Cây chột – Truyện ngắn dự thi của Đinh Thành Trung (Hà Nội)
Cây chột – Truyện ngắn dự thi của Đinh Thành Trung (Hà Nội)
Gọi là ông cây. Thân ông màu xám đấy. Nhìn kỹ đi. Cái màu thăm thẳm này sâu lắm. Để tớ ví dụ nhé. Dù xoáy sâu vào màn hình khi tắt của con điện thoại đời mới nhất cũng không bằng đâu.
Tôi lắc đầu khó hiểu. Ví dụ ví dẻo rõ dở hơi. Đêm không tối vì có đèn xách tay của ông kiểm lâm. Ông Hoan cứ ngồi bệt một chỗ nhai nhóp nhép cạnh cái cây to. Nhai mãi rồi lại móc túi lấy ra viên kẹo cao su khác bỏ tọt vào mồm. Cậu xem, bỏ cái anh thuốc lào khổ thế đấy.
Câu chuyện ông Hoan lẩm bẩm trong phút giây nghỉ ngơi hiếm hoi thường không có gì đặc biệt, nếu không muốn nói là vớ vẩn. Chính lão tự nhận thế. Ông kiểm lâm gàn dở. Đó là danh xưng có phần hỗn hào tôi gọi ông Hoan. Lão cũng chả thèm để tâm đến cách con bé lóc chóc gọi mình. Ông ta chỉ chú ý đến cái cây và chiếc điện thoại của mình. Ôi chà. Con điện thoại này chụp cây thì phải biết. Tậu cái sim sóng tốt rồi tớ gửi về cho bọn trẻ. Nó thích lắm.
“Cậu biết tớ muốn nói gì rồi đấy”.
Thì cứ chửi đi. Nhưng thế thì khác gì mình là kẻ xấu. Đáng lẽ ra mùa xuân phải là lúc cây đâm chồi nảy lộc. Chúng cần gì biết thời điểm nào. Vậy mà ông cây dường như ủ rũ lắm. Cũng vì cái vết đen khá to trên thân ông. Tôi có thể tưởng tượng ra đường cắt của một cái cưa máy rất mạnh. Như con người, khi bị mất một con mắt vậy, tuy đau đớn nhưng vẫn còn nhìn được. Cây thì khác, bị hạ là hết. Sao lại gọi là cây chột? Vì nó vẫn sống. Hình như nó được bảo vệ bởi đất mẹ hay thần rừng. Mấy lần suýt lìa đời rồi. Trong cái rủi có cái may. Rừng gần đường thì dễ bị phá nhưng cũng dễ canh. Cũng giống như con người thôi. Khi bị mất đi chỉ còn một mắt thì tầm nhìn sẽ kém đi, sự cảm nhận về thế giới xung quanh cũng nhỏ đi một chút. Và cảm giác sẽ mất đi một thứ gì đó dù không quá lớn nhưng vẫn rất khó chịu.
“Ông bảo vệ cây”. Tôi thích gọi thế từ hồi bé tí. Ông không để ai đụng vào dù chỉ là ngắt một chiếc lá. Đó dường như là hành động hơi quá khích của một kiểm lâm. Ai đó nói. Ông cười khằng, gầm ghè rồi đi mất. Trong ráng chiều rừng rực, cây cứ như được nhuộm vàng bởi ánh nắng. Lá xanh ngả vàng, không cần đợi mùa thu. Tôi ngước nhìn lên tán cây ấy. Rừng đối với tôi không còn huyền bí như tấm ảnh trong cuốn sách tranh mẹ đưa. Trước khi đi ngủ, cây dang tán lá xào xạc. Là do gió thổi, quất vào mặt man mát đấy thôi. Từ lâu tôi đã tự nguyện làm công việc nghiên cứu sinh vật này rồi. Cũng chỉ là chút xíu, chưa làm được gì cho cánh rừng này cả.
***
Ngoài xa, tiếng kêu văng vẳng trùm kín tai và óc. Chim chóc và động vật. Thêm thứ gì không rõ. Tôi đã quen với cuộc sống ở đây. Từ đường lớn rẽ qua đường nhỏ là đến rừng. Đúng ra, rừng không quá tách biệt với cuộc sống hiện đại của con người. Chỉ là người ta nghĩ sâu quá, làm vẻ huyền bí quá mà thôi. Không giống như trên phim viễn tưởng hay các câu chuyện thần tiên, rừng là một quần thể gồm nhiều cái cây. Đơn giản vậy. Là cây, là lá và hoa. Mỗi cây cho ra một loại lá khác nhau, nhưng chúng đều che khuất đi một chút ánh nắng và tạo ra sự thoải mái cho con người. Khi nói mấy lời đó, ông Hoan nhìn tôi chòng chọc, kiểu như tôi là thứ sinh vật lạ lẫm nhất. Rồi lão cười phá lên sảng khoái vô cùng, với lấy ấm nước to một hơi cạn sạch. Sau đó, lão dắt tôi vào rừng và chỉ lia lịa.
