Bệnh viện đa khoa Nam Định 18 năm chưa hoàn thành
Bệnh viện đa khoa Nam Định 18 năm chưa hoàn thành
Liên tiếp tăng vốn
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, năm 2006, tại Quyết định 577, UBND tỉnh Nam Định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định (trụ sở tại P.Lộc Hạ, TP.Nam Định). Bệnh viện do UBND tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư, có quy mô cấp vùng nhằm giảm tải khám, chữa bệnh cho bệnh viện tuyến trên; đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tỉnh Nam Định và các tỉnh lân cận.
Dự án dự kiến cũng góp phần bảo vệ môi trường phát triển bền vững, góp phần quan trọng cho bộ mặt đô thị Nam Định phát triển thành trung tâm vùng đồng bằng nam sông Hồng.
Với quy mô với 700 giường, 1.050 cán bộ nhân viên làm việc, dự án có tổng diện tích 92.793 m2, mức đầu tư 598,516 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn nhà nước và vốn ODA. Dự kiến đến năm 2010 sẽ hoàn thành.
Tuy nhiên, đến năm 2009, vì lý do thời gian thực hiện dự án dài, giá nguyên, nhiên vật liệu có nhiều thay đổi, Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình trọng điểm tỉnh Nam Định và Sở KH-ĐT tỉnh đã có tờ trình nên UBND tỉnh Nam Định sau đó đã ra Quyết định 2739 phê duyệt điều chỉnh dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa quy mô 700 giường tỉnh Nam Định với số tiền đầu tư tăng từ 598,516 tỉ đồng lên 850,814 tỉ đồng; thời gian hoàn thành dự án năm 2015.
Tiếp đó, do quá trình thực hiện dự án xuất hiện yếu tố cần thiết phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, phát huy hiệu quả đầu tư nên ngày 5.10.2016, UBND tỉnh Nam Định ra Quyết định số 2212 phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và thời gian thi công gói thầu xây dựng nhà đại thể tang lễ, nhà truyền nhiễm… Theo quyết định này, thời gian hoàn thành dự án là năm 2020.
Đến tháng 9.2020, UBND tỉnh lại ra Quyết định số 2170 về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định (trên cơ sở điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa quy mô 700 giường tỉnh Nam Định cũ). Ông Trần Duy Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định, giải thích: “Theo quy hoạch của toàn ngành y tế, ban đầu đây là dự án cấp vùng, nhưng không hiểu lý do vì sao, sau đó, hàng loạt bệnh viện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 (tại Hà Nam) được xây dựng. Các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình cũng có thêm những bệnh viện mới. Do đó, dự án này bị điều chỉnh từ bệnh viện cấp vùng thành bệnh viện cấp tỉnh. Tuy có thay đổi về quy mô bệnh viện nhưng công năng các phòng không có nhiều thay đổi”.
Cùng với thay đổi trên, tổng mức đầu tư được nâng từ 850,814 tỉ đồng lên 1.467,322 tỉ đồng (tăng 616,5 tỉ đồng), dự kiến hoàn thành dự án vào năm 2025.
Chưa hết, do biến động giá vật liệu, nhiên liệu, giá nhân công, quy chuẩn áp dụng đối với một số hạng mục công trình, ngày 14.3.2024, UBND tỉnh Nam Định tiếp tục ra Quyết định số 492, phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định. Theo quyết định phê duyệt lần này, lần nữa, tổng mức đầu tư dự án lại điều chỉnh tăng, từ 1.467,322 tỉ đồng lên 1.755,237 tỉ đồng.
Lý giải số tiền đầu tư liên tục tăng trong nhiều năm, ông Trần Duy Tuấn cho biết, ngoài giá vật liệu tăng cao, hệ thống quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy khiến số tiền tăng lên đến hàng trăm tỉ đồng, việc nhập khẩu hệ thống thang máy 100% từ nước ngoài khiến kinh phí bị đội lên đến vài chục tỉ đồng… Cạnh đó, việc sắp xếp các thiết bị khu vực trần, các hệ thống như điện lạnh, điều hòa, phòng cháy… cũng dẫn đến chi phí tăng thêm. Tổng số hạng mục bị xuống cấp phải đập bỏ ước tính dưới 15 tỉ đồng.
“Chúng tôi đang phấn đấu đến quý 2/2025 sẽ bàn giao dự án. Tỉnh Nam Định cam kết sẽ bố trí đủ nguồn vốn để đưa dự án cán đích đúng thời hạn”, ông Tuấn nói.
Bệnh viện đa khoa hạng I nhưng “khuyết” khu xạ trị
Tuy nhiên, dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa 700 giường tỉnh Nam Định đi vào hoạt động sẽ khuyết khu xạ trị. Thay vào đó, khu xạ trị cũ hiện cách bệnh viện khoảng 10 km, dẫn đến tình trạng “bệnh viện một nơi, khu xạ trị một nẻo”. Việc này khiến dư luận đặt ra câu hỏi về hiệu quả trong công tác khám chữa bệnh.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Huy Đoàn, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Nam Định, khẳng định bệnh viện và khu xạ trị ở cách xa nhau không gây ra quá nhiều bất tiện cho người bệnh.
Ông Đoàn phân tích: “Có 3 phương pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư gồm: xạ trị, phẫu thuật và dùng hóa chất. Phẫu thuật sẽ được thực hiện tại bệnh viện, hai phương pháp còn lại được triển khai tại khu xạ trị. Tuy nhiên, 3 phương pháp này không được áp dụng cùng một lúc mà điều trị theo từng đợt riêng biệt. Do đó, không quá gây bất tiện cho người bệnh. Ngoài ra, trong quá trình xạ trị sẽ có trường hợp cần phải chiếu, chụp lại. Việc này có thể sẽ gây phiền hà cho người bệnh phải di chuyển tại hai nơi, nhưng tình huống ấy là hãn hữu”.
Lý giải vì sao chưa thể xây dựng thêm khu xạ trị tại cơ sở mới, ông Trần Huy Đoàn cho biết, trong đề án trước đây không có khu xạ trị. Việc bổ sung thêm một công trình lớn trong một đề án phải xem xét rất nhiều yếu tố.
“Mặc dù kinh phí xây dựng khu xạ trị không đòi hỏi quá lớn nhưng nguyên tắc khi lập dự án phải trải qua rất nhiều bước. Dự án trước đó không có hạng mục xây dựng khu xạ trị. Do đó, chúng ta không thể tùy tiện bổ sung”, ông Đoàn nói.
Bạn đang đọc Bệnh viện đa khoa Nam Định 18 năm chưa hoàn thành tại website hungday.com
Anh chị chuẩn bị mở thẩm mỹ viện hay có người quen làm spa thì giới thiệu giúp em trang Giường spa giá rẻ này với nhé. Xin cảm ơn.