Bạn không thể trở thành thiên tài
Tháng sáu 8, 2024
Quy tắc 10000 giờ
Quy tắc 10000 giờ là lý thuyết của Malcolm Gladwell trong cuốn sách Những Kẻ Xuất Chúng. Nó cho rằng các thiên tài phải trải qua 10000 giờ tập luyện để sở hữu năng lực xuất chúng với các ví dụ hùng hồn như Bill Gate ngày đêm cày máy tính, hay nhóm nhạc Beatles chơi 8 tiếng một ngày.
Nói cách khác, 10000 giờ là điều kiện cần cho mọi quá trình tập luyện để đạt tới đẳng cấp thiên tài. Nó không hẳn là đại lượng chính xác có thể áp dụng cho tất cả mọi người nhưng là một cột mốc chung mà người tập luyện phải tiếp cận.
Trong sách Những Kẻ Xuất Chúng có đề cập tới cơ hội tập luyện, với Bill Gate là trung tâm máy tính, với nhóm nhạc Beatles là câu lạc bộ ở Liverpool. Theo lập luận trong sách thì cơ hội tập luyện là nơi giúp con người chuyên tâm tập luyện, hay nói theo thuật ngữ của Cal Newport thì đó là deep work.
Nhưng lý thuyết của sách chỉ có chừng đó và không đủ sâu để có thể hiện thực hoá ở đời sống thực tế. Nó thường đưa ra các thuật ngữ mơ hồ nhằm định hình cơ hội tập luyện, kết hợp hiểu biết nông cạn của người đọc nói chung thì việc vận dụng kiến thức của sách là bất khả thi.
Thế nên tại bài viết này, tôi sẽ phân tích sâu hơn vào lý thuyết 10000 giờ về cơ hội tập luyện.
Cơ hội tập luyện
Cuốn sách Deep Work của Cal Newport cho ta biết sự chuyên tâm chỉ xảy đến khi ta ở trong một môi trường không xao nhãng. Đó phải là một môi trường loại bỏ triệt để các yếu tố gây xao nhãng như mạng xã hội, tiếng nói chuyện.
Trong phần lớn thời gian, chúng ta đều sống rất cảm tính, tức là hành động dựa trên cảm giác. Mà cảm giác của con người hay đưa ta vào các thói quen dễ dãi như lướt Facebook, Tiktok.
Lướt Tiktok có xấu không? Có, đến nỗi một định kiến mới đã định hình trong nhận thức của mọi người, đó là Tiktok là nơi tập trung những thứ vô bổ xàm xí rác rưởi.
Tuy vậy, số người dùng Tiktok vẫn đông như kiến. Hoàn toàn không ai nói nó có lợi ích gì ngoại trừ giải trí. Mà giải trí thì thiếu gì cách thức, chúng ta có thể chơi game, nghe nhạc, xem tivi. Những sở thích được cho là đỡ tệ hại hơn lướt Tiktok và thậm chí còn được đánh giá là tốt với các định kiến như chơi game giúp rèn luyện trí tuệ.
Phương tiện là thông điệp. Đây là câu nói nổi tiếng của Marshall Mcluhan, cụ thể thì phương tiện là cái cơ cấu hoạt động của con người chứ không phải thông điệp. Áp dụng cho trường hợp của Tiktok thì ta có thể hiểu nội dung của Tiktok không phải là thứ chi phối hoạt động của người dùng mà là giao diện của nó.
Mấu chốt là sự tiện lợi. Ngay lần nhấn đầu tiên, Tiktok đã dẫn thẳng chúng ta đến thông điệp là các video có tính giải trí, và chỉ với một cú lướt thì chúng ta đã có được một video mới.
Xét theo quy luật thị trường thì nhu cầu giải trí quá cao và Tiktok lại sở hữu khả năng cung ứng video giải trí quá mạnh mẽ. Kết quả là chúng ta có nhiều bài viết, bản tin lên án sự nghiện ngập Tiktok của nhiều người. Ngoại trừ làm nhiều người tự ái và củng cố lòng thượng đẳng một số bầy người thì chúng như muỗi đốt inox đối với sức bành trướng mạnh mẽ của Tiktok.
