Cẩm nang chống sốc khi nhập ngũ
Tháng bảy 28, 2024
“Bạn sắp đi lính à? Chúc mừng nhé”
Tôi không thích đi lính. Nói cách khác là tôi không thích hoàn thành cái nghĩa vụ của mình. Nhưng khi ăn xong 24 cái Tết, tôi ngẫm ra rằng cuộc sống không vận hành theo cách mình muốn. Nên sau khi cầm trên tay tờ giấy tốt nghiệp đại học, tôi nhận được cả giấy gọi nhập ngũ. Wow, tốt thôi, đi lính thì đi lính.
Mà trước khi đi thì phải chuẩn bị trước chứ, đúng không? Nhưng chuẩn bị cái gì bây giờ? Google không mang lại nhiều giá trị thực tiễn, hỏi các anh đi trước thì nhận lại nhiều thứ tiêu cực hơn là những lời khuyên cần thiết. Rồi tôi nhập ngũ với tâm trạng còn mông lung, không mấy tích cực do vẫn không biết chuẩn bị cái gì.
Còn giờ, sau khi đã trải qua ¼ đời lính, đây là chút kinh nghiệm cho các “lính em” để phần nào sống sót qua 3 tháng tân binh… một cách lành lặn.
Đi nghĩa vụ quân sự là đi làm gì?
Khi nhắc tới nghĩa vụ quân sự, đa phần mọi người đều nghĩ đến hình ảnh các chú bộ đội. Thực tế thì các bạn có thể chọn giữa công an và quân đội khi viết đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự. Tùy theo điều kiện và yêu cầu của từng địa phương mà mỗi năm sẽ có những chỉ tiêu tuyển chọn khác nhau. Và vì phần lớn mọi người đều đi về quân đội (tôi cũng vậy), nên nội dung bài viết này chỉ giới hạn trong phạm vi môi trường quân ngũ.
Mỗi loại nghĩa vụ đều có những đặc điểm riêng, tùy vào từng đơn vị lại thực hiện nhiệm vụ khác nhau. Nhưng tất cả đều cùng một mục đích: Rèn luyện người lính những kỹ năng chiến đấu để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Với những ai đang háo hức được đi (hoặc không), giấy gọi sẽ được trao tận tay bạn vào khoảng tháng 10 hàng năm, rồi sau khi đã xuất sắc vượt qua 2 đợt kiểm tra sức khỏe từ xã (phường) lên đến huyện (quận), thì xin chúc mừng, bạn sẽ chính thức là người nhà nước (sau khi ăn xong cái Tết), được nhà nước bảo trợ và có phụ cấp hàng tháng. Đổi lại, bạn sẽ phải dùng 2 năm tuổi trẻ của mình để phục vụ quân đội.
Quân đội nhân dân Việt Nam được chia thành nhiều quân khu, mỗi quân khu lại có những quân binh chủng có đặc thù riêng như bộ binh, công binh, hải quân, phòng không thiết giáp, v.v. Tùy theo thể trạng của từng người sẽ được phân chia ngẫu nhiên về các đơn vị khác nhau (hoặc cũng không ngẫu nhiên lắm nếu chẳng may bạn có ông chú ông bác nào làm sĩ quan cấp cao trong quân đội)
Dù hầu hết mọi người lính đều trải qua 3 tháng tân binh với giáo trình huấn luyện như nhau. Tuy nhiên, sẽ có một số đơn vị đặc thù (như Bộ tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) có đôi chút khác biệt. Nhưng, đi đâu thì cũng đều là lính cả và đều có những quy tắc, luật lệ chung áp dụng cho toàn quân.
Thế cần chuẩn bị gì trước khi bước vào 3 tháng tân binh ấy?
Hãy chuẩn bị cho mình một tâm hồn thật đẹp
Từ lúc có giấy gọi đến khi lên đường nhập ngũ là 1 khoảng thời gian khá dài. Đây là lúc bạn cần chuẩn bị cho bản thân 1 tâm lý vững vàng, công tác tư tưởng ổn định.
Đừng để bản thân mông lung giữa hàng vạn lời nói tiêu cực về cuộc sống quân ngũ, hoang mang trước cái viễn cảnh sắp xảy ra hay lo lắng cho cuộc sống sắp tới. Đón nhận nó với tinh thần sẵn sàng chấp nhận hết mọi khó khăn trước mắt, vì dù muốn dù không thì nó vẫn sẽ xảy ra thôi, lo âu không giúp gì được cho bạn lúc này cả.
