Bài học từ lý thuyết dán nhãn: Cách chuyển hóa dán nhãn tiêu cực

Tháng sáu 14, 2024

Chúng ta khác biệt – trong giao tiếp, về nguồn gốc, nền tảng, nhân sinh quan, thế giới quan. Nhưng thay vì tìm cách hiểu những điểm không tương đồng, chúng ta thường dùng chúng để xây lên những bức tường. Chúng ta không đánh giá hành vi của một ai đó khách quan, mà thường nhận định và đặt người ấy vào trong một chiếc hộp. Chiếc hộp mang tên “ A là…” 

Nguồn gốc của lý thuyết dán nhãn

Lý thuyết dán nhãn (labeling theory) là một khái niệm quan trọng trong nghiên cứu xã hội học và tâm lý học. Lý thuyết này cho rằng mỗi người trong chúng ta thường có xu hướng gán cho người khác những “nhãn hiệu” hoặc định kiến dựa trên những đặc điểm bên ngoài hoặc thông tin có sẵn về họ.
Ví dụ, chúng ta nhìn thấy một người có ngoại hình không giống tiêu chuẩn chung, ngay lập tức gán cho họ những nhãn như “lạ lùng”, “khó gần”, “kỳ dị”. Khi nghe ai đó có hoàn cảnh khó khăn, chúng ta sẽ dán cho họ những nhãn hiệu như “nghèo khó”, “bất hạnh” mà không thực sự biết về cuộc sống của họ.
Người đưa ra những quan điểm và phân tích nền tảng cho thuyết dán nhãn là nhà xã hội học George Herbert Mead (1863 – 1931). Mead phân tích rằng cái tôi là nền tảng của sự tồn tại của con người, là nhận thức của cá nhân về nhu cầu xã hội. Cái tôi được xây dựng và phát triển thông qua sự tương tác của mỗi cá nhân đối với cộng đồng.
Quan điểm của George Herbert Mead được Charles Horton Cooley (1864 –1929) phát triển thành cái tôi gương soi với hàm ý quan niệm của một người phát triển về cái tôi xuất phát từ sự đánh giá của người khác đối với bản thân họ. Trong tương tác xã hội, người khác là tấm gương phản chiếu giúp cá nhân nhìn thấy chính mình khi họ đặt bản thân vào vai trò của người khác theo sự mường tượng của tâm trí.
Ngoài ra, lý thuyết dãn nhãn cũng được nghiên cứu bởi các nhà xã hội học khác như Frank Tannenbaum, Edwin Lemert, Howard Becker, Albert Memmi, Erving Goffman, David Mazda.

Mặt tích cực của dán nhãn

Trong nhiều trường hợp, dán nhãn mang nhiều giá trị tích cực.
– Việc dán nhãn giúp con người tiếp cận vấn đề nhanh chóng, từ đó phân chia mọi thứ trong cuộc sống rõ ràng và dễ quản lý.
Ví dụ trong công việc, nhận diện một số đặc điểm ban đầu giúp nhà tuyển dụng tìm được ứng viên phù hợp. Một người cẩn thận sẽ phù hợp với vị trí công việc đòi hỏi tính kiên nhẫn; trong khi người hoạt bát sẽ phù hợp với những công việc đòi hỏi khả năng hoạt ngôn và năng động.
– Mặt khác, việc dán nhãn còn giúp con người tạo ra một hệ thống cấp bậc, nhận biết vai trò.
Khi nhắc đến giám đốc có thể bạn sẽ hình dung ngay được nhiệm vụ của chức danh này, hayđối với quản lý, nhân viên, thực tập sinh cũng tương tự.
– Trong marketing, việc dán nhãn giúp người tiêu dùng nhận biết thương hiệu, đặc điểm và công dụng của từng sản phẩm. 
Đối với giao tiếp hàng ngày, dán nhãn giúp chúng ta phân loại nhanh các đối tượng nhằm điều chỉnh phong cách giao tiếp phù hợp.
Với một người có tính khí nóng nảy, ta hiểu cần điều chỉnh cung giọng nhỏ nhẹ để buổi trò chuyện diễn ra nhẹ nhàng. Đối với một người hướng nội ta biết cần hạn chế việc yêu cầu đối phương đối đáp qua lại.
Tóm lại, dán nhãn là một cách phân loại tiện lợi giúp cuộc sống dễ hiểu, dễ kiểm soát.
Tuy nhiên, dán nhãn trở nên vô cùng nguy hiểm nếu bị lạm dụng bằng định kiến. Khi đó, ta không chỉ đóng khung bản thân và những người khác, mà còn dễ phải phạm phải lỗi quy kết bản chất con người thông qua việc quan sát một vài hành vi cơ bản.

