Các bệnh dễ mắc khi bơi lội và biện pháp phòng tránh
Khi bơi, nếu không đảm bảo các điều kiện an toàn sẽ dễ mắc bệnh về tai mũi họng do uống phải nước hoặc sặc nước hồ bơi đưa vi trùng vào mũi, họng, xoang, đặc biệt vi trùng não mô cầu.
Các bệnh dễ mắc khi bơi lội
Theo bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM, bơi lội có nhiều tác dụng rất tốt lên các cơ quan hô hấp, tim mạch, khớp, cơ, béo phì. Mỗi giờ bơi đều đặn tiêu thụ khoảng 800 kcal. Nhiều nghiên cứu cho thấy bơi khoảng 30 đến 60 phút mỗi ngày, từ 3 đến 4 ngày trong một tuần có thể giảm nguy cơ đột quỵ, tim mạch, tiểu đường, tăng cholesterol máu và tăng huyết áp.
Ảnh: News.
Tuy nhiên bác sĩ cũng khuyến cáo một số bệnh có thể gặp khi bơi lội như:
1. Da liễu: Do lây nhiễm từ những người mắc bệnh bơi cùng, do nguồn nước có hàm lượng clo cao hoặc ánh sáng mặt trời quá mạnh gây tổn thương da, tóc. Một sốt bệnh gây viêm nhiễm cơ quan sinh dục thông qua tăm nước hồ bơi được ghi nhận như lậu, viêm nhiễm cơ quan sinh dục…
2. Bệnh tai mũi họng: Do uống phải nước hoặc sặc nước hồ bơi đưa vi trùng vào mũi, họng, xoang. Đặc biệt, nhiễm vi trùng não mô cầu có thể diễn tiến tử vong rất nhanh do nhiễm trùng huyết.
3. Mắt: Bệnh viêm kết mạc mắt rất dễ xảy ra khi đi bơi. Viêm kết mạc (hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ) là loại bệnh thường xảy ra vào mùa xuân hè, có thể lây lan thành dịch nếu không chú ý phòng tránh. Khi bị viêm kết mạc, bạn có thể gặp phải một số triệu chứng sau:
- Chảy nhiều nước mắt.
- Nổi mẩn đỏ, ngứa và sưng mắt.
- Đau mắt, có cảm giác cộm mắt, khó chịu.
- Nhạy cảm với ánh sáng.
- Chảy dịch màu trắng.
- Có gỉ mắt màu vàng hoặc màu xanh lục từ mắt.
- Đột ngột bị mờ mắt.
4. Các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là tiêu chảy. Thủ phạm gây ra các vấn đề tiêu hóa khi đi bơi thường là loại ký sinh trùng như cryptosporidium hoặc girardia. Bạn cũng có thể tiếp xúc vi khuẩn E. coli hoặc shigella. Để bảo vệ bản thân, đừng nuốt nước khi bơi. Để bảo vệ mọi người, bạn không nên đi bơi nếu bị tiêu chảy.
5. Ngạt nước do trẻ bơi chưa quen hoặc không được người lớn giám sát chặt chẽ nên dễ bị ngạt nước.
6. Nhiễm trùng tai: Khi bạn bơi lội, việc nước tràn vào khoang tai mũi họng là điều rất bình thường. Mặc dù điều đó chỉ là tạm thời và nước tự chảy ra ngoài, tình trạng khó chịu có thể phát sinh khi nước bị mắc kẹt trong ống tai. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn và một số loại nấm phát triển ở những nơi ẩm ướt. Những bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có thể tự khỏi nhưng lại gây sưng tấy, đau và ngứa khủng khiếp. Nó cũng phổ biến ở trẻ em hơn người lớn. Do đó, việc đề phòng khi bơi là rất quan trọng. Bạn cũng có thể làm sạch và lau khô tai sau khi bơi bằng khăn hoặc thổi máy sấy khí ở nhiệt độ thấp.