Thứ giúp cho bạn lúc này là lời động viên từ gia đình và bạn bè, trải lòng với những người bạn tin tưởng sẽ làm vơi bớt đi nỗi buồn bực lo sợ. Cứ tạm bỏ qua mọi định kiến về nghĩa vụ quân sự, những tệ nạn tiêu cực không mấy hay ho mà bạn nghe được về trong đấy. Giữ cho đầu óc thoải mái, không còn vướng bận cuộc sống bên ngoài và tư tưởng ổn định là cách tốt nhất giúp bạn hòa nhập với môi trường quân đội nhanh chóng và dễ dàng.
Nhưng tâm lý thôi là chưa đủ.
Hãy chuẩn bị cho mình một sức khỏe thật tốt và một cơ hàm thật dẻo dai
Trong quân đội có câu “lính tuổi quân, dân tuổi đời”, tức là không cần biết bạn sinh năm bao nhiêu, cứ đi lính sau thì làm em, người đi trước thì là anh. Thế nên một thằng 2000 gọi bạn 2k4 là anh là chuyện hết sức tự nhiên trong này. Và đã là em, khi gặp các anh thì nhớ mở mồm ra chào và phải chào cho to và rõ vào. Đi ngang qua một bàn ăn nói khoảng 20 câu “em chào anh” là chuyện bình thường thôi. Chào nhầm còn hơn bỏ sót, vì lỡ mà có bỏ sót thì tôi không dám đảm bảo chuyện gì sẽ xảy ra với bạn tiếp theo đâu. Vậy nên phòng trường hợp bạn lỡ có bỏ sót hay cơ hàm không đủ dẻo dai, thì chúng ta cần một sức khỏe thật tốt.
Sức khỏe thì luôn là một yếu tố tối quan trọng, khi mà thay đổi môi trường sống, thay đổi lịch sinh hoạt, tập luyện với cường độ cao, cơ thể chắc hẳn sẽ chưa bắt kịp. Cộng với việc những ngày đầu nhập ngũ rơi vào khoảng tháng 2, trời lạnh và mưa phùn kéo dài, nếu không chuẩn bị một thể trạng sức khỏe tốt thì chuyện ốm dài một tuần hay thậm chí là một tháng là điều khó tránh khỏi. Chưa kể đến việc sinh hoạt trong môi trường tập thể, nơi mà một người ốm là cả đội bị lây cũng dễ xảy ra. Khá chắc là bạn không muốn mang cái cơ thể yếu đuối ấy đi ra ngoài huấn luyện thể lực đâu. Nên hãy nhớ chuẩn bị cho mình một sức khỏe thật dẻo dai cùng cơ hàm thật tốt nhé!
Mang gì cho vừa một cái balo?
Các bạn đã xem chương trình chưa? Chương trình dành cho những người nổi tiếng trải nghiệm cuộc sống quân ngũ, mà mùa nào cũng có một nhân vật vô tình có chủ đích mang cả “cái nhà” của mình lên đơn vị, dù biết thừa là không được đem vào, đến khi sĩ quan kiểm tra quân tư trang thì bị giữ lại gần hết. À, ý mình không phải chê sự thiếu sáng tạo và yếu kém về mặt nội dung của đạo diễn chương trình đâu. Nhưng đấy đúng là những quy định về quân tư trang mà binh sĩ được sử dụng và mang vào đơn vị.
Ngoài balo quần áo cùng một số nhu yếu phẩm được cấp phát tại ủy ban xã, bạn chỉ được mang thêm những đồ thực sự cần thiết. Và những đồ cần thiết ở đây là bàn chải, kem đánh răng, xà phòng sữa tắm và… hết. Đừng ai mang kem chống nắng đi để ra thao trường khỏi bị cháy nắng nhé :)))
Luật thì là vậy. Tuy nhiên thì bạn vẫn có thể mua một số đồ thiết yếu như băng y tế, thuốc xịt muỗi, dầu gió, Panadol, thuốc đau bụng, v.v. Và để nó vào một chiếc túi nhỏ. Kiểu gì khi lên đến đơn vị cũng bị thu lại thôi, nhưng thường thì sau đó trung đội trưởng sẽ trả lại cho bạn giữ (hoặc không nếu ổng khó tính).
Dù sao thì cũng không cần bận tâm lắm đâu, sau một thời gian sinh hoạt trong này, bạn có thể nhờ người nhà gửi thêm đồ từ ngoài vào để sử dụng.
Đừng để tiền phụ cấp chỉ để trả nợ
Chắc là bạn đã từng nghe đến danh rồi nhỉ? Đấy cũng là suất cơm tiêu chuẩn của một chiến sĩ. Thực đơn hàng ngày không khác nhiều với những video Anh Nuôi chia sẻ. Tuy nhiên thì nhiều đơn vị lính khác (cái này tôi cũng chỉ được nghe kể lại từ nhiều người bạn), do điều kiện và một số loại hình tiêu cực mà chắc ai cũng biết là gì, khiến cho bữa cơm ấm cúng của người lính thiếu đi vài gia vị, như miếng thịt mỡ nay mất đi chữ thịt, món rau có thêm nhiều cỏ, và món cơm kèm chút sạn.
