CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI SỰ TỰ DO (3): THE FREE SOFTWARE MOVEMENT VÀ CỘNG ĐỒNG LINUX (PHẦN 1)
Tháng chín 2, 2024
Note: bài viết này dựa trên bài phát biểu của Richard Stallman trên TED và một số tài liệu khác như wiki, FSF pages, … và chính kinh nghiệm của bản thân mình. Đây là một trong những chủ đề khó luận nhất trong những chủ đề về Thế giới Tự do trong công nghệ, vì vậy nếu có thiếu sót thì mình xin được nhận ý kiến của các bạn để điều chỉnh và sửa đổi cho bài này tốt hơn.
Có nhiều bạn sử dụng Linux bây giờ vẫn chưa hiểu đến khái niệm “Free Software Movement” này, và đây là một hiện tượng khá buồn nhưng cũng hợp lý. Bởi vì, đây được xem là một trong những điều kỳ lạ nhất trong cộng đồng Linux đối với mọi người. Và không phải ai cũng tuân thủ phương châm này, vậy nên chủ đề này thường được bỏ ngoài tai khá nhiều và hiếm ai lại cố gắng viết chuyên sâu về chủ đề này như mình cả (bạn có thể coi là mình rảnh cũng được).
Tuy vậy đây là một trong những chủ đề quan trọng nhất trong công nghệ. Free Software Movement đã trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến bộ mặt công nghệ đến tận bây giờ. Vậy rốt cuộc tại sao Free Software Movement lại trở nên quan trọng đến như vậy? Và tại sao, đây chính là nhân tố cốt lõi tạo nên một cộng đồng Linux tuyệt vời đến như vậy?
I. FREE SOFTWARE MOVEMENT
HỒI 0: ẤN TƯỢNG BAN ĐẦU
Khi nhìn qua thumbnail, chúng ta thấy ngay một dòng chữ rất rõ ràng “Big sacrifices for freedom” và hình ảnh tượng trưng cho một cuộc cách mạng. Đây là một trong những video đã truyền cảm hứng to lớn nhất cho mình để chắp bút viết nên bài này.
Vậy Free Software Movement có thật sự “cách mạng” như dòng chữ kia không? Và nếu “cách mạng”, vậy nó là về cái gì?
Dù không chắc nội dung như thế nào, như khi nghe đến “sacrifice” (hy sinh) và “freedom” (tự do) thì chúng ta có thể mường tượng được một kiểu tư tưởng gì đó rất mới, rất đột phá, và có thể sẽ làm thay đổi mãi mãi một con người cho một mục đích gì đó cao lớn hơn – hay đó chính là “tự do”.
Nói cách khác, từ đây, bạn sẽ phải reset lại tất cả những gì bạn đã và đang biết về cục diện chung của công nghệ bây giờ. Hãy bắt đầu nhìn nhận vấn đề này bằng một con mắt khác hoàn toàn, hoặc thậm chí, là chưa từng được đề cập đến trong sách vở của môn học Công Nghệ Thông Tin thường thấy.
(Lưu ý, hết sức lưu ý: từ hồi 1 đến hồi 3 đều được trích dẫn trực tiếp từ ý kiến cốt lõi của Richard Stallman, chắc chắn sẽ có thêm thắt vì lý do chính đáng).
HỒI 1: Ý TƯỞNG VÀ TÍNH CÁCH MẠNG
Richard Stallman xuất hiện trong bài nói này với một ý tưởng thú vị thế này: “Ai là người điều khiển chiếc máy tính của bạn?”
Chắc bạn sẽ nghĩ: “Đương nhiên là mình rồi.”
Không.
Trước hết, chúng ta phải định nghĩa lại chiếc máy tính: Máy tính là một cỗ máy có thể nhận các lệnh và thực thi nó. Các lệnh này sẽ được thực hiện theo tuần tự, tức cứ mỗi lệnh mà người dùng đưa cho máy, máy sẽ làm, và nếu người dùng tiếp tục đưa cho máy một lệnh khác, máy sẽ tiếp tục làm lệnh đó. Hay nói một cách chuyên ngành hơn, máy tính là một cỗ máy Turing (Turing machine).
Lý thuyết nhiêu đó là được rồi. Vậy, ai là người đưa mệnh lệnh của họ cho máy tính? Người dùng đúng không?
Không.
Bạn nên biết rằng, không phải lúc nào mình cũng là người điều khiển chiếc máy tính của mình. Thử ví dụ như bạn đang sử dụng Windows đi, máy tính của bạn không chỉ nghe lệnh của mình, nó còn nghe lệnh của Microsoft – công ty đã tạo ra thứ phần mềm độc quyền đó.