Mặt tiêu cực của dán nhãn

Một người xăm trổ sẽ dễ dàng bị mọi người gắn cái mác là “ăn chơi”, “lêu lổng”, “đua đòi”. Mặc dù xăm trổ đơn giản là một cách thể hiện cá tính và sở thích của họ.
Câu chuyện của Cường được đăng tải trên bài báo “ là một bằng chứng rõ ràng cho sự độc hại của dán nhãn.
Cường mê hip hop nên chuộng phong cách bụi bặm với tóc nhuộm vàng, bấm khuyên mũi, khuyên tai và xăm hai bên cánh tay. Anh cũng hay mặc quần bò rách, hay bị chê ngổ ngáo.Cách ăn mặc của Cường thường xuyên bị người đi đường soi mói với ánh nhìn phán xét.
Trong một lần Cường được gọi phỏng vấn vị trí nhân viên của công ty về công nghệ. Người phỏng vấn là nữ trưởng phòng khoảng ngoài 40 tuổi. Vừa nhìn thấy Cường, chị đã tỏ thái độ khó chịu dù hôm đấy anh mặc áo phông có cổ, không mặc quần bò rách.
Sau một số câu hỏi và bài thực hành tại chỗ, thấy ứng viên hoàn thành tốt, người phỏng vấn có vẻ cởi mở hơn. Tuy nhiên, chị nói sẽ tuyển Cường với điều kiện nhuộm lại tóc cho bớt rực hơn và tháo khuyên. Sau khi suy nghĩ hai ngày, Cường quyết định từ chối công việc. Rất nhiều bạn trẻ khác giống như Cường, thường bị chỉ trích phê phán chỉ vì họ sống ăn mặc không giống với “tiêu chuẩn quy định.
Sưu tầm

Sưu tầm
Thậm chí, dán nhãn đã và đang là công cụ bắt nạt phổ biến trong cuộc sống.
Theo Hiệp hội Giáo dục Quốc gia, Trung tâm PACERStopBullying.gov: Mỗi ngày có khoảng 160.000 trẻ em bỏ học bởi vì sợ những dán nhãn, những dán nhãn có thể liên quan đến các đặc điểm về ngoại hình (mập, lùn, xấu xí), hoàn cảnh gia đình (giàu, nghèo), xu hướng tính cách (mọt sách, ù lì..). Gần 9 trên 10 thanh thiếu niên LGBTQ cho biết họ bị quấy rối bằng lời nói ở trường trong năm qua vì xu hướng tính dục của mình. 57% bé trai và 43% bé gái cho biết bị bắt nạt vì sự khác biệt về tôn giáo hoặc văn hóa.
Không chỉ trẻ em, trẻ vị thanh niên, người lớn cũng là nạn nhân của việc dán nhãn trong cuộc sống hàng ngày.
Chúng ta có thể vô tư gọi tên một ai đó và gắn thêm khuyết điểm của họ như một cánh mua vui, chẳng hạn Lan mập, Hoa mụn, Nam đầu hói mà không biết rằng cách gọi như vậy khiến cho một người cảm thấy tự ti về khuyết điểm của mình (trừ những trường hợp hoàn toàn thoải mái với khuyết điểm của mình)
Những câu nói “vô dụng”, “lười biếng”, “làm gì cũng không xong”, “hậu đậu”, “chẳng ra thể thống gì” nếu liên tục để chỉ trích một người thì lâu dần người đó có thể xem dán nhãn là đặc điểm nhân cách của họ. Hoặc đôi khi không phải người khác, mà chính chúng ta, tự gắn cho mình những chiếc dán nhãn tiêu cực, phủ nhận giá trị thật của mình. Chẳng hạn như “mình là một đứa ngốc”, “mình chẳng thông minh”, “mình quá xấu xí”.

