Cần nhanh chóng đầu tư, cải tạo, nâng cấp cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên
Cần nhanh chóng đầu tư, cải tạo, nâng cấp cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên
(Xây dựng) – Dự án cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên sau 10 năm đưa vào khai thác đã bộc lộ những bất cập. Gần đây, một vụ va chạm liên hoàn giữa 2 xe tải, 1 xe bán tải và 3 xe con, tại đoạn cách nút giao Bắc Phú khoảng 200m, theo hướng từ Hà Nội đi Thái Nguyên gây ùn tắc giao thông tới 7 tiếng đồng hồ là một minh chứng cho thấy sự cần thiết phải sớm cải tạo, nâng cấp tuyến cao tốc này.
Vụ tai nạn đã làm ách tắc giao thông hàng cây số trong nhiều giờ. |
Rất may, vụ tai nạn xảy ra đã không có thiệt hại về người, nhưng đã làm tê liệt hệ thống giao thông trên tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên tới 7 tiếng đồng hồ. Nguyên nhân của vụ tai nạn đã được các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, làm rõ.
Cũng theo số liệu thống kê của các ngành chức năng, từ năm 2022 đến tháng 10/2023, trên tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đã xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, trong đó xác định một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn là mặt đường nhiều đoạn bị xuống cấp, cụ thể như mặt đường bị lún, lồi lõm theo vệt bánh xe, làm cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông bị mất lái nhất là khi đang lưu thông ở tốc độ cao.
Là một trong tuyến giao thông huyết mạch nối Thái Nguyên nói riêng, các tỉnh trung du miền núi phía Bắc nói chung với Thủ đô Hà Nội, nên hằng ngày, lưu lượng phương tiện lưu thông, hàng hóa vận chuyển trên tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên rất lớn và hiện đang tiếp tục tăng nhanh. Cùng với sự phát triển nhanh đó, tuyến cao tốc cũng đã bộc lộ những bất cập sau 10 năm đưa vào khai thác.
Trước đó, một số nội dung bất cập liên quan cao tốc này cũng được cử tri tỉnh Thái Nguyên kiến nghị tới Quốc hội và đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp, báo cáo Quốc hội khóa XV. UBND tỉnh Thái Nguyên cũng có tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận tải đề nghị đầu tư, nâng cấp tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên để đảm bảo đoạn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe, có bề rộng mặt đường mỗi bên gồm 3 làn xe (2×3,75m), bề rộng dải an toàn phía lề đường (làn dừng xe khẩn cấp) 2x3m; tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên; bố trí kinh phí sửa chữa triệt để những vị trí mặt đường xuất hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh xe.
Hàng năm, bố trí kinh phí bảo trì để mở rộng từng đoạn tuyến đảm bảo đủ bề rộng làn xe và dải an toàn phù hợp với tốc độ khai thác trên tuyến; đầu tư hệ thống giao thông thông minh ITS để quản lý, giám sát tuyến…
Với lưu lượng xe trên tuyến tăng nhanh như hiện nay thì việc sớm đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên là cấp thiết. |
Tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên được Bộ Giao thông vận tải đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2015, có quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/h. Đoạn qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên dài 37km, tốc độ khai thác hiện tại tối đa 90km/h, bề rộng nền đường là 34,5km, bề rộng mặt đường mỗi bên gồm 2 làn xe (2×3,5m) và dải an toàn phía lề đường (làn dừng xe khẩn cấp) rộng 1,5m, trên tuyến đã xây dựng một số điểm dừng xe khẩn cấp.
Theo TCVN 5729:2012 “đường ôtô cao tốc – yêu cầu thiết kế” với tốc độ thiết kế 100km/h, bề rộng 1 làn xe là 3,75m, dải an toàn phía lề đường 3m (làn dừng xe khẩn cấp); đối chiếu với tiêu chuẩn, bề rộng làn xe và dải an toàn phía lề đường, đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên (đoạn qua địa phận tỉnh Thái Nguyên) chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn.
Từ thực tế hiện nay, để hạn chế tối thiểu tình trạng mất an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, nghiên cứu triển khai cải tạo, sửa chữa, nâng cấp tuyến đường này, đó cũng là việc đáp ứng kịp thời mong mỏi của cử tri, sự an toàn của người dân cũng như cũng như sự phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ của khu vực Trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com