Cẩn trọng trong từng quyết sách
Cẩn trọng trong từng quyết sách
Cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang đã vào cuộc, xác định nguồn nước ở những ruộng lúa bị thiệt hại có độ mặn cao bất thường dù khu vực này là vùng lõi ngọt của địa phương, xưa nay chưa từng bị xâm nhập mặn.
Câu hỏi lúa thiệt hại có phải do phát thải nước nhiễm mặn từ công trình san nền cao tốc hay không còn phải chờ cơ quan chức năng kết luận. Tuy nhiên, từ thực tế ruộng đồng của nông dân bị thiệt hại, chia cắt đủ để cảnh báo rằng: Cần hết sức cẩn trọng với việc sử dụng cát san lấp, nhất là cát biển, cho các tuyến cao tốc trục ngang, trục dọc đồng bằng vốn nhạy cảm với những tác động môi trường. Sử dụng cát biển cho san lấp cao tốc liệu có khiến đồng ruộng, vườn tược của người dân bị nhiễm mặn? Đây cũng là mối quan tâm lớn của người dân miền Tây khi chủ trương nghiên cứu, sử dụng cát biển cho san lấp cao tốc được đưa ra.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội hôm 4.6 về việc sử dụng đại trà cát biển trong xây dựng cao tốc, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh thông tin Bộ đã hoàn thành đề án đánh giá trữ lượng cát biển ở Sóc Trăng với trữ lượng khoảng 145 triệu m3, cách bờ gần 20 km, thân mỏ sâu khoảng 7 m. Nhưng để hạn chế tác động đến môi trường, Bộ TN-MT khuyến cáo việc khai thác cát biển nên dừng ở mức sâu 2 m. Việc sử dụng cát biển phải có đánh giá tác động môi trường; nguyên tắc là không được gây nhiễm mặn cho môi trường xung quanh. Phương án tốt nhất là cát biển nên được sử dụng cho các công trình ở những khu vực đã bị nhiễm mặn. Trường hợp cát biển được chấp thuận làm vật liệu xây dựng, cơ quan quản lý là Bộ Xây dựng sẽ có quy định cụ thể về quy chuẩn, tiêu chuẩn, sử dụng như thế nào, công trình gì, ở đâu… Đây là những thông tin quan trọng đã giải tỏa phần nào những khúc mắc, quan ngại của người dân ĐBSCL xoay quanh chủ trương sử dụng cát biển làm cao tốc.
Sự cẩn trọng nói trên của Bộ TN-MT là hết sức đúng đắn và cần thiết. Rõ ràng việc xây dựng cao tốc ở ĐBSCL là khao khát bao đời nay của người dân miền Tây, nhưng chắc chắn trong mỗi hành động tác động vào môi trường đều có một cái giá buộc chúng ta phải cân nhắc thiệt – hơn. Ở đây không chỉ là chuyện thí điểm, sử dụng cát biển làm vật liệu san nền cao tốc mà còn là chuyện đánh giá tác động môi trường, quản lý, cấp phép, quản lý khai thác, sử dụng như thế nào. Chúng ta đã chứng kiến việc quản lý khai thác cát ngọt dưới sông quá phức tạp, nhiều lỗ hổng qua những vụ gian lận hàng triệu mét khối cát hay nạn khai thác cát lậu tràn lan gây sạt lở nhiều nơi. Chắc chắn với nguồn tài nguyên cát biển, công tác quản lý cũng sẽ không hề dễ dàng.
Suy cho cùng, chuyện thiếu cát san nền cao tốc ở ĐBSCL đang là một thách thức tình huống khi nhu cầu xây dựng cao tốc dưới đất tăng cao. Về lâu dài, làm thế nào để có được những tuyến cao tốc đúng nghĩa, bền vững; không chia cắt cảnh quan, tác động đến thủy văn, đến sinh kế người dân mới là những thách thức to lớn hơn, đòi hỏi sự cẩn trọng, không hối tiếc trong từng quyết sách đưa ra.
Bạn đang đọc Cẩn trọng trong từng quyết sách tại website hungday.com