Cách sinh viên vượt qua những ngày cuối tháng khi ‘túi bị cháy’

Tháng sáu 1, 2024

Cách sinh viên vượt qua những ngày cuối tháng khi ‘túi bị cháy’

Mì gói, nước sôi không thể thiếu 

Khó khăn khi đăng ký học phần hay thậm chí rớt môn cũng không đáng sợ bằng việc cuối tháng với chiếc ví rỗng tuếch. Những lúc như vậy, “làm bạn” với mì gói, ăn uống chi tiêu kham khổ vẫn là giải pháp tối ưu để sinh viên vượt qua giai đoạn này.

Cách sinh viên vượt qua những ngày cuối tháng khi 'túi bị cháy'- Ảnh 1.

Mì gói là biện pháp cứu đói ngày cuối tháng của nhiều người

THÁI PHÚC

Nguyễn Thị Bích Thảo, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Có những lúc mình tiêu tiền mất kiểm soát. Do vậy, cuối tháng tiết kiệm là bắt buộc đối với mình. Lựa chọn ưu tiên của mình là ăn mì gói, với giá dao động từ 3.000 đến 5.000 đồng/gói. Ngoài ra, mình còn cắt giảm tối đa các chi tiêu trong những ngày cuối tháng. Còn những lúc có quá nhiều khoản chi tiêu cấp thiết cho cuối tháng thì mình sẽ gọi để xin tiền từ gia đình”.

“Mình hay đợi mua hàng giảm giá sau 16 giờ tại các cửa hàng tiện lợi vì có những loại thực phẩm được giảm sâu lên đến 50% nhưng vẫn còn tươi mà tiết kiệm được nữa. Ngoài ra, tại các trung tâm thương mại cũng có các gian hàng đồ ăn thử miễn phí. Mình cũng tận dụng nguồn hàng miễn phí này để đỡ tốn kém tiền ăn uống”, Bích Thảo chia sẻ thêm.

Cách sinh viên vượt qua những ngày cuối tháng khi 'túi bị cháy'- Ảnh 2.

Các mặt hàng giảm giá tại những cửa hàng tiện lợi là lựa chọn tốt đối với bạn trẻ

THÁI PHÚC

Tuy nhiên, việc ăn mì gói liên tục sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, vì vậy nhiều bạn trẻ chọn cách chi tiêu có kiểm soát để không lâm vào tình trạng túi rỗng tuếch ở thời điểm cuối tháng.

Vòng Châu Long, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho hay: “Do ở ký túc xá nên mình thường lập quỹ tuần và sẽ để dành tiền cho những việc cần thiết. Mình sẽ chia toàn bộ tiền cho các tuần một cách hợp lý, cố gắng theo sát kế hoạch chi tiêu. Trước khi quyết định mua sắm một món hàng nào đó, mình sẽ dừng lại một chút để xét xem có thực sự cần và muốn nó không. Và mình có thể chia tiền món hàng đó với các bạn cùng phòng được không”.

Làm thêm, vay mượn chỉ để vượt qua những ngày cuối tháng

Bên cạnh việc nhận trợ cấp từ gia đình, nhiều bạn trẻ chọn cách đi làm thêm để có khoản thu nhập, tránh việc “cháy túi” vào cuối tháng.

Võ Tuấn Anh, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, đang có công việc bán thời gian tại một quán cà phê, cho biết: “Mình đi làm thêm để trang trải phần nào tiền sinh hoạt, cũng như vào những lúc cuối tháng nhận được tiền lương thì sẽ tránh việc phải ăn mì gói”.

Cách sinh viên vượt qua những ngày cuối tháng khi 'túi bị cháy'- Ảnh 3.

Đi lại bằng phương tiện công cộng vừa đỡ tốn kém, vừa bảo vệ môi trường

THÁI PHÚC

“Ngoài ra, thì mình cũng hạn chế việc đi xe máy. Mình chỉ sử dụng xe máy khi thật sự cần, thay vào đó sẽ di chuyển bằng các phương tiện công cộng như: xe buýt hoặc đi bộ nếu địa điểm cần đến không quá xa. Như vậy, không những mình tiết kiệm được tiền xăng mà còn góp phần bảo vệ môi trường nữa”, Tuấn Anh nói thêm.

Cách sinh viên vượt qua những ngày cuối tháng khi 'túi bị cháy'- Ảnh 4.

Tìm việc làm thêm là cách hay để tránh việc “cháy” túi vào những ngày cuối tháng.

TH1I PHÚC

Lê Quang Huy, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Những lúc cuối tháng hết tiền, mình thường chọn cách dùng đến thẻ tín dụng, tạo một khoản nợ trên ví trả sau. Mình nghĩ có một khoản nợ không có gì là xấu, nó giúp mình thêm động lực để làm việc nhiều hơn”.

Vấn đề tài chính cuối tháng luôn là trăn trở đối với nhiều bạn sinh viên, nếu thật sự khó khăn hãy liên lạc ngay với bố mẹ để được hỗ trợ nhanh chóng. Vì bố mẹ luôn là những người sẵn sàng giúp con đảm bảo tốt hơn trong quá trình học tập.


Bạn đang đọc Cách sinh viên vượt qua những ngày cuối tháng khi ‘túi bị cháy’ tại website hungday.com