7. Bệnh Legionnaires: Bạn có thể mắc loại bệnh viêm phổi này, còn được gọi là bệnh legionellosis, nếu bạn hít phải vi khuẩn có tên là legionella. Vi khuẩn này có thể phát triển mạnh trong hồ nước nóng không đủ sạch và bạn hít phải nó qua sương mù hoặc hơi nước.
8. Phát ban: Theo Webmd, ngâm mình lâu trong hồ nước nóng có thể khiến bạn bị ngứa, nổi nốt đỏ. Thủ phạm thường là vi trùng Pseudomonas aeruginosa. Thông thường, những bồn nước nóng khó giữ sạch nước hơn hồ bơi vì nhiệt độ cao phá vỡ các hóa chất như clo nhanh hơn. Điều đó tạo ra môi trường phát triển thuận lợi cho vi khuẩn. Vì vậy, điều bạn cần làm là luôn tắm bằng xà phòng ngay sau khi ngâm bồn nước nóng và giặt áo tắm sạch sẽ.
9. Nhiễm trùng hóa chất: Nếu bạn đỏ mắt, cổ họng bị kích thích hoặc ho sau khi bơi trong hồ bơi, điều đó có thể là do chloramines gây ra. Những chất này hình thành khi hóa chất dùng để khử trùng hồ bơi trộn lẫn với những thứ mà mọi người mang vào đó như nước tiểu, phân, mồ hôi và da chết. Vì vậy, việc tắm trước và sau khi bơi rất quan trọng để ngăn ngừa vấn đề này.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi đi bơi, phụ huynh cần lưu ý:
- 1. Nên đưa trẻ đi khám bác sĩ xem bé có những bệnh mạn tính, đặc biệt về hô hấp, tai mũi họng hoặc những bệnh có nguy cơ lây nhiễm khi đi bơi không.
- 2. Nên chọn hồ bơi không quá đông người, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh. Hãy quan sát chọn hồ bơi có nước trong nhìn thấy đáy, ít rong rêu hoặc lá cây, không có mùi vị lạ. Sau khi bơi xong nên để ý đến những phản ứng lạ trên da.
- 3. Nên chọn huấn luyện viên hướng dẫn bơi bài bản cho trẻ ngay từ đầu để tránh những thói quen sai có hại cho sức khỏe.
- 4. Trẻ dưới 5 tuổi, mỗi lần xuống nước không nên ngâm lâu quá 30 phút, trên 5 tuổi chỉ nên bơi dưới 60 phút.
- 5. Cha mẹ hoặc người hướng dẫn cần giám sát trẻ thường xuyên khi trẻ bơi nhằm phát hiện sớm tai nạn xảy ra.
- 6. Nên bơi những hồ không quá đông người. Nên chọn thời điểm nhiệt độ ngoài trời không quá cao.
- 7. Nên thoa kem chống nắng.
- 8. Không nên ăn no hoặc để bụng đói quá khi xuống hồ bơi.
- 9. Nên vận động từ 10 đến 15 phút trước khi xuống hồ bơi.
- 10. Đeo kính và nón bơi để hạn chế lây nhiễm bệnh.
- 11. Nên bơi trong thời lượng vừa sức, nhớ uống nước đầy đủ.
- 12. Khi lên bờ tắm rửa sạch sẽ ngay với xà bông, rửa mắt, mũi, tai với nước muối sinh lý vô trùng, lau khô tai, xúc miệng với nước muối.
- 13. Khi phát hiện dấu hiệu lạ sau khi bơi, nên đến khám bác sĩ.
- 14. Đeo kính bơi để giữ cho mắt tránh khỏi những hóa chất độc hại trong bể.
- 15. Sử dụng thuốc nhỏ mắt sau khi bơi để giữ cho màng mắt được cân bằng và ngăn ngừa nguy cơ viêm nhiễm.