Cao Bằng: Huy động nguồn lực tập trung phát triển kết cấu hạ tầng

Tháng mười 9, 2024

Cao Bằng: Huy động nguồn lực tập trung phát triển kết cấu hạ tầng

(Xây dựng) – Phát triển kết cấu hạ tầng đóng vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Cao Bằng. Bởi thế, tỉnh chú trọng cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm cho các dự án, đặc biệt đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn.

Cao Bằng: Huy động nguồn lực tập trung phát triển kết cấu hạ tầng
Tỉnh Cao Bằng chú trọng cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm cho các dự án.

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có ý nghĩa quan trọng giúp tỉnh khai thác, phát huy thế mạnh, tiềm năng và nội lực để đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững, là “kim chỉ nam” để xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển của các ngành, của từng vùng và của các địa phương. Đây cũng là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo thuận lợi đối với các nhà đầu tư chiến lược tìm hiểu đầu tư vào tỉnh. Tỉnh đang xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với các nội dung của quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.

Các cơ chế, chính sách, giải pháp huy động vốn được tỉnh ban hành một cách đồng bộ, trong đó, thực hiện Chương trình số 09-CTr/TU ngày 11/11/2021 của Tỉnh ủy về “Xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược”, tỉnh thành lập tổ công tác tiếp nhận và hỗ trợ triển khai dự án đầu tư, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, kịp thời tháo gỡ khi có khó khăn vướng mắc về đất đai, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Xây dựng đề án cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc. Ban hành danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025, gồm 102 dự án thuộc 8 lĩnh vực đầu tư để làm cơ sở mời gọi, thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn, dự án có tính khả thi cao và phù hợp với quy hoạch tại tỉnh. Trong đó, lĩnh vực phát triển đô thị 40 dự án, lĩnh vực giao thông 10 dự án, lĩnh vực cửa khẩu 4 dự án. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 252 dự án với tổng vốn đăng ký 34.861 tỷ đồng được đăng ký theo Luật Đầu tư. Thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về đầu tư công phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh với tổng số 41 công trình giao thông được giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 (trong đó, 15 công trình từ giai đoạn trước chuyển sang giai đoạn 2021 – 2025 để tiếp tục triển khai thực hiện).

Cao Bằng: Huy động nguồn lực tập trung phát triển kết cấu hạ tầng
Thành phố Cao Bằng nhìn từ trên cao.

Là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng chủ yếu từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư, nguồn vốn ngân sách tỉnh bố trí hằng năm chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu đầu tư. Việc huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi khác gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo cân đối nguồn vốn đầu tư công cho các dự án phát triển hạ tầng, giai đoạn 2021 – 2024, tỉnh bố trí trên 16.674,5 tỷ đồng thực hiện các dự án theo Chương trình số 10-CTr/TU ngày 11/11/2021 của Tỉnh ủy về phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị, hạ tầng số) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, trong đó, bố trí trên 4.571,8 tỷ đồng cho 50 dự án hạ tầng giao thông.

Tỉnh đẩy mạnh kêu gọi để huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển hạ tầng, tổ chức và tham gia nhiều hoạt động xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường đầu tư, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư của tỉnh; tuyên truyền các dự án kêu gọi đầu tư tại các cuộc gặp mặt, trao đổi, làm việc trực tiếp với nhà đầu tư. Tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư với các đối tác trong nước và quốc tế, như: Giới thiệu tiềm năng thu hút đầu tư của tỉnh đối với đoàn công tác Chính quyền nhân dân thành phố Bách Sắc, Quảng Tây (Trung Quốc); tham dự diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc và các hoạt động kết nối đầu tư kinh doanh tại Trung Quốc; cung cấp danh sách dự án trọng điểm với đối tác Nhật Bản để mời gọi, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ và cửa khẩu; cung cấp thông tin để xây dựng ấn phẩm về môi trường đầu tư và khu công nghiệp đối với cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA); đón tiếp, làm việc với các nhà đầu tư quan tâm đầu tư trên địa bàn tỉnh (Tập đoàn Sovico, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo cả, Công ty Cổ phần Kinh tế – Kỹ thuật Tổng Công ty Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp quốc phòng, Công ty TNHH Ele-Farm Hàn Quốc…).

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng, công tác giải ngân một số dự án đầu tư công và dự án đầu tư ngoài ngân sách triển khai còn chậm, tỷ lệ giải ngân đạt thấp, trong đó có một số chương trình mục tiêu quốc gia (riêng năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công đến giữa tháng 7 mới đạt 28,2% kế hoạch); công tác giải phóng mặt bằng có nhiều vướng mắc. Một số dự án lớn của tỉnh chưa hoàn thiện thủ tục nên chưa đủ điều kiện phân bổ vốn. Công tác chuẩn bị đầu tư đối với các dự án khởi công mới thiếu chủ động, nhiều dự án còn vướng mắc thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Để đảm bảo mục tiêu Chương trình số 10-CTr/TU, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân khoảng trên 95% kế hoạch vốn được giao. Các sở, ban, ngành tập trung đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phân bổ vốn, giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tích cực đối thoại với doanh nghiệp, trao đổi, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư. Cung cấp thông tin chung về kinh tế – xã hội, cơ chế, chính sách, thủ tục pháp lý…