“Cậu lạ thật đấy. Xinh gái thế mà lại bỏ thành phố vào rừng. Giờ thì tớ hiểu tại sao rồi”.
“Vì sao?”.
“Vì cậu dở hơi. Ha ha”.
Tôi không giận lão vì mấy chuyện vớ vẩn như vậy. Tôi nghe nhàm tai rồi ông ạ. Chỉ riêng việc xưng hô với tôi như bạn dù tuổi cách xa cỡ chú bác thì cũng biết rồi đấy. Vui lên, lão bỗ bã còn khi có chuyện gì đó thì lão xịu đi. Rừng có thể biến đổi một con người như thế? Không phải đâu. Khi cậu đã coi tiền tài danh vọng chỉ là thứ phù du rẻ rúng thì cái cây này là vô giá đó. Ông Hoan lại lấy ra một bình nước. Lá chè ông nhờ tôi mua từ thành phố. Rừng không có chỗ cho mấy thú vui nho nhỏ. Bọn tớ chỉ có thể sống thế này mà thôi. Bọn tớ canh rừng. Nhưng canh ai thì cậu biết rồi đấy.
Tôi biết lão đang nói đến cái gì. Cũng chỉ là do con người mà thôi. Bảo vệ rừng cũng chỉ vì con người. Tôi đang đứng cạnh một khúc gỗ to. Nhìn nó có mặt phẳng rất đẹp nếu được bảo quản kỹ. Nhẵn mịn. Vân vòng vèo. Nhiều vân thế này thì càng tiếc đúng không? Nhưng giờ có tiếc thì cũng đâu có ích gì. “Thôi cứ vui đi đã. Ít nhất là bớt buồn đi. Chà, tự nhiên tớ muốn uống gì quá”. Tôi đã quen với lời than phiền và vẻ mặt lúc vui lúc buồn của lão rồi.
Giấc mơ nhảy nhót giữa rừng khuya.
Giấc mơ không còn xa dần thực tại.
Cứ ngân nga và hy vọng vào ánh bình minh, vào màu trắng trong quang đãng sau cơn mưa dài xám xịt.
Không biết từ bao giờ tôi thích nghêu ngao mấy câu hát tự nghĩ ra. Cứ cho nó là một bài thơ đi. Như hồi mẹ bảo. Dù có bị tổn thương hay tệ hơn nữa là mất một bộ phận thì vẫn chưa chết. Chúng ta vẫn phải sống và tồn tại, nếu không thì sẽ biến thành không khí. Bố từ đâu xuất hiện, kéo mẹ đi. Bố càm ràm mẹ sao lại nói cho con mấy thứ vớ vẩn.
Đó là bước khởi đầu của cuộc đời. Của một đứa trẻ trong thân xác trưởng thành. Tôi vẫn nhận thế với ông Hoan. Người kỳ lạ nhất mà tôi biết.
“Tớ thích nghe chuyện của cậu lắm. Nghe này. Không phải ngại. Tuổi tác chẳng nói lên cái quái gì cả đâu. Như ông cây kia kìa. Gấp chục lần tuổi hai đứa mình gộp lại”.
Cái này thì ông đúng đấy. Người kiểm lâm chưa nghỉ làm dù đầu đã bạc gần hết. Đủ để coi là cũ kỹ trong xã hội loài người hiện nay. Sống mênh mông là thế đó. Chẳng cần biết người khác và chỉ quan tâm đến mấy thằng phá cây. Hồi về làng, mọi người nhìn tớ như sinh vật lạ. Cũng tại đầu tóc bù xù với cái mũ cối cũ rích này đây. Nó ngả màu vàng của bùn đất và ướt sương. Ôi thôi, cứ thế, cứ lặng đi mà vui sống.
