Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Hà Nội phát triển đô thị đa cực, đa trung tâm với 5 vùng đô thị
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Hà Nội phát triển đô thị đa cực, đa trung tâm với 5 vùng đô thị
(Xây dựng) – Ngày 20/6, tại phiên Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung (QHC) Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã báo cáo, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến Đồ án điều chỉnh QHC Thủ đô Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã báo cáo, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến Đồ án điều chỉnh QHC Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Quốc hội) |
Thủ đô Hà Nội là thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Đồ án điều chỉnh QHC Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội lập; Bộ Xây dựng đã thẩm định vào tháng 4/2024; Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội báo cáo Đảng đoàn Quốc hội và Thành ủy Hà Nội báo cáo Bộ Chính trị vào tháng 5/2024.
Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị cũng như chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, tiếp thu và đã có báo cáo. Bộ Xây dựng cũng đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký tờ trình, trình Quốc hội để xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Đồ án QHC Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (Quy hoạch 1259).
Qua một thời gian thực hiện, Quy hoạch 1259 đã phát huy được hiệu quả và cũng như đóng góp tích cực vào sự phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Quy hoạch 1259 đã nảy sinh những bất cập. Để đáp ứng yêu cầu phát triển mới, tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô thì cần thiết phải điều chỉnh Đồ án QHC Thủ đô Hà Nội.
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, vị trí cũng như mối quan hệ liên kết, vai trò quan trọng của Thủ đô Hà Nội với định hướng chiến lược phát triển chung của cả nước, Đồ án điều chỉnh QHC Thủ đô Hà Nội xác định giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065.
Theo đó, với tầm nhìn quy hoạch đến năm 2065, Thành phố Hà Nội là thành phố văn hiến, văn minh, hiện đại và trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; Là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa, tiêu biểu cho cả nước; Có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. (Ảnh: Quốc hội) |
Thủ đô Hà Nội phát triển 5 vùng đô thị
Đề cập một số nội dung mới của Đồ án điều chỉnh QHC Thủ đô Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thứ nhất, định hướng phát triển, Đồ án điều chỉnh QHC được lập cùng với QHC Thủ đô Hà Nội, do đó tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời phù hợp với các quy hoạch cấp trên theo Luật Quy hoạch năm 2017.
Đồ án QHC điều chỉnh gắn với các chiến lược phát triển như hợp tác liên kết, phát triển văn hóa di sản, phát triển xanh, xác lập môi trường đáng sống, đô thị thông minh và bền vững, cũng như xác lập các cơ chế năng động và đặc thù cho Thủ đô.
Thứ hai, từ thực tế và qua rà soát, đánh giá, Đồ án điều chỉnh QHC dự báo phát triển phù hợp với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ ba, Đồ án điều chỉnh QHC kế thừa và điều chỉnh quy mô cấu trúc đô thị. Theo đó, cấu trúc đô thị là chùm đô thị đa cực, đa trung tâm, với 5 vùng đô thị. Đó là vùng đô thị trung tâm; vùng đô thị phía Đông; vùng đô thị phía Bắc; vùng đô thị phía Tây; vùng đô thị phía Nam. Hệ thống các đô thị này phân cách bằng các hành lang xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, giao thông hướng tâm.
Thứ tư, trong Đồ án điều chỉnh QHC, Hà Nội đặt vấn đề kiểm soát phát triển không gian đô thị và nông thôn; Xây dựng hình thái quy hoạch kiến trúc đặc trưng cho Thủ đô Hà Nội tại khu vực đô thị, nông thôn; Kiểm soát chặt chẽ quy hoạch về chiều cao công trình, mật độ xây dựng của từng khu vực, đặc biệt là khu vực nội đô; Lựa chọn các chỉ tiêu sử dụng đất, sử dụng không gian, hạ tầng kỹ thuật… Yêu cầu phát triển trong khu vực chức năng đặc thù cũng được làm rõ trong Đồ án điều chỉnh QHC.
Thứ năm, Đồ án điều chỉnh QHC Thủ đô Hà Nội bổ sung các giải pháp quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật xanh và thông minh để phù hợp với định hướng phát triển của Thủ đô và phù hợp với định hướng phát triển trong các quy hoạch ngành quốc gia đã xác định cho từng giai đoạn. Điều chỉnh QHC đảm bảo kết nối hạ tầng vùng, phát triển giao thông công cộng thông minh, phát triển hạ tầng kỹ thuật khác…
Thứ sáu, đối với khu vực nội đô, khu vực đô thị hiện trạng, làng xóm được đô thị hóa, Đồ án điều chỉnh QHC tập trung cho công tác cải tạo, tái thiết đô thị và nông thôn; quan tâm đến cải tạo khu vực nội đô, cải tạo các khu dân cư, các khu chung cư cũ…
Đồ án điều chỉnh QHC quan tâm công tác cải tạo, tái thiết đô thị và nông thôn. (Ảnh minh họa) |
Sông Hồng là trục không gian, biểu tượng phát triển của Thủ đô
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, bên cạnh 6 điểm mới nói trên, nội dung Đồ án điều chỉnh QHC cũng đã xác định rõ các chương trình, dự án trọng tâm, đột phá.