Dán nhãn tiêu cực mang đến những ảnh hưởng lệch lạc, dán nhãn tích cực cũng có mặt trái của nó.

Một cô gái luôn được mọi người xung quanh nhận định là người dịu dàng, hiền lành, tử tế. Dán nhãn này mang đến củng cố hành động tích cực, giúp cô gái phát triển phẩm chất đáng quý. Tuy nhiên trong một số tình huống, nhất là khi phải đối diện chuyện bất bình, cô không dám phản kháng vì sợ mất đi hình tượng được xây trong mắt mọi người. Lúc này vô hình chung, dán nhãn tích cực trở thành một loại rào cản.
Có những người luôn được mệnh danh là “con ngoan” bởi vậy họ liên tục phải đáp ứng mong đợi của các thành viên khác trong gia đình, ngay cả khi người đó phải sống trong đau khổ khi làm điều đó. Danh xưng “con ngoan” thoạt nghe có vẻ rất tích cực, nhưng tồn tại mặt trái ít ai biết đến.
Trong cuốn sách Mindset – Tâm lý học thành công. Nghiên cứu của Tiến sĩ  Carol S. Dwek cho thấy những học sinh mệnh danh “thông minh” ít dám mạo hiểm bài toán mới bởi vì các em sợ làm sai sẽ ảnh hưởng dán nhãn” thông minh” của mình. Những CEO có chức vụ cao  họ thường hạn chế dám mạo hiểm đối với quyết định táo bạo bởi vì họ sợ đánh mất đi hình tượng giỏi giang được gầy dựng trước đó.

Dán nhãn có đáng lo ngại hay không?

Bàn từ góc độ này ta sẽ thấy rất nhiều hậu quả đáng lo ngại của việc dán nhãn? Nhưng nếu việc dán nhãn mang lại hệ lụy tiêu cực, vậy tại sao con người lại đưa ra phán đoán và nhận định về bản thân hay một ai khác? Câu trả lời là phần lớn chúng ta không ý thức những tác hại mà dán nhãn được tạo ra.
Chúng ta vô tình gọi bản thân là “đần độn” sau nhiều lần thất bại nhưng lại không hề biết danh xưng đó mỗi ngày bào mòn lòng tự tin, khiến ta không thực sự nỗ lực đạt được thành công ở những lần kế tiếp. Vì thế ta không thành công. 
Chúng ta thoải mái gọi người khác là mập, gầy, béo ú bởi vì đối với chúng ta ngoại hình không phải vấn đề, mập ốm không quan trọng, nhưng lại không biết với ai đó ngoại hình là nỗi ám ảnh kinh hoàng.
Chúng ta vội vàng phán xét một người thông qua lát cắt câu chuyện nghe được từ bà B hàng xóm, anh C đồng nghiệp, cứ thế mang theo suy xét riêng đối đối với người vắng mặt.
Vậy nên, nhận thức tác hại của việc dán nhãn tiêu cực là chìa khóa xóa bỏ định kiến và xây dựng những mối quan hệ lành mạnh hơn.

Cách để chuyển hóa những dán nhãn tiêu cực trở nên tích cực?

