Cần gia tăng nhận thức khi tin giả hoành hành

Tháng sáu 20, 2024

Cần gia tăng nhận thức khi tin giả hoành hành

Vừa qua, một số trang mạng xã hội và thậm chí có cả báo chí đã “sụp hầm” khi chia sẻ thông tin về một buổi hòa nhạc do robot trình diễn tại thung lũng Silicon (bang California, Mỹ). Buổi hòa nhạc được giới thiệu là do một công ty khởi nghiệp có tên TechFusion tổ chức và đã bán “cháy vé”. Kiểm chứng nhanh chóng sau đó thì kết quả thông tin về buổi hòa nhạc là tin giả. Một trong những lý do khiến tin giả này được lan truyền nhanh chóng là “hình ảnh về buổi hòa nhạc”.

Cần gia tăng nhận thức khi tin giả hoành hành- Ảnh 1.

Tọa đàm “Đề kháng” với thông tin độc, hại và lừa đảo qua mạng do Báo Thanh Niên tổ chức tháng 12.2023

NHẬT THỊNH

Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) kéo theo nhiều ứng dụng cho phép tạo ra những đoạn video không có thực, hoặc sửa đổi hình ảnh nhân vật. Hay nhiều ứng dụng AI cũng cho “sáng tác” các nội dung, hình ảnh theo yêu cầu mà điển hình chính là hình minh họa cho buổi hòa nhạc trên. Cứ như thế, nội dung và hình ảnh “giả mà như thật” kết hợp cùng hiệu ứng của mạng xã hội nhanh, thì trở nên cực kỳ dễ lan truyền, để rồi khiến nhiều người “sụp hầm”.

Sự tinh vi của tin giả thông qua AI đã nâng lên một tầm mức mới gần đây. Cách đây không lâu, Tổ chức RAND (Mỹ) đã có báo cáo về nguy cơ AI tạo sinh thao túng thông tin và quan điểm dư luận. Điều đó đặt con người đứng trước mối nguy lớn về tin giả.

Tại sự kiện thường niên Diễn đàn truyền thông toàn cầu do Đài DW (Đức) tổ chức từ ngày 17 – 18.6 vừa qua tại TP.Bonn (Đức), tin giả trở thành chủ đề then chốt. Theo DW, thông tin sai lệch hiện là một trong những vấn đề lớn nhất của báo chí. Tin tức giả mạo và hình ảnh gây hiểu lầm đã làm sâu sắc thêm sự chia rẽ xã hội và cản trở các cuộc bầu cử, cũng như có những khía cạnh phá hoại khác. Tuy nhiên, giữa tình hình hiện nay, một tín hiệu khả quan là sự nhận thức chung của xã hội về sự lo ngại tin giả cũng ngày càng phổ biến hơn. Phát biểu tại diễn đàn trên, bà Renate Nikolay, Phó tổng giám đốc Mạng truyền thông, nội dung và công nghệ tại Ủy ban Châu Âu, khẳng định mọi người đang dần nhận thức rõ hơn về điều đó.

Báo cáo tin tức kỹ thuật số năm 2024 vừa được Viện Reuters công bố, khoảng 59% người tham gia khảo sát đang lo lắng về điều gì là thật và điều gì là giả. Mọi người cũng ngày càng lo lắng về việc sử dụng AI để tạo ra “tin tức giả” liên quan đến chính trị hoặc xung đột và đặc biệt lo ngại về cách nhận biết nội dung không đáng tin cậy trên các nền tảng như TikTok và X (trước đây là Twitter).

Chính vì thế, việc nhận thức và phòng chống tin giả vẫn tiếp tục là một thách thức cần sự chung tay của cả thế giới, trong đó vai trò của báo chí chính thống đặc biệt quan trọng. 


Bạn đang đọc Cần gia tăng nhận thức khi tin giả hoành hành tại website hungday.com