Tức là, chúng ta không hề có quyền tự do để điều khiển chính chiếc máy của mình. Đó là lý do tại sao, những chiếc máy tính và điện thoại là hoàn toàn không hề bảo mật. Và việc những công ty kia “nghe lén” những thông tin mật của bạn, đó là một điều, hoàn toàn bình thường. Do đó, lâu lâu khi mình xem quảng cáo của Apple và Microsoft, mình chỉ biết cười trừ thôi, vì cái khái niệm “We value your privacy” của họ thật nhảm nhí và nực cười.
Vậy, khi nào thì mình mới có thể kiểm soát chính cái máy của mình?
Chúng ta nên xét lại một lần nữa thế này: quan hệ của phần mềm và người dùng chỉ có hai trường hợp, một là người dùng quản lý phần mềm, hai, là phần mềm quản lý người dùng.
Vậy thì thế nào là “người dùng quản lý phần mềm”?
Người dùng quản lý phần mềm khi, và chỉ khi, người dùng nhận được TẤT CẢ bốn quyền tự do (Freedom) sau:
Freedom 0: Run it
Freedom 1: Change it
Freedom 2: Redistribute it
Freedom 3: Redistribute it with changes
Đây chính là nội dung chính và là cốt lõi nhất trong Free Software Movement.
Vậy thì, thật sự, nội dung của bốn điều luật trên là như thế nào?
HỒI 2: NỘI DUNG CỐT LÕI
Hãy cùng phân tích 4 điều luật trên:
FREEDOM 0: Run it
Đây là một freedom rất, rất cơ bản mà mọi FOSS (Free Open-Source Software) đều phải tuân thủ. Về cơ bản, phần mềm được gọi là tuân thủ freedom này khi phần mềm này có thể được sử dụng để chạy dưới bất kì hình thức và mục đích nào, tức, bạn muốn nó chạy thế nào thì đó là tùy bạn, không ai có thể cấm được.
Vậy phần mềm nào không đạt được tiêu chí trên?
Vâng, một ví dụ điển hình chính là Microsoft Windows. Bạn có thể kể bao nhiêu lần Windows ép buộc bạn phải update hệ điều hành của mình, dù bạn có muốn hay không chưa? Để thoát khỏi nó, hẳn bạn phải cài vài cái update blocker đúng không?
Rất dễ hiểu khi một số phần mềm không cho bạn quyền lợi này, đó là bởi tính thân thiện và dễ sử dụng của phần mềm nên họ buộc phải làm như vậy để trải nghiệm của bạn luôn là tốt nhất. Nhưng, Microsoft là một trong những công ty ép buộc người dùng phải update Windows ác liệt nhất, kể cả khi bản update đó lại là bản làm yếu đi cái hệ điều hành của chính bạn.
Ở đây, mình không nói rằng mình ghét Microsoft. Mình chỉ đang nhận xét theo một cách cực kì khách quan và công bằng dựa trên những tiêu chí được đề ra bởi Richard.
Vậy freedom tiếp theo là gì?
FREEDOM 1: Change it
Bây giờ thì khó hơn. Freedom này nói rằng phần mềm đó phải cho phép người dùng tùy thích tìm hiểu và thay đổi source code của cái phần mềm đó. Vâng, tùy thích.
Tất cả các phần mềm như Chrome, Edge, Spotify, Facebook, Instagram, … vi phạm hoàn toàn điều lệ này. Đó là bởi vì các phần mềm này đều là close-source software sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau nhưng chủ yếu là để kiếm thêm tiền và kinh doanh. Do đó, không thể open-source các phần mềm trên được. Đây có vẻ chính là một lý do chính đáng để có thể không sử dụng quyền tự do này, đúng không?
Không hẳn. Còn tại sao thì bạn sẽ biết sớm thôi.
Freedom này nói rằng “chúng ta có quyền thay đổi source code theo cách mà chúng ta muốn”. Tuy vậy, sẽ thế nào nếu trường hợp những người muốn thay đổi source code lại không biết lập trình? Đây là lý do tại sao họ cần phải hợp tác (cần có collective freedoms). Các developers sẽ nghe ý kiến từ chính họ và sau đó viết những thay đổi vào trong source code của chính project đó.
FREEDOM 2: Redistribute it
Sau khi điều chỉnh code rồi, bạn cũng cần phải có freedom này: chúng ta được quyền phân phối, sao chép lại project đó và sử dụng bản phân phối này cho nhiều mục đích khác nhau, tùy bạn.
