Bộ Xây dựng công bố Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tháng mười 3, 2024

Bộ Xây dựng công bố Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

(Xây dựng) – Ngày 3/10, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cung cấp thông tin, dữ liệu quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn theo thẩm quyền và quy định.

Bộ Xây dựng công bố Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Quy hoạch ngành quốc gia quan trọng

Phát biểu đề dẫn Hội nghị, ông Lê Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết: Bộ Xây dựng được Thủ tướng Chính phủ giao tổ chức lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là 1 trong 39 quy hoạch ngành quốc gia được định hướng bởi các quy hoạch quốc gia và song song tích hợp với các quy hoạch ngành khác như quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Quy hoạch hệ thống đô thị nông thôn đã cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia về hệ thống đô thị và nông thôn trên cơ sở kết nối các ngành, các vùng có liên quan. Trong quá trình triển khai tổ chức nghiên cứu lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng đã phối hợp chặt chẽ, liên kết, tích hợp, tổng hợp các ý kiến góp ý từ các Bộ ngành, các địa phương, các cơ quan liên quan.

Quy hoạch hệ thống đô thị nông thôn đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến làm việc trực tiếp, gửi văn bản tổng hợp ý kiến, tổ chức chuỗi Hội thảo tham vấn 3 miền Bắc, Trung, Nam. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã thực hiện khảo sát, trao đổi làm việc trực tiếp và tham gia đóng góp ý kiến đối với các phương án phát triển đô thị của các địa phương trên toàn quốc và tham vấn ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước, các hội, Hiệp hội.

Bộ Xây dựng công bố Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ông Lê Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng).

Đến ngày 24/11/2023, Hội đồng thẩm định do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà là Chủ tịch Hội đồng đã tổ chức phiên họp thẩm định Quy hoạch này. Bộ Xây dựng đã nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch theo ý kiến của Hội đồng thẩm định. Ngày 22/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 891/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Hội nghị, bà Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) đã trình bày báo cáo tóm tắt các nội dung chính của Quy hoạch; Làm rõ vị trí vai trò của Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn trong tổng thể Quy hoạch quốc gia; Trình bày các mục tiêu, chỉ tiêu và các định hướng chính của Quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về mục tiêu, Quy hoạch nhằm đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển, sắp xếp, phân bố hệ thống đô thị và nông thôn thống nhất, hiệu quả, toàn diện, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại phù hợp với điều kiện phát triển, có môi trường sống lành mạnh, có khả năng chống chịu, thích ứng nước biển dâng, biến đổi khí hậu, thân thiện môi trường và giảm phát thải.

Phát triển bền vững hệ thống đô thị theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực có kiến trúc hiện đại, xanh, bản sắc. Phát triển các đô thị là “trung tâm” chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, đầu mối giao thông, thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế – xã hội, làm động lực phát triển kinh tế các vùng đô thị tạo hiệu ứng “tích tụ”, “kết nối” và “liên kết” chặt chẽ với nông thôn tại các vùng trên địa bàn cả nước; tăng cường hợp tác quốc tế. Chất lượng sống tại các đô thị ở mức cao.

Phát triển nông thôn toàn diện, bền vững gắn với phát triển đô thị, đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của từng vùng miền; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Phát triển kinh tế, xã hội nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Đồng thời Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn đã xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và nguồn lực thực hiện; các chương trình dự án quan trọng quốc gia, lộ trình thực hiện; các chỉ tiêu, định hướng phát triển đô thị, nông thôn thời kỳ đến năm 2030.

Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 85%

Về chỉ tiêu Quy hoạch, tỷ lệ đô thị hoá năm 2030 đạt trên 50%, năm 2050 đạt 70%; số lượng đô thị toàn quốc khoảng 1.000 – 1.200 đô thị. Hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể dục thể thao, có thu nhập tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 85%.

Bộ Xây dựng công bố Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Bà Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) đã trình bày báo cáo tóm tắt các nội dung chính của Quy hoạch.

Quy hoạch định hướng tổ chức không gian hệ thống đô thị, trong đó xác định khung định hướng phát triển không gian hệ thống đô thị; xác định các vùng đô thị lớn; hệ thống đô thị trung tâm cấp quốc gia (đô thị loại Đặc biệt và loại I); hệ thống đô thị trung tâm cấp vùng; hệ thống đô thị trung tâm cấp tỉnh, huyện; xác định chuỗi, chùm đô thị và các đô thị trung tâm chuyên ngành cấp quốc gia, cấp vùng. Phát triển hệ thống đô thị vùng biên giới, ven biển, trên các đảo gắn với chiến lược phát tiển kinh tế biển, bảo vệ quốc phòng an ninh.

Định hướng phát triển quy hoạch hệ thống nông thôn, trong đó định hướng phát triển nông thôn; định hướng xây dựng phát triển vùng huyện và xã nông thôn; tổ chức hệ thống khu dân cư nông thôn theo các vùng sinh thái nông nghiệp; vùng nông thôn ven đô.

Bên cạnh đó là định hướng tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật, định hướng kiến trúc, cảnh quan đô thị, nông thôn; định hướng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; định hướng liên kết đô thị, nông thôn; định hướng sử dụng đất đô thị, nông thôn.

Sẽ định kỳ tổ chức đánh giá việc thực hiện Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh: Để tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định 891/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, huy động nguồn lực, tập trung triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm.

Bộ Xây dựng sẽ tổ chức tuyên truyền phổ biến và cung cấp đầy đủ nội dung quy hoạch đến các tổ chức, cá nhân để tham gia giám sát việc thực hiện Quy hoạch. Chủ động tổ chức nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế chính sách, thể chế, quy định pháp luật về quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn.

Bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chương trình quốc gia về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng đô thị và các đề án, chương trình trọng điểm khác có liên quan; đồng thời định kỳ, tổ chức đánh giá việc thực hiện Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ định theo quy định.

Bộ Xây dựng công bố Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Toàn cảnh Hội nghị.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tiếp tục triển khai các Nghị quyết, quy hoạch, chương trình về nông thôn mới, thực hiện các biện pháp để phát triển hệ thống nông thôn theo định hướng của Quy hoạch.

Các Bộ, ngành có liên quan phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, đào tạo, tăng cường nguồn nhân lực, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào mục đích xây dựng hệ thống đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan xây dựng các chương trình, kế hoạch, ưu tiên bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư để tổ chức thực hiện Quy hoạch theo các định hướng đã được phê duyệt; nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị.

Tổ chức thực hiện các dự án đầu tư, thúc đẩy hợp tác đầu tư, hình thành mạng lưới đô thị, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, triển khai các dự án nâng cấp, phát triển đô thị, các dự án phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu, đô thị thông minh trên địa bàn.

Đồng thời xây dựng kế hoạch, chủ động phân bổ ngân sách địa phương hằng năm và trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, đồng thời huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án thuộc Quy hoạch theo quy định của pháp luật.

Chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách phát triển đô thị, nông thôn, trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đề ra tại Quy hoạch.