Cao Bằng: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân
Cao Bằng: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân
(Xây dựng) – Đó là đề nghị của ông Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 29/10.
Đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu tại Hội nghị. |
Trong hai tuần từ ngày 14/10 – 26/10, tỉnh thành lập 9 đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát tại các huyện: Thạch An, Hà Quảng, Quảng Hòa, Hòa An, Nguyên Bình, Hạ Lang, Bảo Lâm, Bảo Lạc và Trùng Khánh. Đến nay, toàn tỉnh có 8.799 hộ được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, với tổng kinh phí 341 tỷ 113 triệu đồng. Trong năm, thực hiện giải ngân được 3.206/7.121 hộ, đạt 45% chỉ tiêu kế hoạch, với tổng vốn giải ngân từ các nguồn đạt 107 tỷ 680 triệu đồng.
Qua kiểm tra thực tế tại 214 nhà cho thấy, các huyện đã quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành tương đối đầy đủ các văn bản chỉ đạo thực hiện. Đa số người dân có tinh thần chủ động tự lực, tự cường, tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau; kinh phí làm nhà nhiều hơn so với số kinh phí được hỗ trợ, nhiều nhà sau khi hoàn thành trị giá trên 200 triệu đồng, có nhà lên đến 600 triệu đồng. Việc huy động xã hội hóa nguồn lực được thực hiện tương đối tốt, tiêu biểu như các huyện: Bảo Lâm, Hòa An, Hạ Lang. Chất lượng nhà hoàn thành đảm bảo theo tiêu chí “3 cứng”, vượt diện tích tối thiểu và thời gian sử dụng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, đa số các huyện đều vướng mắc về đất đai, việc chỉ đạo giải quyết chưa được quyết liệt, sâu sát, chỉ dừng ở mức độ tổng hợp những khó khăn, vướng mắc nhưng chưa đưa ra được biện pháp, giải pháp giải quyết cụ thể; việc nghiệm thu hoàn thành chưa được kịp thời, còn nhiều nhà đã làm xong lâu nhưng chưa thực hiện nghiệm thu, chưa thanh toán, dẫn đến giải ngân đạt thấp.
Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích về những kết quả đạt được trong công tác thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, thống nhất định hướng giải quyết một số khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai của các địa phương trong triển khai chương trình sau khi kiểm tra.
Kết luận cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Triệu Đình Lê đề nghị: Các ngành tham mưu căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thống nhất tư tưởng chỉ đạo, linh hoạt trong cách xử lý, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Chủ động phối hợp với địa phương nghiên cứu, phân loại, đề xuất, tháo gỡ những vướng mắc về đất đai (đất rừng, đất nông nghiệp, quy hoạch đất đai); hành lang giao thông; khó khăn về phí, thuế; đối tượng được hỗ trợ; tổ chức thực hiện, chất lượng, tiến độ xây dựng các công trình; quản lý hồ sơ lưu trữ…
Tạo điều kiện tối đa cho người dân, không cầu toàn; đối với các trường hợp không có vướng mắc về đất đai, không cần chờ hoàn tất các thủ tục mới thực hiện giải ngân, mới cho xây dựng nhà. Tiếp tục thực hiện định mức hỗ trợ đã quy định, đối với sửa chữa nhà ở mỗi tiêu chí 10 triệu đồng, hỗ trợ thực hiện xây mới 44 triệu đồng.