Cần Thơ: Ban hành cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển quận Bình Thủy
Cần Thơ: Ban hành cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển quận Bình Thủy
(Xây dựng) – HĐND thành phố Cần Thơ ban hành Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển quận Bình Thủy. Nghị quyết này, quy định cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển quận Bình Thủy nhằm tạo nguồn lực để góp phần xây dựng và phát triển quận Bình Thủy trở thành đô thị văn minh, hiện đại của thành phố Cần Thơ.
Đường Võ Văn Kiệt – Con đường huyết mạch nối Trung tâm thành phố Cần Thơ với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ. |
Theo đó, hằng năm, ngân sách thành phố bổ sung có mục tiêu cho ngân sách quận 100% nguồn thu vượt dự toán thu tiền sử dụng đất và tiền bán nhà được giao đối với các cơ sở nhà, đất công do quận quản lý dôi dư sau khu sắp xếp lại hoặc cơ sở nhà, đất do quận rà soát, phát hiện thu hồi đưa vào diện quản lý hợp pháp của Nhà nước mà không có nhu cầu sử dụng theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp ngân sách thành phố tăng thu so với dự toán từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách thành phố với ngân sách quận, ngân sách thành phố thưởng thêm cho ngân sách quận thêm 20% số tăng thu phần ngân sách thành phố được hưởng từ những khoản phân chia giữa ngân sách thành phố với ngân sách quận so với quy định tại Nghị quyết số 08/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của HĐND thành phố Cần Thơ quy định thường vượt thu so với dự toán từ các khoản thu phân chia giữa các ngân sách, sau khi đảm bảo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 08/2018/NQ-HĐND của HĐND thành phố Cần Thơ.
Căn cứ kết quả thực hiện ngân sách của thành phố năm trước, HĐND thành phố Cần Thơ quyết định bổ sung tối đa 20% mức vốn theo tiêu chí, định mức quận Bình Thủy được hưởng theo quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước do HĐND thành phố Cần Thơ quy định trong từng thời kỳ. HĐND thành phố Cần Thơ giao UBND thành phố Cần Thơ thực hiện Nghị quyết này theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, được pháp luật quy định.
Trước đó, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 124/QĐ-UBND “Về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo Quyết định này, Khu đô thị truyền thống Ninh Kiều – Bình Thủy thuộc Khu đô thị trung tâm của thành phố Cần Thơ, là một trong những trung tâm kinh tế, đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế…
Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với diện tích 7.113ha. Phía Đông và Đông Bắc giáp huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long; phía Nam giáp quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ; phía Tây Nam giáp huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ; phía Tây và Tây Bắc giáp quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Dân số đến năm 2030 là khoảng 200.000 người; đến năm 2050 là khoảng 263.00 người.
Quận Bình Thủy sẽ kết hợp và hỗ trợ cho đô thị quận Ninh Kiều hình thành Khu đô thị truyền thống Ninh Kiều – Bình Thủy thuộc Khu đô thị trung tâm thành phố Cần Thơ, theo Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Là một trong những trung tâm kinh tế; trung tâm giáo dục đào tạo, trung tâm văn hóa bảo tồn di tích lịch sử truyền thống của thành phố Cần Thơ; đầu mối quan trọng về giao thông vận tải thủy nội vùng và liên vận quốc tế (đường bộ, đường thủy, đường hàng không). Vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh của thành phố Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Là đô thị có đặc thù cảnh quan sông nước, văn hóa đặc trưng miệt vườn vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn với lịch sử hình thành và phát triển. Có vùng nông nghiệp đô thị, vùng đệm cảnh quan và môi trường của Khu đô thị truyền thống Ninh Kiều – Bình Thủy. Phát triển kinh tế gắn với thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái.
Có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đầu mối cấp thành phố, cấp vùng (cảng, sân bay quốc tế, hệ thống giáo dục – đào tạo chất lượng cao). Phát triển các ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ và chất lượng cao. Hình thành nên các khu vực: Trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng, hậu cần công nghiệp và cảng, du lịch, giáo dục – đào tạo.
Quận Bình Thủy phát triển kinh tế – xã hội gắn chặt với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Quận Bình Thủy được quy hoạch chia thành 06 phân khu:
Khu BT-01: Diện tích khoảng 1.040,16ha; dân số đến năm 2030 là khoảng 32.400 người; đến năm 2050 là khoảng 43.200 người; chức năng là khu vực phát triển đô thị mới thuộc một phần khu đô thị Ô Môn – Trà Nóc theo quy hoạch chung thành phố Cần Thơ, phát triển đô thị gắn với công nghiệp, giáo dục, y tế… tạo vùng đệm xanh, gắn với khu làng xóm hiện hữu với các hoạt động sản xuất nông nghiệp, làng nghề phát triển du lịch.
