Bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon
Bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon
Cùng với nạn cháy rừng gia tăng, tình trạng hạn hán ngày càng gay gắt là nguyên nhân làm chậm quá trình phục hồi của rừng nhiệt đới Amazon. Kết quả nghiên cứu này của các nhà khoa học gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần tăng tốc bảo vệ rừng Amazon, vốn được ví như “lá phổi” của Trái đất.
Các đám cháy tại một khu vực rừng Amazon vào năm 2019. (Ảnh: REUTERS) |
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) đã phân tích hình ảnh vệ tinh về hoạt động của thảm thực vật của rừng nhiệt đới Amazon. Hàng chục nghìn điểm ảnh, mỗi điểm ảnh bao phủ diện tích 25 km2, được phân tích tỉ mỉ theo từng tháng và đối chiếu với dữ liệu lượng mưa địa phương. Mục tiêu của nghiên cứu là nhằm xác định tác động của tần suất, cường độ hoặc thời gian kéo dài của hạn hán đến thảm thực vật Amazon.
Kết quả cho thấy 37% thảm thực vật trưởng thành trong khu vực phục hồi chậm. Các nhà nghiên cứu kết luận, khu vực đông nam rừng Amazon bị chặt phá và suy thoái nặng nề có nguy cơ cao nhất rơi vào “điểm tới hạn”, nghĩa là thảm thực vật nhiệt đới rơi vào tình trạng suy giảm thảm khốc. Các nhà khoa học cảnh báo sự suy giảm khả năng phục hồi sẽ đẩy khu rừng nhiệt đới vốn được coi là bể chứa các-bon lớn nhất trên đất liền đến bờ vực suy thoái không thể khôi phục.
Điều đáng báo động là chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm, rừng Amazon đã phải hứng chịu bốn đợt hạn hán khắc nghiệt được cho là trăm năm mới xảy ra một lần. Biến đổi khí hậu do con người gây ra tác động nặng nề đến cây cối và các loài thực vật. Trong quá khứ, tán cây của khu rừng nhiệt đới Nam Mỹ, với diện tích gần bằng một nửa châu Âu, có khả năng co lại và mở rộng theo mùa khô và mùa mưa hằng năm, đồng thời phục hồi nhanh chóng sau mỗi đợt hạn hán. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tốc độ phục hồi trở nên chậm chạp do hạn hán ngày càng dữ dội ở phía đông nam và thường xuyên hơn ở phía tây bắc Amazon.
Theo tác giả chính của nghiên cứu, chuyên gia Johanna Van Passel, hình ảnh vệ tinh chỉ cho thấy một phần của bức tranh thực tế và tình trạng dưới tán cây có thể còn nghiêm trọng hơn. Tác giả nhấn mạnh, cây cối là phần cuối cùng của hệ sinh thái bộc lộ “điểm tới hạn” vì chúng có vòng đời dài nhất và có khả năng thích ứng tốt nhất.
Theo các chuyên gia, nếu con người đã quan sát thấy một “điểm tới hạn” đang đến gần hơn ở cấp độ rừng vĩ mô, thì tình trạng này chắc chắn tồi tệ hơn ở cấp độ vi mô – một thông tin không mong đợi và rất đáng lo ngại đối với Amazon. Rừng nhiệt đới là nơi sinh sống của 15.000 loài cây, đóng vai trò quan trọng trong việc hút CO2 từ khí quyển. Tuy nhiên, khả năng này – cùng với khả năng phục hồi tổng thể của rừng – đang bị suy yếu bởi biến đổi khí hậu do con người gây ra, xuất phát từ hoạt động đốt phá cây, khai thác khí đốt, dầu mỏ và than. Nghiên cứu cho thấy tốc độ phục hồi chậm lại của rừng là dấu hiệu cho thấy sự suy thoái hệ sinh thái quy mô lớn.
Không chỉ hạn hán, Amazon còn hứng chịu các vụ cháy rừng ở mức cao kỷ lục trong 25 năm qua. Viện Nghiên cứu Không gian quốc gia (INPE) Brazil cho biết, trong bốn tháng đầu năm nay, khu vực rừng Amazon thuộc lãnh thổ Brazil chứng kiến hơn 12.000 km2 đất rừng bị thiêu rụi, mức cao nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập năm 1999.
Diện tích cháy rừng tương đương bang Connecticut của Mỹ và lớn hơn diện tích Qatar. Cháy rừng ở Amazon thường không xảy ra tự nhiên mà chủ yếu do hoạt động đốt phá, khai hoang của con người để lấy đất làm nông nghiệp. Bộ Môi trường Brazil cho biết, chính quyền Tổng thống đương nhiệm Lula da Silva đã chi 405 triệu real (79,4 triệu USD) cho hoạt động chữa cháy ở cấp bang. Năm 2023, Chính phủ Brazil ngăn chặn được một nửa số vụ phá rừng Amazon, song tình trạng cháy rừng vẫn ở mức báo động.
Chuyên gia Van Passel bày tỏ lo ngại về tương lai của rừng Amazon. Bà kêu gọi các nhà hoạch định chính sách quốc tế bảo vệ rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, người dân bản địa và các cộng đồng truyền thống khác, cũng như giảm lượng khí thải nhà kính để bảo vệ “lá phổi” của Trái đất.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com