Các CLB Việt Nam có muốn bung sức ở giải quốc tế?
Các CLB Việt Nam có muốn bung sức ở giải quốc tế?
MẠNH VÌ GẠO…
Mùa giải bóng đá chuyên nghiệp VN phải đến giữa tháng 9 mới khởi tranh, nhưng ngay từ thời điểm này, đã có những đội bóng chuẩn bị xuất trận. Đó là CLB Công an Hà Nội (CAHN) và CLB Thanh Hóa, khi hai đại diện V-League bắt đầu thi đấu các trận ASEAN Club Championship.
So với giải đấu tầm cỡ châu Á như AFC Champions League, sân chơi Đông Nam Á mà hai CLB VN chuẩn bị nhập cuộc được đánh giá vừa sức hơn. Ở cấp độ khu vực, chỉ có hai đội của Thái Lan gồm BG Pathum và Buriram United, bên cạnh Kuala Lumpur City (Malaysia, á quân AFC Cup) và Lion City Sailors của Singapore (từng dự AFC Champions League) là đối trọng đáng gờm với các đại diện V-League.
Tuy nhiên, khả năng tiến xa của CLB VN khi bước ra giải đấu quốc tế không chỉ liên quan đến chất lượng đối thủ, mà còn tùy thuộc vào độ “chịu chơi” của các đội. Tại sao trong khi các đội ở những nền bóng đá phát triển phải trầy trật tranh đấu để được dự giải châu lục, nhiều đội VN lại né tránh tham dự, hoặc nếu có dự thì cũng thi đấu hời hợt?
Lý do ở chỗ, các đội nước ngoài (tiêu biểu là ở châu Âu, hay Nhật Bản, Hàn Quốc) cần tham dự sân chơi châu lục để kiếm lời từ tiền vé, bản quyền truyền hình, khuếch trương thương hiệu, nâng tầm hình ảnh, mở rộng lực lượng CĐV, tăng doanh thu bán các sản phẩm liên quan đến CLB như áo đấu, vật phẩm lưu niệm. Doanh thu từ cúp châu lục là nguồn lực rất lớn (thậm chí mang tính sống còn) để nuôi CLB.
Tuy nhiên, nhiều đội VN không hoạt động như vậy, dù là V-League hay hạng nhất. Các CLB sống nhờ cơ chế xin – cho, thụ động chờ ông bầu hoặc địa phương rót tiền. Lợi ích từ bản quyền hình ảnh, kinh doanh… song hành cùng cúp châu Á không đáng kể với các đội bóng VN, so với chi phí bỏ ra để thi đấu như tiền vé máy bay, ăn ở, sinh hoạt và tập luyện. Khi các đội phải chắt bóp chi tiêu trong quỹ tiền của ông bầu hoặc ngân sách, thì vẫn sẽ coi sân chơi quốc tế là gánh nặng.
NĂM NAY SẼ KHÁC
Tuy nhiên, có thể trông đợi CLB CAHN và CLB Thanh Hóa sẽ chơi hết sức ở ASEAN Club Championship. Trước tiên về lợi ích, doanh thu lớn từ giải đấu này bao gồm khoảng 1,5 triệu USD (tương đương 37 tỉ đồng) tiền hỗ trợ tham dự, cộng với 500.000 USD (12,4 tỉ đồng) tiền thưởng cho đội vô địch là động lực lớn cho các đội bóng VN. Ở sân chơi mà các đội không cách biệt quá lớn về trình độ, cơ hội gặt hái tiền thưởng sẽ lớn hơn, giúp các đội trang trải chi phí thi đấu và tái đầu tư cho cơ sở vật chất, chuyển nhượng.
Với cựu vương CLB CAHN, tham vọng vươn ra khu vực được nhắc đến từ lâu. Để xây dựng lực lượng cho cả V-League lẫn ASEAN Club Championship, CLB CAHN đã mang về Jason Quang Vinh Pendant, hậu vệ từng đeo băng thủ quân CLB Sochaux thi đấu tại giải hạng nhì Pháp; chiêu mộ cặp tiền đạo Leo Artur và Alan Grafite, ký hợp đồng với Đình Trọng, Đình Bắc và gia hạn với Quang Hải. Với lực lượng rất mạnh ở cả ba tuyến, CLB CAHN muốn khẳng định sức mạnh ở Đông Nam Á.
CLB Thanh Hóa không có lực lượng mạnh như CLB CAHN, nhưng tinh thần thi đấu là điểm mạnh của thầy trò Velizar Popov. Lịch thi đấu tại ASEAN Club Championship cũng thuận lợi, không “giẫm chân” vào V-League, giúp đội Thanh Hóa tránh tình cảnh phải dàn trải quân, căng sức trên nhiều đấu trường. Với cá nhân HLV Popov, bên cạnh 3 chiếc cúp trong 2 mùa vừa qua, chiến lược gia người Bulgaria cũng muốn chơi “sát ván” ở giải Đông Nam Á để chứng minh năng lực.
Tối 21.8, CLB Thanh Hóa gặp CLB Shan United (Mynanmar) ở lượt trận đầu tiên bảng A. Ngay ở phút thứ 5, Bakayoko phá bẫy việt vị băng xuống và dứt điểm gọn gàng mở tỷ số cho đội khách. Lợi thế dẫn trước 1-0 của CLB Shan United được giữ nguyên cho đến khi trọng tài thổi hồi còi khép lại hơn 45 phút thi đấu đầu tiên.
Sang hiệp 2, đến phút 60, Romario đánh đầu gỡ hòa 1-1 cho CLB Thanh Hóa. Phút 73, Yago Ramos chọn vị trí tốt bật cao đánh đầu, nâng tỷ số lên 2-1 cho CLB Thanh Hóa. Phút 87, Luiz Antonio ấn định chiến thắng chung cuộc 3-1 cho CLB Thanh Hóa.
P.Q
Bạn đang đọc Các CLB Việt Nam có muốn bung sức ở giải quốc tế? tại website hungday.com