Xuân mờ sương sớm. Xuân này không nhiều mưa phùn. Cũng không quá lạnh, đủ để con người nuôi hy vọng được sống cùng với cây. Tôi bám theo ông Hoan và hai người kiểm lâm khác đi tuần rừng. Họ cũng quen với sự xuất hiện của tôi và cho tôi đi cùng miễn là không làm ảnh hưởng gì. Em nhìn kìa, vậy là thêm một ngày nữa cây cổ thụ này sống. Cũng lạ. Tuổi thọ lâu thế mà lúc nào cũng thấp thỏm âu lo. Cứ như nắng mưa hằng ngày ấy nhỉ người đẹp. Tôi không đỏ mặt. Vì tôi khác người. Có lúc các anh kiểm lâm cũng bảo tôi giống cây. Không cảm xúc bên ngoài mà ai biết trong tâm nghĩ gì.
“Đừng tưởng cây cối là vô tri giác. Biết đâu lúc nào đó sau lưng cậu sẽ có một cái chạm nhẹ”.
“Chú làm cháu sợ đấy”.
“Tớ nói thật. Tớ cũng được thế một lần rồi. Hôm đó gió to lắm, tán cây quật vào lưng mà tớ thấy nhẹ nhõm và bình yên lắm”.
Lão Hoan cầm cây đèn pin, rọi vào tán lá của ông cây. Màu đen tuyền của bóng đêm biên lá cây thành máu mới. Tôi cũng không biết diễn tả như thế nào nữa. Nửa xanh nửa vàng và ngả chút xam xám. Cứ như lá cây được phủ một lớp nắng mỏng tang.
“Đẹp không?”.
“Cháu không thích màu này. Chẳng phải giống màu lá sắp rụng sao?”.
“Thì đấy. Cứ tưởng rụng đến nơi rồi mà lại không phải. Mà nhìn đi. Trông vàng vọt thế thôi chứ cọng lá còn chắc chắn lắm”.
Lời ông Hoan nói cứ ám ảnh tôi đến khi đi ngủ. Bố gọi đến, giục tôi về nhà. Trước lang thang trên thành phố cũng chẳng làm nên trò trống gì, giờ lại sống như con dở trong rừng. Bố nói thế đấy. Còn mẹ thì chỉ ngậm ngùi sụt sịt. “Miễn là con vui thì mẹ cũng vui. Nuôi con từ bé mẹ hiểu không thể cản nổi việc con muốn làm gì. Miễn là không để chìm vào thứ gọi là bản năng mà thôi”. Tôi hiểu suy nghĩ của mẹ và cả bố. Dù tôi từng đem niềm tự hào đến cho gia đình ở thời thơ ấu. Dù tôi có hiểu một chút về sự tổn thương. Công việc nghiên cứu không đem lại nhiều tiền tài và danh vọng. Có lẽ tôi cũng nhận ra một chút ích kỷ trong mình. Nhưng biết sao được. Rừng sao. Rừng vốn không phải là nơi ở của con người. Nhưng rừng còn tồn tại thì loài người mới sống được.
“Chà, cậu lại triết lý rồi đây. Còn tớ thấy rừng cứ là rừng thôi. Cây dại mọc lên, lớn và rủ lá đâu có vì con người. Vậy mới có những người như tớ sống vì trách nhiệm bảo vệ cây”.
“Cháu không biết mình sẽ làm gì cho nơi này, nhưng cháu muốn làm gì đó lớn hơn. Vì thế cháu sẽ không ở đây nữa. Nhưng cháu sẽ quay lại sớm thôi”.
Lão Hoan đứng dậy, gật đầu mấy cái rồi mất dạng sau tán lá xanh tươi. Hướng mắt vào nhìn kỹ thì thấy có nhiều lá vàng. Vệt cháy đen trên thân ông cây cứ như con mắt chĩa về tôi bằng ánh nhìn ngạo nghễ. “Thằng lâm tặc nào đã gây ra vết đó? Nó có biết nếu da thịt người hứng chịu thì sẽ đau đớn thế nào không?”. Đó là câu hỏi mà ông Hoan cứ lặp đi lặp lại. Không có ai trả lời.
Cây vẫn sống. Vẫn thay lá và cho hoa. Vẫn kiêu hãnh che bóng cho con người nhỏ bé. Chỉ có ánh sáng của bầu trời minh chứng cho sự cố gắng tột cùng và vô tận ấy của rừng cây, cũng như của loài người.
Chỉ còn cách tiếp tục tiến về phía trước…
Bạn đang đọc Cây chột – Truyện ngắn dự thi của Đinh Thành Trung (Hà Nội) tại website hungday.com