Bài 7: Công tác quản lý trật tự xây dựng với những chuyển biến tích cực

Tháng mười 12, 2024

Bài 7: Công tác quản lý trật tự xây dựng với những chuyển biến tích cực

(Xây dựng) – Suốt chặng đường hình thành và phát triển, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và cũng đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Từ đó, góp phần hình thành nhiều khu đô thị có quy mô lớn, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, diện mạo đô thị và nông thôn Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại.

Bài 7: Công tác quản lý trật tự xây dựng với những chuyển biến tích cực
Quá trình đô thị hóa của Thủ đô Hà Nội tăng nhanh, trung bình mỗi năm có khoảng 19.500 công trình xây dựng khởi công.

Công tác quản lý trật tự xây dựng dần được hoàn thiện, xuyên suốt

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, quá trình đô thị hóa của Thủ đô Hà Nội tăng nhanh, trung bình mỗi năm có khoảng 19.500 công trình xây dựng khởi công. Là lĩnh vực phát triển nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự và phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, đòi hỏi công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng phải được sâu sát, thường xuyên, liên tục; các quy định pháp luật trong công tác quản lý trật tự xây dựng dần được hoàn thiện, nhất quán, xuyên suốt, cơ bản đáp ứng các yêu cầu thực tiễn trong quá trình phát triển của Thủ đô.

Cùng với quá trình phát triển của ngành Xây dựng Thủ đô, lực lượng làm công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn có nhiều sự thay đổi về cơ cấu, tổ chức, tên gọi qua từng thời kỳ để phù hợp với quy định pháp luật và tình hình thực tế trên địa bàn Thành phố như: Thí điểm thành lập Thanh tra chuyên ngành Xây dựng Thành phố Hà Nội (Thanh tra xây dựng được tổ chức theo mô hình 2 cấp là cấp Thành phố và cấp huyện).

Thí điểm thành lập Thanh tra xây dựng quận, huyện và Thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (Thanh tra xây dựng Hà Nội hình thành 3 cấp là Thanh tra Sở Xây dựng, Thanh tra xây dựng cấp quận, huyện và Thanh tra xây dựng cấp phường, xã, thị trấn); Kiện toàn tổ chức và hoạt động của Thanh tra xây dựng Thành phố Hà Nội (Đội Thanh tra xây dựng các quận, huyện, thị xã trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng, được bố trí trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã và thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng theo địa bàn).

Sau gần 03 năm thực hiện, mô hình Đội Thanh tra xây dựng cấp huyện trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng đã bộc lộ nhiều vướng mắc, hạn chế. Đội Thanh tra xây dựng không sâu sát được hết cơ sở, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, dẫn đến nhiều vụ việc vi phạm trật tự xây dựng xảy ra, diễn biến phức tạp, gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân.

Nhằm ngăn chặn, giảm bớt tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đi đôi với phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, ngày 20/7/2016, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 3973/QĐ-UBND tạm giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, điều hành trực tiếp Đội Thanh tra xây dựng trên địa bàn từ ngày 01/9/2016.

Ngày 22/6/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg cho phép Thành phố Hà Nội thực hiện thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã.

Đối với Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, ngày 09/11/2018, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6172/QĐ-UBND về việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của Thanh tra Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội. Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn chuyên ngành, Thanh tra Sở Xây dựng còn thực hiện các nhiệm vụ trong công tác quản lý trật tự xây dựng.

Trong những năm qua, Sở Xây dựng đã tham mưu, đề xuất HĐND, UBND Thành phố ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND Thành phố ban hành nhiều quyết định, kế hoạch, chương trình; trình Thành ủy, HĐND Thành phố ban hành các chỉ thị, nghị quyết, chương trình để chỉ đạo trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng.

Ngoài ra, Sở Xây dựng tham gia xây dựng hoặc góp ý đối với những văn bản quy phạm liên quan đến lĩnh vực ngành như: Tham gia Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định: số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017, số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022, Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng; Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Nghị định hướng dẫn Luật Thanh tra; Luật Thủ đô năm 2024…

Sở Xây dựng thường xuyên chỉ đạo Thanh tra Sở xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, phúc tra, hướng dẫn xử lý các vi phạm trật tự xây dựng theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của UBND Thành phố; qua đó kịp thời phát hiện, hướng dẫn và đôn đốc các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị khắc phục các sai phạm, tồn tại trong quá trình kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm trật tự xây dựng.

