Bến Tre nỗ lực đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn vươn lên thoát nghèo
Bến Tre nỗ lực đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn vươn lên thoát nghèo
(Xây dựng) – Trong hành trình xây dựng, phát triển nông thôn, tỉnh Bến Tre đã nỗ lực không ngừng để cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt tại các xã khó khăn ở vùng bãi ngang, ven biển. Các cấp ủy Đảng và chính quyền tỉnh Bến Tre luôn quan tâm đặc biệt đến công tác giảm nghèo, nhờ vào những kế hoạch, chương trình và dự án được triển khai một cách hiệu quả. Những nỗ lực này góp phần nâng dần mức sống, tạo điều kiện cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đoàn giám sát của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo khảo sát tuyến đường ĐC.11 (ấp An Hội B, xã An Thuận, huyện Thạnh Phú). |
Cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn
Trong bối cảnh nỗ lực phát triển kinh tế – xã hội tại Bến Tre, việc cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Đoàn giám sát của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo vừa thực hiện khảo sát công trình Đường ĐA.04 tại ấp An Huề, xã An Quy, huyện Thạnh Phú mới thấy rõ hơn về ý nghĩa của việc đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng trong công cuộc giảm nghèo.
Ấp An Huề, với trên 2.000 hộ dân sinh sống, trong đó có 38 hộ nghèo và 49 hộ cận nghèo, thực sự đã trải qua những năm tháng khó khăn. Trước đây, đường giao thông ở đây vẫn chủ yếu là đường đất, mùa mưa thì ngập lầy, mùa nắng lại bụi mù mịt, khiến việc đi lại và vận chuyển hàng hóa trở nên vô cùng khó khăn. Những con đường nhỏ hẹp chỉ đủ cho một chiếc xe di chuyển, khiến liên lạc và giao thương bị gián đoạn.
Tuy nhiên, khi các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 được đầu tư vào nhiều tuyến đường giao thông nông thôn tại đây, tình hình đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, trong năm 2024, xã An Quy tiếp tục được đầu tư hai tuyến giao thông, trong đó bao gồm công trình Đường ĐA.04 với tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng.
Ông Phạm Hồng Lạc, Phó Chủ tịch UBND xã An Quy cho biết: Dù còn nhiều khó khăn, nhưng khi có chủ trương xây dựng tuyến đường ĐA.04, người dân đã tích cực đóng góp vốn để đối ứng xây dựng công trình. Tổng kinh phí đối ứng trong dân đạt gần 190 triệu đồng. Nhiều hộ dân trên tuyến đường đã hiến đất, hoa màu, với mong muốn tuyến đường sớm hoàn thành, tạo điều kiện đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện hơn.
Điều này thể hiện sự quyết tâm của chính quyền và là tinh thần đoàn kết, phối hợp của từng người dân. Bà Trần Thị Rĩnh, một người dân ở ấp An Huề xúc động chia sẻ: “Tuyến đường ĐA.04 đưa vào sử dụng giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân chúng tôi thuận lợi, bộ mặt của ấp từ đó sẽ có nhiều thay đổi. Nhà nước hỗ trợ tiền làm đường ĐA.04. Người dân chúng tôi rất đồng tình vì đường sá mở rộng, di chuyển thuận lợi. Nhiều gia đình trong ấp có tuyến đường đi qua đã hiến đất để mở rộng đường, góp ngày công để công trình thi công đúng tiến độ”.