Đồ án tập trung làm rõ mối liên hệ, vai trò, vị trí mỗi liên kết vùng của Hà Nội để chia sẻ chức năng của Thủ đô Hà Nội đối với các địa phương trong vùng, đảm bảo khai thác tối đa, hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của Thủ đô Hà Nội cũng như các địa phương trong vùng.
Liên quan đến nội dung phát triển đô thị theo mô hình TOD, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đây là điểm mới. Đồ án điều chỉnh QHC tập trung thực hiện cải tạo, tái thiết đô thị, xây dựng đô thị, chỉnh trang đô thị, khai thác hạ tầng giao thông công cộng; xác định đầu tư tập trung như định hướng quy hoạch; Xác định sông Hồng là trục không gian, biểu tượng phát triển của Thủ đô.
Về hạ tầng, để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, trong Đồ án điều chỉnh QHC đã xác định phát triển cảng hàng không thứ 2 trong vùng Thủ đô, xác định hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật phục vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong thời gian, giai đoạn sắp tới.
Phát triển xanh, chuyển đổi xanh, giảm thiểu các nguồn ô nhiễm
Đồ án điều chỉnh QHC cũng đề cập nội dung cải thiện môi trường cho Thủ đô Hà Nội, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, tổng thể để khắc phục ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước và các vấn đề ô nhiễm môi trường khác ở Thủ đô, bằng việc thực hiện đồng bộ giải pháp phát triển xanh, chuyển đổi xanh. Giảm thiểu các nguồn ô nhiễm như chuyển đổi hình thức giao thông công cộng, chuyển đổi công nghệ sản xuất, đầu tư công nghệ xử lý rác thải, nước thải cho Thủ đô theo từng giai đoạn…
Trong quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đồ án tập trung xác định rõ để khắc phục những điểm nghẽn, đảm bảo yếu tố phát triển bền vững cho Thủ đô trong thời gian tới.
Đối với quy hoạch không gian ngầm, Bộ trưởng cho biết, Luật Quy hoạch đô thị đã quy định nội dung này. Nhưng hiện nay chỉ có Thủ đô Hà Nội triển khai lập quy hoạch không gian ngầm cho một số khu vực đô thị. Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, khai thác hiệu quả không gian, nguồn lực đất đai, thì quy hoạch không gian ngầm Thủ đô sẽ tiếp tục được tập trung cụ thể hóa trong quy hoạch lần này.
Làm rõ sự khác biệt giữa Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh QHC
Trả lời một ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ hơn về mặt thời hạn và thời gian, để đảm bảo đồng bộ giữa QHC Thủ đô với Quy hoạch Thủ đô, Bộ trưởng cho biết, theo quy định của Luật Quy hoạch 2017, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, thì thời kỳ quy hoạch theo Luật Quy hoạch 2017 được xác định để làm cơ sở dự báo, tính toán các chỉ tiêu kinh tế – xã hội cho việc lập quy hoạch theo từng thập kỷ và xác định nguồn lực, khả năng thực hiện quy hoạch.
Đối với QHC Thủ đô, thời hạn quy hoạch xác định từ thời điểm lập quy hoạch để làm cơ sở và dự báo, tính toán các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật.
Quy hoạch Thủ đô xác định chỉ tiêu kinh tế – xã hội, còn QHC thì xác định chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cho việc lập quy hoạch. Thời hạn theo Luật Quy hoạch đô thị 2009 thì được xác định từ 20 đến 25 năm để đảm bảo tính dự báo, tầm nhìn, khả năng để thực hiện quy hoạch.
“Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn trình Quốc hội sửa đổi lần này, chúng tôi đã báo cáo và giải trình rõ các ý kiến này. Tiếp tục tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ nghiên cứu và có điều chỉnh thể hiện cho phù hợp” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.
Sau cùng, Bộ trưởng cho biết, sau lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng cùng với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ có báo cáo nghiên cứu, tiếp thu tất cả ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, của Quốc hội để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định.
“Nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ cụ thể hóa bằng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để tiến hành triển khai thực hiện QHC Thủ đô Hà Nội” – Bộ trưởng cho biết.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com