Để chuyển hóa dán nhãn tiêu cực, đầu tiên bạn phải nhận biết được các loại dán nhãn mà bản thân tự gắn cho mình hay bị người khác gắn mắc.
Ngay bây giờ hãy tự hỏi bản thân những cụm từ nào bạn thường dùng mô tả về bản thân? Những cụm từ nào người khác thường mô tả về bạn? Liệu những cụm từ đó có ảnh hưởng tiêu cực đến bạn hay không?
Khi nhận diện được dán nhãn của mình, bước tiếp theo bạn cần làm là liên tục thách thức dán nhãn về bản thân bằng những câu hỏi sau:
– Những nhãn tiêu cực này có đúng với bản thân tôi không? Chúng có phản ánh toàn bộ tính cách, khả năng của tôi hay chỉ một phần nhỏ?
Những nhãn tiêu cực này được đưa ra bởi ai? Họ có hiểu rõ về tôi và hoàn cảnh của tôi không? Liệu họ có thể đưa ra nhận xét khách quan?
– Nếu tôi không làm gì để thay đổi, những nhãn tiêu cực này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống, sự phát triển, cơ hội của tôi trong tương lai?
– Tôi có thể làm gì để chứng minh những nhãn tiêu cực này không đúng? Những hành động cụ thể nào tôi có thể thực hiện?
– Nếu tôi có thể loại bỏ những nhãn tiêu cực này, tôi sẽ trở thành con người như thế nào? Tôi sẽ đạt được những gì trong cuộc sống?
Khi viết bài về lý thuyết dãn nhãn, mình nhớ lại khoảng thời gian trước đây, mỗi khi ra đường là tự gắn mắc“mù đường”, “không giỏi lái xe máy”. Mình luôn tin đó là thật. Dán nhãn tiếp tục được củng cố khi mình có người bạn thân bên cạnh, đi đâu cô ấy cũng là người xem đường, chở đi, là người lái xe. Nhưng sau này bạn mình lập gia đình, sống ở đất nước khác, vì công việc dạy học mà mình phải học cách xem bản đồ, tự lái xe đến chỗ làm. Đến bây giờ thỉnh thoảng mình vẫn lạc đường, nhưng rõ ràng cái mác “mù đường” “không giỏi lái xe”  đã hoàn toàn biến mất. 
Vậy đấy, đôi khi ta nghĩ mình là như thế này hay như thế kia thực chất không hẳn đâu. 
Bước thứ hai, bạn học cách phát triển lòng tự tin về giá trị bản thân. 3 phương thức dưới đây sẽ hỗ trợ bạn:
1. Tập trung vào những mặt tích cực của bản thân:
+ Liệt kê những điểm mạnh, tài năng, điểm bạn tự hào về bản thân. Ví dụ dù không có ngoại hình ưa nhìn, nhưng bạn luôn là người lạc quan và hay giúp đỡ mọi người xung quanh.
+ Nhắc nhở bản thân về những lần đã vượt qua thử thách. Biết ơn và trân trọng tất cả bao gồm niềm vui, nỗi buồn, thành công, thất bại trong đời bạn.
2. Xây dựng một mạng lưới hỗ trợ:
+ Tìm kiếm những người bạn, gia đình, tin tưởng. Chia sẻ với họ khó khăn, sự tự ti, đôi khi bạn có thể nhờ mọi người hỗ trợ, cho lời khuyên khi cần.
3. Không chấp nhận những lời xúc phạm hay đánh giá thấp từ bản thân hoặc từ những người khác
+ Tập trung vào những mục tiêu và kế hoạch thay đổi tích cực.
+ Thẳng thắn bày tỏ quan điểm với người thường xuyên “bắt nạt” bạn bằng lời lẽ lịch sự, rõ ràng. Nếu cách này bất khả quan, hãy chọn tránh xa nhưng kẻ bắt nạt.
Điều cần lưu ý, để thay đổi chúng ta phải thực sự cởi mở và linh hoạt với dán nhãn, hãy hiểu rằng bạn hoàn toàn có khả năng thay đổi những điểm không thích ở chính mình.
Ở thời điểm nào đó, bạn có thể là người vụng về nhưng bạn hoàn toàn có thể trở thành người cẩn thận hơn trong tương lai.
Bạn từng là người nóng tính, nhưng thông qua rèn luyện quản lý cảm xúc, bạn có thể trở thành một người điềm tĩnh.
Cô giáo dạy yoga của mình từng chia sẻ trước đây cô là người rất nóng nảy nhưng sau này nhờ luyện tập yoga nhiều mà cô thay đổi, trở nên từ tốn. Nếu không nghe cô chia sẻ chắc chắn mình sẽ không biết trước đây cô là người nóng tính vì bây giờ trông cô rất hiền và dịu dàng nữa.

