Bệnh nhân bất ngờ về chi phí ghép tế bào gốc điều trị bệnh máu ác tính

Tháng mười 17, 2024

Bệnh nhân bất ngờ về chi phí ghép tế bào gốc điều trị bệnh máu ác tính

Nhiều người bệnh có cơ hội được ghép tế bào gốc

Hội thảo khoa học chuyên ngành Huyết học – truyền máu được Trung tâm Huyết học và truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tổ chức hôm nay 17.10, đánh dấu 20 năm thành lập trung tâm. Tại hội thảo, các báo cáo chia sẻ kết quả về nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc và triển vọng ứng dụng liệu pháp gen trong điều trị bệnh lý huyết học.

Bệnh nhân bất ngờ về chi phí ghép tế bào gốc điều trị bệnh máu ác tính- Ảnh 1.

Trung tâm Huyết học và truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai sẽ tham gia nghiên cứu ứng dụng liệu pháp tế bào trong điều trị

ẢNH: TƯ LIỆU HỘI THẢO

Tại hội thảo, PGS -TS – bác sĩ Nguyễn Tuấn Tùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Huyết học và truyền máu, cho biết sau 12 năm thực hiện ca ghép tế bào gốc điều trị bệnh máu ác tính, 125 bệnh nhân tại trung tâm đã được điều trị bằng phương pháp này, với tỷ lệ thành công cao.

Ghép tế bào gốc triển khai tại Bệnh viện Bạch Mai từ năm 2012, khi trong nước chưa được nhiều cơ sở áp dụng, mà nhu cầu được điều trị bằng bằng phương pháp này rất lớn. Thời điểm năm 2009 – 2010, bệnh nhân trong nước đã phải chi 8 tỉ đồng để ra nước ngoài ghép tế bào gốc trị bệnh máu ác tính.

Tại Trung tâm Huyết học – truyền máu, quy trình ghép đã nhuần nhuyễn và điều trị thường quy. Đến nay, các phương pháp ghép hiện đại nhất trên thế giới đều được áp dụng tại trung tâm, bao gồm ghép 2 lần liên tiếp, ghép đồng loại, ghép tự thân…

Nhiều bệnh nhân được ghép đã trở lại cuộc sống bình thường với chất lượng tốt, học tập, làm việc bình thường; nhiều bệnh nhân được ghép tế bào gốc từ những ngày đầu trung tâm triển khai đến nay vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Một trong các bệnh nhân được ghép tế bào gốc từ hơn 10 năm trước là nam bệnh nhân 21 tuổi. Sau ghép, bệnh nhân có sức khỏe tốt, kết hôn và sinh con khỏe mạnh.

Theo PGS Tùng, ghép tế bào gốc trong nước không chỉ là phương pháp điều trị, mà giúp người bệnh Việt Nam được điều trị bằng kỹ thuật cao, với chi phí rất thấp. Có bệnh nhân ghép tế bào gốc chỉ chi trả 41 triệu đồng, sau khi đã được bảo hiểm y tế thanh toán. Chi phí thấp khiến nhiều người bệnh bất ngờ. Trong khi đó, giá thành tại nước ngoài hiện từ 2,5 – 6 tỉ đồng/ca, tùy quốc gia.

Liệu pháp gen trong điều trị bệnh

Vẫn theo PGS Tùng, bệnh lý huyết học là một nhóm các rối loạn ảnh hưởng đến máu, tủy xương, hệ thống tạo máu và các cơ quan liên quan như lách và hệ bạch huyết, được phân thành 2 nhóm chính là bệnh lành tính và bệnh ác tính.

Bệnh lý huyết học có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có yếu tố di truyền (nhiều bệnh lý như thalassemia, hemophilia, do các đột biến gen di truyền từ cha mẹ sang con).

Bệnh cũng có tác nhân môi trường, trong đó phơi nhiễm với hóa chất độc hại, bức xạ… có thể dẫn đến các bệnh như bạch cầu hoặc các bệnh lý ung thư khác.

Một số bệnh lý huyết học có liên quan đến các nhiễm trùng mãn tính hoặc nhiễm virus như virus Epstein-Barr (EBV), liên quan đến u lympho.

PGS Tùng cho rằng, liệu pháp gen là một bước tiến vượt bậc trong y học hiện đại nhằm thay đổi hoặc điều chỉnh vật liệu di truyền (DNA hoặc RNA) bên trong cơ thể để điều trị hoặc ngăn ngừa bệnh tật.

Đây là phương pháp điều trị mới cho các bệnh lý phức tạp, đặc biệt là các bệnh di truyền, ung thư và rối loạn miễn dịch. Khả năng điều trị dài hạn với một số phương pháp tích hợp gen vào bộ gen của tế bào. Các thay đổi có thể kéo dài suốt đời, giúp giảm thiểu sự cần thiết của việc điều trị liên tục.

Trung tâm Huyết học và truyền máu đang chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, trang thiết bị triển khai nghiên cứu ứng dụng liệu pháp gen trong điều trị bệnh huyết học.

Trung tâm Huyết học và truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai hiện có quy mô 130 giường bệnh, nhân lực chất lượng cao, triển khai nhiều kỹ thuật xét nghiệm hiện đại, các phương pháp chẩn đoán điều trị tiên tiến hàng đầu trong nước và khu vực mà chỉ một số ít trung tâm trong nước thực hiện được.

Bệnh nhân bất ngờ về chi phí ghép tế bào gốc điều trị bệnh máu ác tính- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (thứ hai từ phải qua) chúc mừng Trung tâm Huyết học và truyền máu đã đạt nhiều thành quả trong điều trị và thực hiện các xét nghiệm hiện đại, chuyên sâu

ẢNH: THẾ ANH

Trung tâm đã đạt và duy trì chứng nhận ISO 15189 trong toàn bộ hệ thống xét nghiệm; tổ chức xét nghiệm và cấp phát máu phục vụ công tác điều trị, nhiều năm qua không để tình trạng thiếu máu.

Huyết học và truyền máu là một trong những chuyên ngành khó, bệnh lý nặng và phức tạp nhưng luôn có những cơ hội tốt để trở thành tiên phong trong việc triển khai áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật.

Trung tâm Huyết học và truyền máu sẽ sớm phát triển ứng dụng các kỹ thuật cao, chuyên sâu, tiếp cận với dịch vụ các nước phát triển trên thế giới: sử dụng liệu pháp tế bào trị liệu, các thuốc nhắm đích mới, ghép tế bào gốc điều trị các bệnh lý tự miễn; triển khai các kỹ thuật xét nghiệm di truyền, sinh học phân tử chuyên sâu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xét nghiệm huyết học…