Bao lâu rồi bạn chưa chạy bộ?

Tháng sáu 11, 2024

Mình là một người thích đi bộ, chạy bộ. Do công việc cũng bận rộn nên mình cố gắng thu xếp mỗi tuần chạy bộ 2 ngày, sau giờ làm việc. Dự định là thế nhưng thực tế thì không phải tuần nào cũng đều đặn như vậy. Có tuần một buổi, có khi lại chẳng có buổi nào. Những lúc như thế mình hay tự viện lý do là bận quá, xong việc đã tối rồi nên không có thời gian. Mà thực ra đó là mình tự bao biện để đỡ áy náy với lương tâm thôi.
Quãng đường chạy bộ của mình thường là chạy từ nhà lên lăng Bác, lượn qua đó một vòng rồi chạy về. Tổng quãng đường mình áng chừng là 5-6km, cũng đủ để mình toát mồ hôi và khát khô cổ mỗi khi về nhà. Công việc của mình chủ yếu ngồi trong phòng có điều hòa, thế nên mình ít khi có dịp “toát mồ hôi” theo nghĩa đen. Vậy nên cảm giác thường gặp là bí bách, ngột ngạt và bị stress.
Đến nay mình đã bước sang tuổi 37, bắt đầu phải chiến đấu với bệnh đau vai gáy, đau dạ dày, thỉnh thoảng đau hông, đau đầu, chân hay bị lạnh và chuột rút (lắm bệnh thế!). Từ hồi 30 tuổi mình đã chú ý hơn đến vấn đề sức khỏe rồi. Bởi vì mình cảm nhận rõ được sức khỏe giảm sút, hồi phục chậm hơn so với hồi còn 2x tuổi. Trước mình cũng đăng ký tập gym, tập boxing các thứ, nhưng rồi thấy tốn kém mà cảm giác bị thúc ép quá (về giờ giấc và cường độ tập) nên bỏ dần, chuyển sang hướng tự chạy bộ và relax là chính.
Hôm trước có được nghe ai đó nhắc về một cuốn sách của Haruki Murakami là “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”. Dù mình không phải fan của Murakami và chưa đọc cuốn này nhưng nó tình cờ lại là chủ đề mình đang nghĩ tới. Trong những buổi chạy bộ vừa rồi, mình đã nghĩ gì? Đúng là có vài suy nghĩ thú vị thoáng qua khiến mình vội note lại vào điện thoại. Giờ đây mình sẽ viết đầy đủ và chi tiết hơn để bản thân có dịp đọc lại.

1. Hít thở và sự tập trung

Mới chạy được vài trăm mét mình đã rối loạn nhịp thở. Chạy hết một dọc đường Bắc Sơn là thở không ra hơi rồi. Bình thường chẳng mấy khi mình để ý tới hơi thở, nhịp thở. Chỉ đến khi nhịp tim tăng nhanh, cơ thể cần nhiều oxy hơn thì mình mới cảm nhận rõ từng hơi thở nhanh và mạnh như thế nào. Cũng may là trong đợt học boxing mình được dạy về cách thở: hít sâu (hít 2 nhịp) và thở mạnh cho hết hơi trong phổi. Nhờ đó cảm giác khó chịu khi phải thở gấp vì thiếu oxy cũng được giảm đi.
Có hít thở mạnh như vậy mới cảm nhận được cơ thể mình đang hoạt động như thế nào. Lúc ấy đầu óc gần như chẳng còn nghĩ được gì khác ngoài việc hít và thở. Một cảm giác tập trung cao độ vào việc tưởng chừng như quá đỗi bình thường. Khi nhịp tim và hơi thở dần ổn định lại, lúc đó mình mới cảm nhận được thêm nhiều thứ khác: cơ ở cổ chân và đùi hơi căng này, mồ hôi đang túa ra ở lưng và ngực này, cổ họng hơi khô này… tự nhiên cảm thấy một niềm vui trào dâng, kiểu như một thứ gì đó bị mất đã lâu bỗng nhiên tìm lại được ấy. Phải rồi… đó chính là cảm giác cơ thể mình được lắng nghe, được quan tâm. Nó chẳng đòi hỏi gì nhiều, chỉ đơn giản là được vận động, được phát huy khả năng của nó, để rồi được lắng nghe và ghi nhận… đó là nó đang “sống”.