Sự liên quan mật thiết của lý thuyết dãn nhãn với lời tiên tri tự hoàn thành

Lời tiên tri tự hoàn thành là lời dự đoán hoặc nhận định về một người hay sự việc trở thành hiện thực, không phải vì nó đã được định sẵn, mà chính vì bản thân nhận định đó đã ảnh hưởng và định hình hành vi của người được dự đoán.
Lý thuyết “Lời tiên tri tự hoàn thành” được minh chứng được hai nhà tâm lý William Crapo và Phyllis Mello thực hiện năm 1978. Hai nhà tâm lý chọn ra vài học sinh tiểu học ngẫu nhiên trong lớp. Sau đó, thông báo thầy cô rằng qua một bài kiểm tra trí tuệ, nhận định một vài đứa trẻ trong đó là những đứa trẻ thông minh. Thực tế bài kiểm tra đã không diễn ra. Tuy nhiên, vì tin vào lời tiên tri của các nhà nghiên cứu, các thầy cô đã đặc biệt chú ý đến các học sinh được đánh giá thông minh. Cuối cùng các em ấy có được kết quả học tập tốt hơn so với bạn đồng trang lứa.
Lý thuyết dán nhãn là một hình thức khác của lời “lời tiên tri tự hoàn thành”. Và nó cũng tồn tại hai mặt giá trị:
Khi gắn cho bản thân/ một ai đó dãn nhãn tích cực thì rất có thể trong tương lai ta hoặc người đó sẽ hoàn thiện bản thân theo đúng mong đợi. Từ ngữ tích cực tạo nên sức mạnh tích cực.
Nếu bạn nghĩ rằng bạn làm việc chăm chỉ, có khả năng truyền cảm hứng, đầy hứa hẹn… bạn sẽ được khuyến khích để đạt được nhiều hơn vì những từ ngữ tích cực giúp bạn cảm thấy tốt về bản thân.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu bạn dán nhãn lên mình nhãn dán tiêu cực, đến một ngày nào bạn sẽ trở thành chính những lời mô tả tiêu cực bạn gắn cho bản thân.
Bạn tin mình kẻ thất bại, khi gặp thất bại một vài lần, thay vì cố gắng lại ở những lần tiếp theo, thì bạn sẽ có xu hướng tìm kiếm bằng chứng từ những lần trước để minh chứng cho việc mình là kẻ thất bại. Khi tin bản thân thất bại, bạn không còn muốn cố gắng tìm ra giải pháp khắc phục. Và vì không cố gắng hành động thay đổi, bạn thực sự trở thành kẻ thất bại. 
Lời tiên tri tự hoàn thành đi theo mô thức: Niềm tin + hành động => kết quả (xác nhận niềm tin)

Khi biết ảnh hưởng của dán nhãn, hãy thận trong cách bạn suy nghĩ và nhận định về chính mình hay những người xung quanh nhé.

Lời kết:

Không phải lúc nào cũng dễ dàng loại bỏ những dán nhãn tiêu cực. Dẫu vậy bạn cần nhớ, một bước đi tích cực và đúng hướng sẽ tạo nên sự thay đổi đáng kinh ngạc trong tương lai.
Nếu bạn cảm thấy khó khăn để vượt qua những lời nhận định ăn sâu bám rễ trong tâm trí. Bạn có thể giúp bản thân vượt qua bằng cách lặp lại câu khẳng định bên dưới đây:
– Không bó buộc bản thân trong một vài nhận định.
– Bạn hoàn toàn có thể thay đổi những gì mà bạn không thích về chính mình.
– Hãy thư giãn. Tất cả chúng ta đều mắc những sai lầm. Don’t take yourself too seriously. 
– Hãy nhớ cuộc sống là một hành trình phiêu lưu, có vấp ngã, sẽ đứng lên, có bắt đầu, kết thúc và làm lại.
– Hãy hoàn thiện, đừng cố hoàn hảo. 
– Nhãn dán là sự tự tiên tri. Bạn trở thành những gì bạn nghĩ bạn là. Bạn có nhiều tiềm năng. Đừng đặt bản thân vào một kiểu loại nào đó.
– Từ ngữ là sức mạnh. Hãy sử dụng chúng khôn ngoan.
Sưu tầm

Sưu tầm