Cầu 3.900 tỉ ở Rạch Giá ‘vướng’ tĩnh không sân bay: Cao vượt 33m vẫn vào chung khảo
Cầu 3.900 tỉ ở Rạch Giá ‘vướng’ tĩnh không sân bay: Cao vượt 33m vẫn vào chung khảo
Cơ quan quản lý bay nói gì?
Liên quan cuộc thi thiết kế cầu trên tuyến đường ven biển có vốn đầu tư 3.900 tỉ đồng ở TP.Rạch Giá, Kiên Giang “vướng” tĩnh không sân bay, ngày 1.11, nguồn tin PV Thanh Niên, cho biết, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (Bộ GTVT) đã có văn bản trả lời Cục Hàng không Việt Nam về độ cao cho phép xây dựng công trình này.
Theo đó, độ cao tối đa cho phép để chướng ngại vật, tức chiều cao công trình không ảnh hưởng đến các phương thức bay là 45 m.
Trước đó, tháng 7.2024, Sở GTVT tỉnh Kiên Giang tổ chức thi tuyển rộng rãi để tìm phương án kiến trúc cho cây cầu nối từ An Biên – TP. Rạch Giá. Sau đó, ngày 30.9, Hội đồng tuyển chọn cuộc thi đã xem xét 28 phương án dự thi và chọn ra 5 phương án vào vòng chung khảo trình bày trước hội đồng.
Đến ngày 2.10, có 1 trong 4 đơn vị có phương án lọt vào vòng chung khảo cuộc thi đã gửi văn bản đề nghị Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu) chấp thuận cho phương án thiết kế với 5 trụ cầu cao 78 m. Nguyên nhân là do công trình cầu nằm trong vùng kiểm soát không lưu của sân bay Rạch Giá bị khống chế về chiều cao.
Sau đó, Cục Tác chiến đã đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo cơ quan chức năng là Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam nghiên cứu, cho ý kiến.
Trong văn bản phản hồi Cục Hàng không và Cục Tác chiến, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng thông tin, vị trí chướng ngại vật, tức thiết kế cầu nối An Biên – TP.Rạch Giá nằm cách ngưỡng đường cất hạ cánh 08, sân bay Rạch Giá khoảng 4,6 km. Chiều cao 78 m ảnh hưởng đến các bề mặt hình nón và các phương thức tiếp cận, điều hướng đến sân bay Rạch Giá.
Lo ngại không đảm bảo công bằng giữa các đơn vị dự thi
Như Thanh Niên đã đưa tin, cuộc thi thiết kế cầu nối An Biên – TP.Rạch Giá chưa công bố kết quả đã “vướng” lùm xùm liên quan quy định về tĩnh không sân bay.
Cụ thể, ngay khi phát hiện 1 phương án lọt vào chung khảo có thiết kế chiều cao tĩnh không vượt quy định, 2 trong 4 đơn vị khác cũng có tác phẩm lọt vào chung khảo đã gửi công văn đề nghị Sở GTVT tỉnh Kiên Giang (chủ đầu tư) và Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (TP.HCM, đơn vị tổ chức cuộc thi) làm rõ giới hạn tĩnh không sân bay Rạch Giá tại vị trí xây dựng cầu.
Văn bản của các đơn vị trên cũng trích dẫn các quy định về quản lý độ cao công trình sân bay quân sự và quy hoạch cảng hàng không của Chính phủ, trong đó giới hạn chiều cao tối đa tại vị trí cầu là 45 m. Ngoài ra, giới hạn độ cao này đã được lãnh đạo Sở GTVT Kiên Giang phổ biến hôm công bố cuộc thi và được nêu tại bản đồ nằm trong nhiệm vụ thi tuyển được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt ngày 19.6.2024.
Hai đơn vị trên cũng cho rằng, với những gì “đề bài” đã ra, việc chọn phương án “phạm quy” tĩnh không sân bay Rạch Giá vào vòng trong là không đảm bảo công bằng giữa các phương án dự thi.
Công trình cầu trên tuyến đường bộ ven biển kết nối từ An Biên – TP. Rạch Giá có tổng mức đầu tư dự án 3.900 tỉ đồng. Tổng chiều dài tuyến khoảng 3,71km, trong đó cầu qua vịnh Rạch Giá dài khoảng 2,8km. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 – 2029, sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Vị trí cây cầu bắc qua cửa sông Cái Bé, Cái Lớn, nhìn ra vịnh Rạch Giá, thuộc đường ven biển nối Kiên Giang – Cà Mau, kết nối với khu đô thị lấn biển Kiên Giang. Trước đó, tháng 7.2024, Sở GTVT Kiên Giang tổ chức thi tuyển rộng rãi để tìm phương án kiến trúc cho cây cầu. Tiêu chí lựa chọn thiết kế là đẹp, hài hòa với cảnh quan vịnh Rạch Giá, độc đáo, xứng tầm và là niềm tự hào của Kiên Giang.