2. Ngắm nhìn một cái cây rồi nghĩ về cuộc sống

Lúc chạy xong mệt, mình thường ngồi nghỉ và quan sát một thứ gì đó. Điều mình thích nhất là nhìn cây. Ngắm nhìn 1 cái cây lớn trong tự nhiên cũng đem lại một cảm giác thật dễ chịu cho mắt. Hàng ngày mình hay nhìn máy tính, nhìn nhà cửa, tiện nghi, cây cảnh nhưng hiếm khi để ý kỹ một cái cây lớn trong tự nhiên. Ở đó ẩn chứa một sự sống đang dạt dào bên trong một thân hình rất tĩnh. Rễ là cái nuôi sống cây nhưng mình không thấy được. Nó vẫn chăm chỉ cần mẫn làm công việc của mình bất chấp mọi sự xảy ra trên đời, chỉ có cành lá đung đưa trong gió. Việc của rễ là cắm mặt vào đất nuôi sống cả cái cây. Việc của cành, của lá là vươn lên thật cao, đón thật nhiều nắng, gió. Chợt mình nghĩ đến cuộc sống của mình cũng như một cái cây vậy. Có những ngày chỉ mải miết kiếm sống, mình chỉ biết cắm mặt vào công việc, chẳng để ý đến những gì đang xảy ra bên ngoài. Rồi cũng có ngày mình muốn buông xuôi, thả mình giữa trời mây, tận hưởng những làn gió thoảng qua. Hay có những ngày muốn nổi loạn, muốn lao ra giữa cơn mưa lớn mà dầm cho ướt hết, cho nước mưa rửa sạch cái đầu đang ong ong với đủ thứ suy nghĩ không có lối ra. Có nhiều thứ mình không nói ra được với ai, cũng như cái cây kia không thể nói ra được. Nhưng nhìn vào rễ, vào thân, vào lá, vào những chuyển động của nó trước thiên nhiên, mình bỗng như nhận được một thông điệp: “Là cây thì phải thế. Còn sống thì còn phải đâm sâu vào đất, phải vươn lên trời xanh. Tự nhiên là phải thế”…

3. Đau cơ hóa ra dễ chịu hơn đau đầu

Vốn là một đứa hay suy nghĩ, lại làm công việc nặng về dữ liệu, logic, rồi phải tìm hiểu đủ thứ, nên mình hay bị rơi vào trạng thái “overload”. Kiểu suy nghĩ nhiều quá đâm ra chẳng nghĩ được gì. Đôi khi cứ đơ người ra ấy. Cảm giác lúc đó là “bất lực”, bởi mọi thứ đang bị bế tắc và bộ não chẳng nghĩ thêm được nữa rồi. Nhưng muốn dừng việc nghĩ là khó nhất, bởi mình không thể kiểm soát được bộ não. Vậy nên mình muốn chạy cho hết năng lượng. Khi đó mọi cơ quan trong cơ thể như muốn biểu tình. Chân mỏi đến nỗi không đứng được nữa, tay run đến mức không chống được nữa, tim đập nhanh và cả cơ thể gào lên: “để yên cho tao thở”. Thế là bộ não phải dừng suy nghĩ linh tinh để chỉ tập trung nghĩ đến việc thở.
Như thế hóa ra lại hay. Chuyển từ cơn đau đầu sang đau khắp cơ thể. Nhưng cảm giác này lại dễ chịu hơn nhiều, bởi mình biết chỉ cần nghỉ ngơi là chắc chắn mọi thứ sẽ hồi phục. Mà đặc biệt lúc hồi phục, mình sẽ cảm nhận được cơ thể khỏe hơn, mạnh mẽ hơn, như kiểu một cái máy tính bị treo vừa được bấm reset. Làm lại mọi thứ từ đầu, kể cả từng suy nghĩ.
Chạy bộ nói chung là hay. Một tuần mà không được chạy buổi nào là mình bắt đầu thấy khó chịu lắm ấy. Chạy một mình cũng được, có người chạy cùng cũng tốt. Chạy để cảm nhận về bản thân và cuộc sống, là những phút giây “triết học thực hành” đầy thú vị. Vậy thì… bao lâu rồi bạn chưa chạy bộ?
11/06/2024
duongAQ