Nhận thức rõ tầm quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, hàng năm, Sở Xây dựng giao Thanh tra Sở Xây dựng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, phổ biến pháp luật cho các đơn vị có liên quan; học viên tham dự tập huấn là các công chức quản lý trật tự xây dựng cấp huyện, cấp xã, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị các cấp huyện trên địa bàn toàn Thành phố và các Sở, ngành liên quan.

“Hạ nhiệt” tình trạng vi phạm trật tự xây dựng

Tổng hợp số liệu công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố, trong giai đoạn từ năm 2013 đến hết năm 2023, theo báo cáo UBND quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 197.503 công trình (đạt 100%), qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 13.382 trường hợp có vi phạm (tỷ lệ 6,78%); Số công trình vi phạm đã xử lý dứt điểm trong năm báo cáo 10.147/13.382 trường hợp vi phạm (chiếm tỷ lệ 75,83%); Số công trình còn tồn đọng thời điểm cuối năm báo cáo, đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền: 3.235/13.382 trường hợp (chiếm tỷ lệ 14,17%).

Bài 7: Công tác quản lý trật tự xây dựng với những chuyển biến tích cực
Sau khi thực hiện mô hình thí điểm các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã, số công trình vi phạm đã có chiều hướng giảm rõ rệt.

Trong giai đoạn từ 2013 – 2018, số công trình vi phạm trật tự xây dựng có sự gia tăng rất lớn, cá biệt một số năm như 2015 – 2016, số công trình vi phạm trật tự xây dựng cao lần lượt là 2.668 và 2.469 công trình vi phạm. Tuy nhiên sau khi thực hiện mô hình thí điểm, các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã, số công trình vi phạm đã có chiều hướng giảm rõ rệt, chỉ bằng 1/6 – 1/7 số công trình vi phạm những năm 2015 – 2016 (cụ thể 323 công trình vi phạm năm 2021 và 320 công trình vi phạm năm 2022).

Định kỳ 6 tháng, hàng năm Sở Xây dựng tổ chức giao ban công tác quản lý trật tự xây dựng với UBND cấp huyện và các cơ quan có liên quan. Qua đó nắm bắt tình hình quản lý trật tự xây dựng, những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, đề xuất những giải pháp báo cáo UBND Thành phố để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý trật tự xây dựng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý trật tự xây dựng còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số địa bàn vẫn để phát sinh các vi phạm về trật tự xây dựng; sự chủ động, tích cực của các cơ quan chức năng, ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức và người dân còn hạn chế; ở một vài nơi còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, đặc biệt đối với những trường hợp vi phạm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, việc xử lý gặp nhiều khó khăn dễ gây khiếu kiện phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Hiện nay, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố luôn đối diện với những nguy cơ, thách thức tiềm ẩn nếu không nhận diện, kiểm soát tốt có thể gây ra hậu quả khó khắc phục được. Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, các đơn vị có liên quan trong công tác quản lý trật tự xây dựng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, chỉ thị của Thành ủy; Nghị quyết của HĐND Thành phố, các kế hoạch của UBND Thành phố liên quan đến công tác quản lý trật tự xây dựng.

Hai là, kịp thời tham mưu UBND Thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành trong công tác quản lý trật tự xây dựng; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả, hiệu lực lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố phù hợp tình hình hiện nay; Sớm công nhận chính thức các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND cấp huyện tại Thành phố Hà Nội theo quy định Luật Thủ đô năm 2024, làm cơ sở ổn định tâm lý, các chế độ chính sách cho công chức làm nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng tại địa phương.

Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phúc tra, đôn đốc, hướng dẫn trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố, kịp thời phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; từng bước khắc phục các tồn tại về trật tự xây dựng trong gian thời qua.

Bốn là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng; Tăng cường hoạt động kiểm tra công vụ để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các bộ phận, cá nhân được giao nhiệm vụ nhưng buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Năm là, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng… trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý chuyên ngành, chính quyền địa phương. Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về quản lý trật tự xây dựng, xác định đây là nhiệm vụ có tính thường xuyên, liên tục, lâu dài; nâng cao sự hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức cá nhân khi thực hiện hoạt động xây dựng trên địa bàn Thành phố.