Cà Mau: Dự án xử lý nước thải gần 20 năm vẫn ‘nằm’ chờ
Cà Mau: Dự án xử lý nước thải gần 20 năm vẫn ‘nằm’ chờ
Ngày 29.7, tin từ Sở KH-ĐT Cà Mau, Đại sứ quán Italia tại Hà Nội vừa có công hàm gửi Bộ Tài chính đề nghị sắp xếp cuộc họp để trao đổi về việc tiếp tục sử dụng vốn ODA của Italia để thực hiện dự án (DA) cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Cà Mau.
Cà Mau đề nghị tiếp tục được sử dụng nguồn vốn ODA của Italia
DA cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Cà Mau thuộc danh mục các DA sử dụng vốn ODA Italia, được Chính phủ phê duyệt ngày 19.10.2005. Sau đó, phê duyệt điều chỉnh vào tháng 12.8.2015 và phê duyệt điều chỉnh một số nội dung chủ trương đầu tư tại Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 8.4.2020.
Đến ngày 10.7.2009, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi DA; sau đó phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi DA vào năm 2015 và 2020 với tổng vốn đầu tư gần 568 tỉ đồng (vốn ODA hơn 343 tỉ đồng, vốn đối ứng hơn 224,5 tỉ đồng). Thời gian thực hiện đến hết tháng 9.2023.
Theo lãnh đạo Sở KH-ĐT Cà Mau, ngày 20.6 vừa qua, UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành liên quan đã làm việc với Văn phòng cơ quan hợp tác Phát triển Italia tại Hà Nội về DA trên. Tại buổi làm việc, Cà Mau đề nghị cơ quan này hỗ trợ làm việc với các bộ, ngành T.Ư theo hướng tiếp tục thực hiện DA từ nguồn vốn ODA của Italia.
Đến ngày 3.7, Đại sứ quán Italia tại Hà Nội có công hàm gửi Bộ Tài chính đề nghị sắp xếp cuộc họp để trao đổi về việc tiếp tục sử dụng vốn ODA của Italia để thực hiện DA.
“Sau khi có ý kiến chính thức của Bộ Tài chính và Đại sứ quán Italia tại Hà Nội về DA cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Cà Mau, chúng tôi sẽ thông tin”, đại diện Sở KH-ĐT Cà Mau cho biết.
Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán chưa được phê duyệt
Sở KH-ĐT Cà Mau thừa nhận, việc triển khai DA thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Đến nay, DA mới thực hiện được một số công việc như quy hoạch chi tiết xây dựng, tỷ lệ 1/500; báo cáo đánh giá tác động môi trường; thiết kế bản vẽ thi công hạng mục điện; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu điều chỉnh, bổ sung; lập hồ sơ mời thầu gói thầu quốc tế; thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán… với chi phí đã giải ngân khoảng 36,4 tỉ đồng.
Trong khi đó, DA đã được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh DA đầu tư nhiều lần, thời gian kéo dài nhưng đến nay hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán chưa được phê duyệt. Nguyên nhân chủ yếu do phương án tuyến ống thu gom nước thải trên quốc lộ 63 chưa được Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận. Ngoài ra, nhiều gói thầu phải lựa chọn đơn vị tư vấn nước ngoài dẫn đến tăng chi phí đầu tư của DA; bị ràng buộc về điều kiện sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi ODA; thay đổi cơ cấu nguồn vốn (giảm vốn vay ODA, tăng vốn trong nước)…
Như Thanh Niên đã thông tin, trước đó, Sở KH-ĐT có ý kiến về phương án dừng thực hiện DA (không tiếp tục sử dụng vốn vay từ nguồn vốn ODA của Italia) để phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời phù hợp với ý kiến của Bộ Tài chính tại Công văn số 10382/BTC-QLN ngày 28/9/2023 đề nghị UBND tỉnh Cà Mau chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện, không tiếp tục sử dụng vốn vay theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Quyết định số 480/QĐ-TTg.
Bạn đang đọc Cà Mau: Dự án xử lý nước thải gần 20 năm vẫn ‘nằm’ chờ tại website hungday.com