FREEDOM 3: Redistribute it with changes
Freedom này cũng tương tự với freedom 2. Tuy vậy, nó cũng đúng cho các bản phân phối có sự thay đổi của chính project đó.
Đó là lý do tại sao chúng ta có các bản fork của một project nào đó. Bản fork về cơ bản chính là bản phân phối lại và điều chỉnh thêm của project đó mà không ảnh hưởng đến chính source code của project, vì vậy cộng đồng dev thường hay thích tạo các bản fork sau đó PR lại commits của bản thân mình vào các project kia, từ đó project sẽ trở nên phát triển hơn. Đấy cũng là một phần ý nghĩa của hai freedom 2, 3 này.
Tất cả các phần mềm nào đạt chuẩn 4 freedom mình vừa mới kể trên, bọn chúng đều được gọi là FOSS (Free Open-Source Software). FOSS, tức những phần mềm mà người dùng có thể quản lý và điều khiển, tức, khi bạn sử dụng FOSS, bạn đang thực sự quản lý chính phần mềm của bản thân bạn.
Ngược lại, nếu như ít nhất 1 trong 4 điều trên bị vi phạm, phần mềm đó thật sự không thể bị điều khiển được. Tức, phần mềm đó quản lý chính người dùng của mình, và chỉ có các dev tạo ra phần mềm đó hoặc các công ty mới có thể quản lý được phần mềm đó thôi. Bọn chúng, theo Richard, đều bị liệt vào danh sách “proprietary software”, hay “software for suckers” (thật sự đây là một khái niệm rất xúc phạm đến các “proprietary software”, tuy vậy một phần nào đó chúng ta không thể phủ nhận được một điều là các loại software đó không hề cho người dùng sự tự do như họ muốn được, vì các lý do hồi sau sẽ rõ).
Vậy nếu như các phần mềm không tuân theo những điều luật trên thì tại sao họ lại làm như vậy?
HỒI 3: HÃY NHỚ RẰNG, TẤT CẢ CHỈ LÀ VÌ TIỀN
Như đã lập luận ở trên, các phần mềm không tuân theo 4 điều luật của sự Tự do trên phần lớn đều là các phần mềm độc quyền (proprietary software) của các công ty và tổ chức kinh doanh lớn. Vậy hậu quả, hay nói cách khác, mặt trái của những software lớn này là gì?
Hãy nhớ rằng, phần mềm độc quyền không bị kiểm soát bởi người dùng, mà bởi chính chủ nhân của nó – những công ty lớn. Họ có thể thu thập thông tin cá nhân của người dùng, điều khiển các thông tin đó (thêm, bớt, điều chỉnh, thậm chí xóa đi các thông tin đó), và có thể gây hại cho người dùng. Họ làm vậy để làm gì? Vì tiền. Tất cả những phần mềm độc quyền ấy đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng mà không hề có bất kì một sự xấu hổ nào cả. Họ làm vậy chỉ vì muốn kiếm được tiền, càng nhiều tiền càng tốt. Họ nói về những thứ đó mà không hề có một sự hối lỗi nào cả, mà ngược lại, lại được xem là rất bình thường. Họ độc quyền phần mềm, tức, họ đã quản lý người dùng, và người dùng hoàn toàn chịu sự phụ thuộc từ chính công ty đó.
Kết quả, chúng ta giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào những công ty lớn. Chúng ta sống trong thế giới nơi mà con người ai cũng đang sử dụng iOS, Android; bật máy tính lên thì thấy Windows, macOS; lướt mạng thì có Google, Facebook, Twitter, Instagram, TikTok, … Tất cả đều là những phần mềm độc quyền, và âm mưu của họ trên hết, đó chính là phải kiếm thật bội tiền từ chính người dùng bằng cách quản lý người dùng theo mọi cách khác nhau, từ đó chúng ta không còn quá nhiều sự tự do trong chính những phần mềm mà chúng ta đang dùng nữa. Và để tránh tình trạng mọi người phản đối việc này, cũng bởi vì tiền, họ đã close-source hoàn toàn phần mềm của họ. Cái cớ close-source vì kiếm tiền đó thật ra sâu xa hơn rất nhiều, nó có thể là những âm mưu bí ẩn nào đó từ chính phủ, hoặc cũng có thể đơn giản, đó là công ty đó muốn hoàn toàn quản lý bạn, từ đó họ có thể dễ dàng kiếm được nhiều tiền hơn.