Trong khi giải trí vô độ quá ư là dễ dàng thì tập luyện lại quá khó khăn. Do cái khó đó mà nhiều lý thuyết đã ra đời nhằm hỗ trợ cho tập luyện như quy tắc 1%, deep work, thói quen nguyên tử, v.v.
Nhưng hết thảy chúng đều không khả thi do không triệt tiêu được hết cái bất tiện của tập luyện.
Ví dụ là deep work, lý thuyết hiệu quả nhất để hỗ trợ cho tập luyện. Nó ngăn ngừa các yếu tố xao nhãng và đưa con người vào môi trường khép kín, tĩnh lặng, trống trải không có gì ngoài dụng cụ học tập hoặc làm việc.
Điểm yếu của deep work là không tối ưu dụng cụ học tập, làm việc.
Đây là thời đại của công nghệ đa năng. Một chiếc điện thoại có thể làm tất cả mọi việc như tìm hiểu, học hỏi, ghi chép, giải trí. Mà một chiếc điện thoại với máy tính thì dễ mang theo và dễ sử dụng hơn là lật mấy cuốn sách với mở vở lên bút rồi ghi chép.
Nhưng đa năng là con dao hai lưỡi. Vì tính năng cũng chỉ là một dạng thông điệp do phương tiện là giao diện điện thoại, máy tính truyền tải.
Quá trình học tập khá rắc rối khi ta phải vô google gõ chữ để tìm hiểu về chủ đề học tập rồi trải qua hàng loạt tác vụ rắc rối khác để tải tư liệu học tập về. Tư liệu học tập tải về chưa chắc đã được đọc vì nó thường kẹt trong các ứng dụng lưu trữ như Google Drive đòi hỏi nhiều hơn hai lượt nhấn để bạn tìm tới tài liệu muốn đọc.
Trong khi đó, lướt Tiktok vẫn tiện hơn nhiều, kể cả khi bạn đã xóa nó. Vì quá trình đăng nhập cửa hàng ứng dụng rồi tải Tiktok về khá là đơn giản, và còn được tăng cường tốc độ nhờ kinh nghiệm tải ứng dụng. Thành ra bạn có thể trong vô thức tải Tiktok về mà không cần để trong đầu nổi lên bất kỳ suy nghĩ gì, nó rất tự động và không gây ức chế.
Tóm lại, tập luyện quá bất tiện.
Định luật Matthew
Định luật Matthew: người giàu thì càng giàu, người nghèo thì càng nghèo. Nội dung chính của nó khá là phiến diện, nhưng giải thích xâu xa thì đại ý của nó là lợi thế càng lớn thì cơ hội càng nhiều.
Tập luyện quá bất tiện, xét theo định luật Matthew thì lợi thế tập luyện quá nhỏ nên cơ hội tập luyện cũng thấp theo. Hệ quả là hiệu suất tập luyện của bạn sẽ giảm thiểu đến mức gần bằng không hoặc là bằng không luôn.
Như vậy bạn đã không thoả mãn quy tắc 10000 giờ. Vì thời gian sống của con người thì có hạn mà hiệu suất tập luyện lẹt đẹt kiểu này thì hoặc là bạn chết trước khi trở thành thiên tài hoặc là kẹt mãi trong cái lốt người tầm thường.
Tóm lại, quy tắc 10000 giờ vẫn bất khả thi kể cả bạn có đọc tất cả sách self-help trên thị trường vì làm gì có cuốn sách nào dạy bạn cách tinh chỉnh để tập luyện trở nên tiện lợi. Chúng thường chỉ chăm chăm diệt trừ sự tiện lợi của các thói quen xấu như lướt mạng xã hội với hóng chuyện, chứ ít khi nào cải thiện mức độ tiện lợi của tập luyện.
Vì thế, bạn không thể nào trở thành thiên tài.