Không chỉ riêng ấp An Huề, xã An Quy, tại xã An Thuận, huyện Thạnh Phú, dự án cũng ghi nhận nhiều tiến triển tích cực. Cuối năm 2023, xã có hơn 60 hộ nghèo, nhưng trong năm 2024, xã tiếp nhận gần 8,5 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo để duy tu, sửa chữa hai tuyến đường quan trọng. Trong số này, tuyến đường ĐC.11 đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Trước khi được cải tạo, đường ĐC.11 chỉ rộng 6 tấc, nền đường thường xuyên bị bong tróc và ngập nước vào mùa mưa, gây nhiều khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Ông Lê Chí Trung, Trưởng ấp An Hội B, xã An Thuận cho biết: “Khi triển khai thực hiện tuyến đường, người dân đồng tình cao. Đến khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, kết nối cánh đồng sản xuất lúa của người dân với tuyến đường lớn của xã, tạo điều kiện vận chuyển mặt hàng nông sản như: Lúa, tôm… thuận tiện. Người dân trong ấp rất vui khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng”.
Cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn không chỉ đơn thuần là xây dựng con đường, mà còn tạo ra những cơ hội mới cho người dân, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống và hòa nhập vào dòng chảy phát triển chung của xã hội. Tại Bến Tre, những nỗ lực này đang từng bước góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho những người dân nơi đây.
Giao thông thuận tiện
Trong năm 2024, huyện Thạnh Phú đã chính thức tiếp nhận hơn 36 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, nhằm thực hiện 19 công trình thiết yếu. Để thực hiện những dự án này, UBND huyện đã giao cho các cơ quan chuyên môn tuân thủ những quy trình xây dựng được quy định, đảm bảo tối đa hiệu quả và chất lượng của từng công trình.
Đường nông thôn ở Thạnh Phú Đông (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). |
Đến thời điểm hiện tại, huyện Thạnh Phú đã hoàn thành 8 công trình duy tu và bảo dưỡng, tất cả đều đúng tiến độ theo hợp đồng. Những công trình này được xem như những cánh cửa mở ra thế giới, giúp kết nối các vùng miền, thúc đẩy giao thương và tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của người dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Trương Thanh Hải chia sẻ: “Chúng tôi phân công cán bộ đôn đốc, kiểm tra việc triển khai dự án tại từng địa phương, kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng, chủ đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Do đó, tiến độ thực hiện các dự án được đẩy nhanh. Các công trình được đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả đầu tư, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân”.
Song song đó tỉnh Bến Tre còn triển khai dự án hỗ trợ đầu tư hạ tầng kinh tế – xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn. Năm 2024, tổng cộng 44 công trình sẽ được xây dựng, gồm 11 công trình chuyển tiếp và 33 công trình khởi công mới, với tổng kinh phí lên tới 82,542 tỷ đồng. Điều này giúp nâng cao cơ sở hạ tầng và tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân tại các xã khó khăn vùng bãi ngang, ven biển thuộc huyện Giồng Trôm, Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú.
Theo khảo sát thực tế của Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về giảm nghèo Phí Mạnh Thắng, những nỗ lực trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững tại tỉnh đã thực sự phát huy hiệu quả: “Việc đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển đã thực hiện tốt. Một số công trình hoàn thành đã phát huy được tác dụng, giúp bộ mặt nông thôn xã bãi ngang “thay da đổi thịt”, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên”, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về giảm nghèo Phí Mạnh Thắng nhấn mạnh.
Những con đường mới, sẽ giúp kết nối cuộc sống, và mở ra những cơ hội mới cho phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội ở huyện Thạnh Phú. Với sự thay đổi này, người dân nơi đây hy vọng vào cuộc sống đầy đủ và ấm no.
Trong năm 2024, tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của tỉnh Bến Tre là trên 1.180 tỷ đồng. Các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả. Hầu hết, các dự án hỗ trợ thuộc chương trình đã chuyển kinh phí cho các huyện, thành phố. Đánh giá mức độ giải ngân từ 50% đến gần 90%. Riêng tiểu dự án về cải thiện dinh dưỡng, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình… giải ngân đạt gần 10 – 30%. Dự kiến đến cuối năm các dự án giải ngân đạt 100%.
Dưới đây là list các sản phẩm ghế gỗ decor. Quý khách hàng cần tìm hiểu thêm mẫu tham khảo trực tiếp ở đây: https://hungiota.com/ghe-go-decor/