Bình Định xưa ‘mắt thấy tai nghe’: Thành cổ Chà Bàn
Bình Định xưa ‘mắt thấy tai nghe’: Thành cổ Chà Bàn
Con đường men theo vòng thành ngoài vài trăm mét rồi đâm vào chính giữa mặt thành phía đông. Một con đường chạy phía trên các cống làm bằng đá hoa cương đã xuống cấp vì mưa gió và chân trâu bò, băng qua cánh đồng lúa trải giữa hai vòng thành và dẫn đến gò đất sừng sững tòa thành phía trên.
Những bờ dốc lớn bọc lấy những con hào rộng mà nay chỉ còn lại vài đoạn, bao quanh tường lũy dày xây bằng những khối đá Biên Hòa. Đường bao ngoằn ngoèo bọc lấy gò đất chính, men theo lối khuất khúc của chân gò. Ở mỗi góc là một mô đất nhô ra ngoài tương ứng một mô đất phía trong, đây chắc hẳn là cách dựng một công sự lồi.
Chỉ hai mặt nam và đông là trổ cửa. Không gian rộng lớn nằm giữa những tường thành có chu vi lên tới 10 đến 12 cây số, bao gồm ba ngôi làng và ngày nay đã thuận tiện hơn với đường đi lối lại xuyên giữa hàng rào cây xanh và đây đó là tượng đài, đền thờ cùng cung điện.
Một ngọn tháp duy nhất, vuông vức, xây bằng gạch đỏ, vẫn đứng sừng sững; tháp dựng trên một mô đất nhỏ trung tâm, thanh mảnh, trang nhã, nổi bật với những góc bằng đá hoa cương trắng và đỉnh vòm trông như một chiếc mũ gắn đăng-ten.
Ở phía tây của gò đất, trên khoảng đất bằng là hai con voi đá dáng bộ tuyệt đẹp, một con đội vương miện và vòng cổ, chúng đối mặt nhau ở khoảng cách chừng 24 m, xưa kia chúng là thần hộ vệ uy nghiêm của hoàng gia, ngày nay chúng đứng trơ trọi lạc lõng trong một ruộng đậu phộng; ở chỗ khác, gần một ngôi mộ An Nam là đế của một tượng đài đã biến mất, hai con vật tuyệt vời cũng do bàn tay tài hoa của một nghệ nhân tạo tác, và cuối cùng, trong khu vườn là một ngôi chùa ngày nay đã dùng để thờ Phật, những phế tích của phù điêu, tượng và linga như những chứng nhân cuối cùng của một nền văn minh lâu đời mà Marco Polo phải thán phục sự huy hoàng của nó […].
Vào đầu thế kỷ 15, thành có tên gọi là Chà Bàn, kinh đô và là đại lộ cuối cùng của vương quốc Chămpa trải dài cho tới tận Huế (Hóa châu).
Người dân của xứ này chăm chỉ cần cù, không ngại làm giàu; họ canh tác rất cẩn thận trên đất đai, họ khai thác các mỏ vàng và sắt, họ thường xuyên đưa thuyền đi buôn bán trên bờ biển An Nam…
Hai dân tộc này […] đại diện cho hai nền văn minh khác biệt không thể dung hòa… Xung đột là không thể tránh khỏi: giao binh kéo dài suốt 700 năm. Trận chiến cuối cùng diễn ra ở Chà Bàn vào cuối thế kỷ 15 đã chôn vùi cùng một lúc ngai vàng, tên tuổi và phần lớn di tích của nó.
Từ đó thành mang tên Qui Nhơn [quy tụ những hiền tài, con người nghĩa hiệp] và là thủ phủ của một tỉnh An Nam cho tới giữa thế kỷ 17 đã không còn được cai trị bởi một thủ lĩnh Chăm. Quan lại An Nam đã thay đổi triệt để quy hoạch của tòa thành cổ. Họ trang bị một vài khẩu thần công trên đỉnh bờ thành, họ đắp nền cao nhưng không có tường chống, không nơi trú ẩn.
Hai phiến đá hoa cương lớn bị bóc ra khỏi một di tích nào đó và bị ném xuống đất, dùng để cuốn thừng chão chống giật cho đại bác và để đưa nó lại bãi pháo. Cung điện của các vị vua xưa đã phải nhường chỗ cho những túp lều của người An Nam […].
Ấy vậy số phận của thành cổ Chà Bàn vẫn chưa kết thúc. Dưới tên gọi mới, 3 thế kỷ sau khi sụp đổ, nó vươn dậy và dường như sẵn sàng đòi lại danh hiệu của mình. Hoàng đế Tây Sơn là Nguyễn Nhạc đã đóng đô ở đây, cai quản vương quốc trải tới tận cùng biên giới của Bắc kỳ và Nam kỳ.
Thành kiên cường trải qua hai cuộc bao vây và năm cuộc đột kích. Cuối cùng, vào năm 1798, kinh đô này rơi vào tay Gia Long [Nguyễn Ánh] và bị ông đổi tên một lần nữa để diệt trừ sức mạnh bí hiểm của nó.
Đất nổi loạn không còn được gọi là Qui Nhơn (triều đại của đức hạnh) nữa; mà từ đó mang tên là Bình Định (đã dẹp yên). Nhưng nực cười thay cho tên gọi mới vì một lần nữa thành lại rơi vào tay nhà Tây Sơn. Với sức mạnh tăng gấp mười lần nhờ sự hiện diện của vô số sĩ quan Pháp trong quân đội, Gia Long vẫn không thể cứu được tướng sĩ, những người thà bước lên giàn hỏa thiêu [Võ Tánh] thay vì đầu hàng. Cuối cùng để vĩnh viễn tiêu diệt nó, Gia Long cầu viện quân Xiêm [nay là Thái Lan] và quân Cao Miên, nhưng trên hết là tận dụng nạn đói.
Thành trì đã bị xóa sổ trước khi bước qua thế kỷ 18. Gia Long đã tìm cách trừng phạt thành phố phiến loạn này mãi mãi. Ông cho xây một tòa thành mới gọi là Bình Định và tên đó vẫn còn đến ngày nay; còn thành Chà Bàn xưa vang bóng một thời, rồi đổi tên Qui Nhơn và Bình Định thì bị ruồng bỏ, phải chịu cảnh hoang tàn và lãng quên, không chút tên tuổi! (còn tiếp).
(Thư Nguyễn trích dịch từ tạp chí Excursions et reconnaissances năm 1886)
Bạn đang đọc Bình Định xưa ‘mắt thấy tai nghe’: Thành cổ Chà Bàn tại website hungday.com
Anh chị chuẩn bị mở thẩm mỹ viện hay có người quen làm spa thì giới thiệu giúp em trang Giường spa giá rẻ này với nhé. Xin cảm ơn.