Với ngần ấy thức ăn thì khó có thể lấp đầy được cái dạ dày của các thanh niên mười tám đôi mươi đang trong tuổi lớn. Lúc này thì căng tin khác gì cái thiên đường ẩm thực, với câu thần chú “ký sổ” thì đúng là mua đồ không cần nhìn giá.
Tôi đã chứng kiến số âm tài khoản căng tin của nhiều đồng đội lên đến 8 con số, gấp cả chục lần tiền phụ cấp hàng tháng nhận được. Chưa kể đến những tệ nạn đỏ đen, những cách tiêu tiền mà chỉ trong lính mới có. Vậy nên, không mang được tiền về cho mẹ thì cũng đừng mang ưu phiền về cho mẹ nhé.
Chúc bạn không phải dùng tới ASA hay thuốc 7 màu
Đây là 2 thứ thuốc phổ biến để trị… lang ben và hắc lào, những thứ bệnh ngoài da dễ gặp khi bạn sống trong này. Không hẳn là do ở bẩn đâu, mà khi bạn đã sống trong môi trường quân đội, sinh hoạt cùng tập thể, bạn không thể đòi hỏi có nhà tắm riêng hay nước phải được qua 7749 cái màng lọc được.
Hãy để bản thân quay lại tuổi thơ, cởi truồng tắm sông với đám bạn, chỉ khác là giờ đi tắm với hai chục mạng đồng đội, múc nước từ 1 cái bể chung. Việc lây vài bệnh ngoài da của nhau là điều dễ hiểu, và đêm đêm dậy soi đèn bôi thuốc cho nhau, âu cũng là cái kỷ niệm.
Nhớ rằng bạn đang sống trong môi trường tập thể
Cuối cùng, hãy luôn nhớ châm ngôn của quân đội đã có từ thuở lập thời “Lấy tập thể rèn cá nhân”. Hãy nhớ rằng bạn đang không chỉ sống vì bản thân mình mà còn sống vì những người đồng đội bên cạnh mình. Khi bạn làm sai, không chỉ đơn thuần là một mình bạn chịu phạt, mà còn kéo theo cả tiểu đội (khoảng chục người), thậm chí là cả trung đội (khoảng bốn chục người) chịu cùng. Nếu bạn bị phạt oan như vậy thì sao, chắc là cũng chẳng vui vẻ gì lắm nhỉ?
Vậy nên là đừng làm gì ảnh hưởng tới toàn đội, hãy cứ ngoan ngoãn chấp hành đúng quy định vì chắc chắn là bạn sẽ không muốn mình bị cô lập trong môi trường tập thể đâu. Và dù có đủ loại người với nhiều tính cách khác nhau thì cũng hãy tỏ ra thân thiện và hòa đồng. Thêm một người bạn là bớt một kẻ thù, bạn sẽ thấy cuộc sống quân ngũ nó dễ dàng hơn nhiều.
Sống trong quân đội nhìn chung là không dễ dàng, thoải mái gì cho cam. Đặc biệt là đối với những bạn vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, còn quen với sự tự do, thoải mái bên ngoài. Những thay vì chán ghét cái tương lai khó tránh, hãy xem đây là cơ hội tốt để rèn luyện sức khỏe, rèn giũa những đức tính cần thiết cho cuộc sống tự lập sau này.
Thay đổi cách nhìn, bỏ lại những thứ tiêu cực người ta thường đồn đại để đón nhận nó bằng thái độ tích cực, và tâm lý thoải mái, bạn sẽ nhận lại những kỉ niệm khó quên cùng những đồng chí đồng đội trong thời gian tại ngũ. Nhiều người đã quen với cách sống trong quân đội lại quyết định ở lại gắn bó lâu dài với đơn vị. Biết đâu bạn cũng vậy. Nên dù ít có ai nói đi nghĩa vụ là sướng thì hãy cứ yên tâm, nó cũng chỉ khổ có 2 năm đầu thôi.
Chúc các “lính em” may mắn và… lành lặn!
P/s: Người đăng bài là bạn của chủ thớt vì chủ thớt vẫn đang tại ngũ :))) Nếu thấy hay mng hãy ủng hộ để chủ thớt có thêm niềm dzui những tháng ngày quân ngũ này nhée (Và để người đăng cảm thấy công sức lọ mọ gõ lại 11 trang giấy viết tay của cậu ta không hoài phí=)))
Bên em làm anh chị cẩn liên hệ ngay bên em nhé.