Khu BT-02: Diện tích khoảng 1.461,18ha; dân số đến năm 2030 là khoảng 32.200 người, đến năm 2050 là khoảng 43.000 người. Chức năng chính là phát triển loại hình dịch vụ gắn với Sân bay quốc tế Cần Thơ như dịch vụ logistics hàng không, cụm công nghiệp và cảng sông, phát triển các công trình dịch vụ, thương mại, gắn với các khu ở mới và khu hiện hữu cải tạo, chỉnh trang.
Khu BT-03: Diện tích khoảng 1.209ha. Dân số đến năm 2030 là khoảng 46.300 người và đến năm 2050 khoảng 61.800 người. Chức năng là Khu trung tâm hiện hữu tập trung các hoạt động hành chính, chính trị, giáo dục, y tế… của quận Bình Thủy, phát triển các dịch vụ, thương mại, hỗn hợp, phát triển khu ở mới, cải tạo chỉnh trang khu hiện hữu thành khu ở mới đồng bộ hạ tầng, gắn với giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của địa phương, tạo vùng đệm xanh, gắn khu làng xóm hiện hữu với các hoạt động sản xuất nông nghiệp, làng nghề phát triển du lịch.
Khu BT-04: Diện tích khoảng 1.929,11ha. Dân số đến năm 2030 là khoảng 60.400 người, đến năm 2050 khoảng 80.700 người. Chức năng là khu vực phát triển các khu ở mới, các khu vui chơi, giải trí, hình thành các khu dịch vụ, thương mại, hỗn hợp, gắn với các vùng đệm xanh, khu làng xóm hiện hữu với các hoạt động sản xuất nông nghiệp, làng nghề phát triển du lịch, tạo gắn kết giữa Khu đô thị Ninh Kiều với quận Bình Thủy.
Khu BT-05: Diện tích khoảng 533,7ha. Dân số đến năm 2030 là khoảng 23.400 người; đến năm 2050 là 28.300 người. Chức năng là khu vực đô thị hiện hữu của quận, được tập trung cải tạo, chỉnh trang hình thành các khu ở mới đồng bộ về hạ tầng, phát triển dịch vụ hỗn hợp gắn với không gian dọc sông Khai Luông và khu đô thị mới cồn Khương kết nối với quận Ninh Kiều.
Khu BT-06: Diện tích khoảng 940,39ha. Dân số đến năm 2030 là khoảng 5.300 người và đến năm 2050 khoảng 6.400 người. Chức năng là khu vực mang đặc thù cảnh quan sông nước dọc sông Hậu và Khai Luông, hình thành khu đô thị mới (tại cồn Khương), phát triển các dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, cộng đồng (khu vực cồn Sơn, cồn Ngang).
Khu hành chính quận Bình Thủy. |
Theo đó, không gian kiến trúc, cảnh quan và thiết kế đô thị tại khu vục hiện hữu sẽ tập trung các công trình dịch vụ – công cộng cấp thành phố, cấp quận, đơn vị ở bao gồm các chức năng chính: Thương mại, dịch vụ, y tế, văn hóa, hành chính và công trình công cộng hỗn hợp khác, được nâng cấp, cải tạo chỉnh trang, khi triển khai các quy hoạch chi tiết được rà soát, khoanh vùng các khu vực còn quỹ đất trống để bổ sung các công trình dịch vụ công cộng phục vụ đô thị đảm bảo bán kính phục vụ, phù hợp không gian chung và chức năng riêng từng công trình. Kiểm soát xây dựng các tuyến phố về kiến trúc, khoảng lùi theo quy định. Khuyến khích phát triển các dịch vụ thương mại một số tuyến phố để tăng sự sôi động cho không gian sinh hoạt đô thị.
Khu vực phát triển mới: Bố trí các công trình kiến trúc thấp tầng và cao tầng, hiện đại hình thành khối đơn giản, có tính thẩm mỹ cao, phù hợp công năng, tạo điểm nhấn và chuyển tiếp trong không gian đô thị, hình thái kiến trúc phù hợp với đặc trưng địa hình của khu vực, khuyến khích giảm mật độ xây dựng, tăng tầng cao xây dựng, đảm bảo tỷ lệ không gian xanh, không gian mở làm không gian chuyển tiếp công trình và không gian đường phố.
Các trục đường chính, không gian mở và điểm nhìn quan trọng:
Trục cảnh quan chính đô thị: Đường Võ Văn Kiệt, đường nối 91 đến Đường tỉnh 918, đường Cách Mạng Tháng Tám, đường Lê Hồng Phong, đường Huỳnh Phan Hộ… Mặt đứng trục đường được tạo bởi hiện diện của công trình dịch vụ thương mại, hỗn hợp. Các công trình kiến trúc bố trí theo hướng cao tầng giáp với trục đường chính.
Trục cảnh quan ven sông là không gian mở có ý nghĩa về cảnh quan, sinh thái và chức năng kết nối quan trọng. Định hướng từng bước giải tỏa khu vực dân cư dọc sông Bình Thủy, sông Trà Nóc, sông Hậu, sông Khai Luông… tổ chức phân khu chức năng như: Khu vực động cho các hoạt động vui chơi giải trí và khu vực tĩnh cho nghỉ ngơi, thư giãn…
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com