Các nhà nghiên cứu phát hiện hành tinh song sinh “dính” nhau đầu tiên trong vũ trụ

Các nhà nghiên cứu phát hiện hành tinh song sinh “dính” nhau đầu tiên trong vũ trụ

Đài thiên văn vô tuyến ALMA đặt tại hoang mạc tử thần Atacama của Chile vừa thu thập được dữ liệu khó tin từ một cặp hành tinh khổng lồ gắn kết với nhau trên một quỹ đạo duy nhất.

Đó là điều chưa bao giờ được ghi nhận trong thế giới các hành tinh, theo Sci-News.

Trước đây, các tiểu hành tinh ký sinh lẫn nhau từng được biết đến, nếu không nói là rất phổ biến trong Hệ Mặt trời. Nhưng một vật thể lớn cỡ hành tinh chỉ là lý thuyết còn gây tranh cãi.

Thứ mà nhóm dẫn đầu bởi nhà nghiên cứu Olga Balsalobre-Ruza từ Trung tâm Sinh học vũ trụ Tây Ban Nha tìm thấy lại lớn một cách trêu ngươi.

Quanh ngôi sao mẹ PDS 70 ở giữa là một đĩa tiền hành tinh lớn
Hình ảnh từ ALMA cho thấy quanh ngôi sao mẹ PDS 70 ở giữa là một đĩa tiền hành tinh lớn và một số hành tinh đang hình thành ở khoảng trống, trong đó PDS 70b được khoanh tròn có thêm một người anh em song sinh nhỏ hơn (khoanh tròn bằng vạch đứt) hiện diện bên cạnh, trong cùng quỹ đạo – (Ảnh: ALMA)

Phát hiện “rung chuyển” vừa được công bố trên tạp chí Astronomy & Astrophysics này đến từ một ngôi sao mang tên PDS 70 năm cách chúng ta 370 năm ánh sáng trong chòm sao Bán Nhân Mã (Centaurus).

Đó là một ngôi sao trẻ mới 5,4 triệu tuổi, chứa 2 tiền hành tinh cùng một đĩa bụi và khí khổng lồ bao quanh khu vực từ 20 đến 40 AU (đơn vị thiên văn, 1 AU bằng với khoảng cách từ Mặt Trời đến Trái đất).

Cách 22 AU kể từ sao mẹ là hành tinh PDS 70b và cách 34 AU là hành tinh PDS 70c, cả hai đều có kích cỡ ngang ngửa Sao Mộc.

Nhưng các quan sát kỹ hơn phát hiện một “bóng ma” đang dính sát lấy PDS 70b, cùng quay với nó. Nó chưa rõ hình dáng, mới chỉ như một đám mây mảnh vỡ, có kích cỡ gấp đôi Mặt Trăng của Trái đất. Nó rất có thể cũng là một tiền hành tinh.

Nói cách khác, PDS 70b có một người anh em song sinh gần như dính liền, bé nhỏ hơn, hoặc có thể coi như một dạng hành tinh “ký sinh” có thể cùng hình thành và song hành với nó mãi mãi trên cùng một quỹ đạo.

“Ai có thể tượng tượng hai thế giới chia sẻ thời gian trong năm và điều kiện sinh sống? Công việc của chúng tôi là bằng chứng đầu tiên cho thấy kiểu thế giới này có thể tồn tại” – nhà thiên văn Balsalobre-Ruza nói.

Còn theo tiến sĩ Nuria Huelamo, tác giả cấp cao, nghiên cứu này là bước đầu tiên để tìm kiếm các hành tinh đồng quỹ đạo từ rất sớm trong quá trình hình thành.

Các nhà nghiên cứu dự định tiếp tục theo dõi thế giới kỳ lạ này với một cuộc khảo sát chi tiết khác sẽ thực hiện vào năm 2026 để xem PDS 70b và người anh em song sinh di chuyển như thế nào trên quỹ đạo, liệu chúng còn bên nhau hay không.

Nhưng dù kết quả tiếp theo thế nào, phát hiện ra PDS 70b và “đứa em nhỏ” của nó được giới thiên văn xem là bước đột phá lớn trong nghiên cứu ngoại hành tinh.

Related Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *