Các tỉnh Tây Nguyên cần nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong việc giải ngân vốn đầu tư công
Các tỉnh Tây Nguyên cần nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong việc giải ngân vốn đầu tư công
(Xây dựng) – Chiều 2/8, tại Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh Tây Nguyên về tình hình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu, chỉ đạo hội nghị. |
Theo đó, trong năm 2024, ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vùng Tây Nguyên trên 5,5 nghìn tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển hơn 3,4 nghìn tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 2,1 nghìn tỷ đồng).
Đến nay, các địa phương đã giao gần 3,3 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 99% kế hoạch; phân bổ chi tiết dự toán vốn sự nghiệp đạt 100% cho các đơn vị trực thuộc. Ngoài ra, các địa phương trong vùng Tây Nguyên đã bố trí đối ứng ngân sách địa phương để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia gần 1,6 nghìn tỷ đồng.
Đến nay, các tỉnh Tây Nguyên có khoảng 373 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 10 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo đó, tại tỉnh Đắk Lắk tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 gần 1,6 nghìn tỷ đồng. Tính đến hết tháng 7/2024, các chủ đầu tư đã triển khai thực hiện và giải ngân được gần 556 tỷ đồng. Đối với vốn sự nghiệp, đến 30/6 đã giải ngân được gần 39,4 tỷ đồng (2,66% kế hoạch).
Về tình hình giải ngân vốn ngân sách Trung ương, lũy kế đến hết tháng 6/2024 các tỉnh Tây Nguyên đã giải ngân hơn 1,5 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công (bằng 36,45 kế hoạch). Đối với nguồn vốn của năm 2024, giải ngân được khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng (35% kế hoạch giao). Kết quả giải ngân toàn vùng ngang bằng với kết quả giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia chung của cả nước. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, tỷ lệ giải ngân của vùng Tây Nguyên còn thấp, tính đến hết tháng 5/2024 mới chỉ giải ngân hơn 95 tỷ đồng (4,4% dự toán).
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh khu vực Tây Nguyên, có tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp còn rất thấp, chưa đầy 5%, thấp hơn so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc, trong đó Lào Cai đạt tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp trên 60%, cho thấy các địa phương vùng Tây Nguyên phải nỗ lực, quyết tâm hơn rất nhiều vì nguồn vốn sự nghiệp cho vùng không lớn nhưng có ý nghĩa rất quan trọng vì đây là nguồn hỗ trợ đối với hộ nghèo, người yếu thế và đối tượng chính sách khác một cách trực tiếp.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, nguyên tắc phải cố gắng giải ngân theo kế hoạch vốn được giao, không xin thêm; làm ngay những việc có thể làm, chậm nhất chiều 9/8/2024 gửi các ý kiến, kiến nghị tại Hội nghị bằng văn bản đến Văn phòng Chính phủ để tổng hợp gửi các Bộ, ngành xử lý.
Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ hằng tuần kiểm soát và báo cáo Phó Thủ tướng về việc trả lời ý kiến của các địa phương. Đối với một số văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa ban hành, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương sớm hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành ngay trong tháng 8/2024.
Về định hướng phân bổ vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia cho các địa phương trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện phân bổ vốn dựa trên kết quả giải ngân của giai đoạn hiện nay bởi chỉ có thể đạt được mục tiêu khi có nỗ lực từ nhiều phía, trong đó có các địa phương.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com