ trợ trị trường bất động sản ổn định và phát triển, chung sức đồng hành cùng sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước. Các cán bộ, công chức của Sở Xây dựng sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Xây dựng Hà Nội, nâng cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần vào công cuộc xây dựng Thủ đô phát triển.

Bài 7: Công tác quản lý trật tự xây dựng với những chuyển biến tích cực