Bất động sản công nghiệp sẽ trở nên hấp dẫn hơn bởi lý do này

Tháng sáu 5, 2024

Bất động sản công nghiệp sẽ trở nên hấp dẫn hơn bởi lý do này

(Xây dựng) – Để thu hút vốn vào ngành Bán dẫn và Bất động sản công nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp phải hoàn thiện khung chính sách, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu khắt khe của chuyên ngành này.

Bất động sản công nghiệp sẽ trở nên hấp dẫn hơn bởi lý do này
Việc phát triển đầu tư bán dẫn sẽ thúc đẩy tăng trưởng bất động sản công nghiệp ở phía Bắc. (Ảnh minh họa)

Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA), với nhu cầu ngày càng tăng về các thiết bị điện tử và tiến bộ công nghệ, thị trường bán dẫn toàn cầu được dự báo sẽ đạt 600 tỷ USD vào năm 2025, tăng 14% kể từ năm 2023. Đến cuối năm 2024, ngành Bán dẫn Việt Nam được dự báo sẽ vượt 6,16 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất trọng điểm của các công ty bán dẫn toàn cầu.

Ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng hấp dẫn trước những thay đổi toàn cầu. Đại dịch Covid-19 làm tăng nhu cầu về chất bán dẫn do sự phụ thuộc ngày càng tăng vào các thiết bị điện tử trong và sau thời gian giãn cách xã hội. Việt Nam có đủ điều kiện để nắm bắt nhu cầu này. Điển hình, Hà Nội nhận được đầu tư từ Samsung cho trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á. Trong khi đó, một số công ty bán dẫn của Hà Lan cũng đã đầu tư vào Việt Nam.

Ông Thomas Rooney, Giám đốc cấp cao về Dịch vụ công nghiệp tại Savills Hà Nội đánh giá, Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành trung tâm bán dẫn vì có vị trí chiến lược ở Đông Nam Á và dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn trong khu vực. Theo đó, Việt Nam còn có điều kiện tự nhiên thuận lợi và nguồn tài nguyên đất hiếm dồi dào, nguyên liệu quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn.

Đáng chú ý, bối cảnh chính trị của Việt Nam cũng tương đối ổn định, Chính phủ Việt Nam tích cực thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn với các chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ đầu tư hấp dẫn.

Theo ông Thomas Rooney, nhu cầu đầu tư cho sản xuất và lắp ráp chất bán dẫn đã thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm đất công nghiệp và cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng và dịch vụ của ngành ngày càng tăng. Các yêu cầu cơ bản bao gồm nguồn cung cấp điện ổn định, Internet tốc độ cao và hệ thống nước hiệu quả, do đó đòi hỏi các nhà đầu tư ở Việt Nam phải cải thiện chất lượng cơ sở vật chất và hệ thống.

Trong đó, Vùng kinh tế phía Bắc sẽ tiếp tục là điểm nóng về bất động sản công nghiệp. Các tỉnh phía Bắc là nơi đặt trụ sở của các công ty hoạt động trong các ngành công nghiệp có giá trị cao, bao gồm máy tính, điện tử và sản phẩm điện. Vì vậy, việc phát triển đầu tư bán dẫn sẽ thúc đẩy tăng trưởng bất động sản công nghiệp ở phía Bắc.

Vị chuyên gia này cho rằng, để thu hút vốn vào ngành Bán dẫn và Bất động sản công nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp phải hoàn thiện khung chính sách, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu khắt khe của chuyên ngành này.

Cụ thể, Việt Nam nên đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng quy mô lớn. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), ưu tiên các dự án đầu tư và hướng tới phát triển năng lượng bền vững. Việt Nam tập trung phát triển các khu công nghệ cao, đặc biệt là Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), nhằm tạo nền tảng cho các tập đoàn nước ngoài đầu tư, sản xuất tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần giải quyết thách thức nâng cao tay nghề cho lao động lực lượng lao động sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam là điểm đến đầu tư, thu hút các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và sản xuất tại Việt Nam. Đặc biệt, cần nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành Bán dẫn, mục tiêu đào tạo và phát triển 50.000 lao động cho ngành đến năm 2030.

Giám đốc cấp cao về Dịch vụ công nghiệp tại Savills Hà Nội nhấn mạnh, Chính phủ và doanh nghiệp phải hợp tác chặt chẽ để tận dụng tiềm năng hiện có, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và đào tạo lực lượng lao động, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của ngành Bán dẫn và Bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.

Ngành công nghiệp bán dẫn cung cấp các thành phần thiết yếu cho thiết bị điện tử hiện đại, bao gồm bộ vi xử lý, bộ nhớ và thiết bị lưu trữ dữ liệu. Để thu hút vốn vào ngành Bán dẫn và Bất động sản công nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp phải hoàn thiện khung chính sách, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu khắt khe của ngành chuyên ngành này.

Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com