Cách phân biệt Content Creator, Copywriter và Content Writer
Tháng mười 14, 2024
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ cho mấy ní cách phân biệt Content Creator, Copywriter và Content Writer nè.
Các công việc chính
Content Writer
Content Writer những người viết nội dung.
Nội dung là bất cứ thứ gì được sử dụng để truyền đạt thông tin đến đối tượng với một mục tiêu cụ thể.
Content Writer đảm nhiệm việc viết bài SEO cho website, viết bài cho Fanpage, viết bài PR cho sản phẩm, dịch vụ và tạo ra các chủ đề bài viết.
Một bài viết của Content Writer thường dài, cung cấp thông tin hữu ích cho độc giả.
Nội dung có thể mang tính giáo dục. Sản phẩm hay dịch vụ được mô tả theo đúng bản chất của nó, giúp cho độc giả có một cái nhìn toàn diện.
Khi mình tham gia viết Content cho 1 Fanpage về IELTS, team của mình sẽ tập trung chia sẻ các kiến thức liên quan đến IELTS, lộ trình học tập theo từng band điểm, chia sẻ kinh nghiệm của những người đã từng đạt điểm cao, viết bài quảng bá khóa học phù hợp cho từng đối tượng,…
Đây là 1 bài viết về dầu ăn Neptune trên website calofic. Trong bài này mô tả những đặc điểm, công dụng của dầu ăn Neptune.
Copywriter
Nhiều bạn mỗi lần khi nghe đến Copywriter thì dựa vào từ “copy”, cho rằng đây là công việc sao chép nội dung của người khác, sau đó xào nấu thành bài của mình.
Thực tế không phải vậy.
“Copy” ở đây chỉ phần văn bản trong mẫu quảng cáo.
Copywriter sẽ là người đảm nhận viết mục quảng cáo ngắn, tạo ra các ý tưởng hình ảnh giúp xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm.
Ngoài ra, họ còn đảm nhận viết headline (tiêu đề), sub headline (tiêu đề phụ), viết kịch bản TVC (kịch bản quảng cáo), slogan, tagline.
Copywriter viết những nội dung nhằm thuyết phục người đọc thực hiện 1 hành động cụ thể (đăng ký khóa học, mua sản phẩm, tham gia workshop,…).
Vì vậy, nội dung cần phải cảm xúc, chạm trúng tâm ký khách hàng. Sản phẩm cần được mô tả theo cách độc giả thích.
Ví dụ như slogan “Nâng niu bàn chân Việt” của brand Bitis.
TVC cuối năm của Neptune (coi xong mà tui kiểu suy lắm mấy ní ợ).
Content Creator
Đây là những người chuyên về sáng tạo nội dung.
Họ sẽ tạo ra nội dung theo bất kỳ hình thức nào: truyện ngắn, short videos, reels, podcast, tản văn,…nhằm mang đến sự hứng thú và trải nghiệm mới mẻ.
Có 1 Content Creator mình ngưỡng mộ nhất là “thầy Năm”, chủ kênh YouTube Web5ngay và Podcast Tri Kỷ Cảm Xúc.
Đặc biệt, đối với các Content Creator được doanh nghiệp thuê, họ sẽ tạo ra nội dung gì đó không liên quan trực tiếp đến sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp.
Đến khi nội dung đã thu hút nhóm độc giả thì mới được tận dụng cho việc Marketing cụ thể.
Thương hiệu Loli & The Wolf (chuyên sản xuất những sản phẩm mùi hương và chăm sóc vùng kín) đã tuyển 2 anh chị Content Creator Tizi & Đích Lép để xây kênh YouTube, Fanpage.
Hai kênh này chuyên chia sẻ những vấn đề thầm kín mà mọi người ngại nói ra.
Sau khi kênh đã thu hút độc giả vào xem, phòng Marketing sẽ tận dụng để quảng bá sản phẩm.
Kênh phân phối nội dung
Content Writer: thường là Blog, Website, Social Media, Email, Newsletter
Copywriter: Thông qua các ấn phẩm, các sản phẩm quảng cáo
Content Creator: bất kỳ nền tảng nào
Môi trường làm việc
Content Writer chủ yếu làm việc trong các công ty Client
(công ty Client là công ty có nhiều bộ phận: Marketing, nhân sự, tài chính,…Content Writer sẽ làm trong bộ phận Marketing)
Copywriter có môi trường làm việc khá linh hoạt. Đa số làm việc trong các Agency vì nơi này giúp họ phát huy tính chuyên môn nhất.
(Agency là các công ty có cung cấp một dịch vụ hoặc sản phẩm cụ thể: agency về du lịch, agency về quảng cáo, agency về content,…)
Content Creator làm việc trong các công ty hoặc làm việc tự do.
Tóm lại
Content Writer sẽ tạo ra nội dung có giá trị và dễ hiểu nhất cho khách hàng.
Copywriter là người viết ra những bài giàu cảm xúc nhất, “gãi đúng chỗ ngứa” của khách hàng và thuyết phục họ thực hiện hành động cụ thể.
Content Creator sẽ tạo ra nội dung khác biệt với hàng trăm hàng nghìn các đối thủ khác trên thị trường, giúp cho thương hiệu mau chóng gây sự chú ý với khách hàng.
Hy vọng bài viết này sẽ hữu ích cho bạn!