Hay nói cách khác, chúng ta thật ra đang giao dịch với quỷ. Đúng vậy, một con quỷ mang tên “Proprietary Software”, một con quỷ có thể giết chết bạn bất cứ lúc nào.
Và để giải thoát khỏi điều đó, bạn sẽ làm gì? Thông thường cách cơ bản nhất đó chính là đừng dùng máy tính nữa. Tuy vậy, đây là một điều cực kì khó khăn. Vậy nên, chúng ta cần phải sử dụng những phần mềm hoàn toàn miễn phí, được xây dựng bởi chính những cộng đồng FOSS lớn. Điển hình nhất, đó chính là GNU/Linux.
Đó chính là ý tưởng cơ bản và cốt lõi nhất của Free Software Movement. Về cơ bản, nó là “sự giải thoát con người khỏi sự phụ thuộc vào các phần mềm độc quyền của tư bản”. Những người theo Free Software Movement sẽ nói rằng “những phần mềm độc quyền của những kẻ tư bản kia chẳng khác gì một loài gặm nhấm dần cuộc đời mỗi con người, và chúng ta cần phải giải thoát chính bản thân chúng ta khỏi con đường đó”.
Free Software Movement từ khi ra đời đã trở thành một kim chỉ nam cho toàn bộ cộng đồng Libre dưới ngọn cờ của Richard đấu tranh cho chính sự tự do của mỗi người dùng đối với những phần mềm của họ. Ý tưởng “chúng ta quản lý chiếc máy tính, không phải một ai khác” đã trở thành phương châm sống duy nhất của những con người theo chân lý của Richard, và cũng từ đó cộng đồng người dùng tự do dần phát triển và đã đạt được nhiều thành tựu hơn. Có thể nói thành tựu nổi bật nhất chính là hệ thống phần mềm đồ sộ GNU cùng với kernel Linux, lần đầu tiên những người dùng theo tư tưởng FSM đã có thể làm chủ chiếc máy của mình.
Nhưng thật sự có phải như vậy không?
HỒI 4: NHỮNG BẤT CẬP
Nếu ý tưởng Free Software Movement hay như vậy, tuyệt vời như vậy, thì tại sao chúng ta lại không phổ cập nó cho tất cả mọi người?
Trước hết, cần phải hiểu rằng, cụm từ “Free Software Movement” được dùng để chỉ một ý tưởng về việc “giải phóng người dùng khỏi sự ảnh hưởng của những tập đoàn lớn, đem lại sự tự do trong việc sử dụng phần mềm của riêng họ”. Ý tưởng này trên lý thuyết có vẻ là một ý tưởng rất tuyệt vời, vì nó đảm bảo cho chúng ta những quyền lợi như sau:
1. Chúng ta được phép làm chủ chiếc máy tính của mình, nói đúng hơn là hệ điều hành và phần mềm bên trong hệ điều hành của mình. Sẽ không có bất kì một hành động nào ảnh hưởng đến hệ điều hành và phần mềm bên trong hệ điều hành của chúng ta từ một bên thứ ba nào khác, ví dụ như ép buộc update hệ điều hành, track thông tin, điều khiển thông tin ở trong máy, ép buộc người dùng phải đăng nhập tài khoản để sử dụng một cái gì đó, v.v.. Thay vào đó, tất cả những thao tác đến những đối tượng đó đều đến từ chính chúng ta, và chỉ chính chúng ta mới có thể thật sự điều khiển hành vi của phần mềm đó.
2. Chúng ta có quyền thay đổi tất cả những gì ở bên trong chính hệ điều hành của chúng ta. Từ giao diện đến hành vi sử dụng, chúng ta đều có thể tùy chỉnh mà không bị ngăn chặn bởi bất kì một hành vi nào.
3. Chúng ta có quyền nghiên cứu, thay đổi trực tiếp và phân phối các phiên bản khác nhau của những phần mềm mà chúng ta đang sử dụng. Chúng ta cũng có quyền nêu ý kiến, trao đổi và đóng góp cho chính phần mềm đó và cũng như bàn luận về cái phần mềm khác.
4. Chúng ta có quyền sử dụng tất cả những phần mềm của chúng ta mà không phải mất bất kì cái gì, tức, chúng ta hoàn toàn được sử dụng tất cả những gì mà phần mềm đó có thể hỗ trợ được. Sẽ không có bất kì nhân tố nào ngăn chặn những hành vi đó của chúng ta vì bất kì lý do gì.
Nhưng liệu chúng ta có cần nó không?
Nếu chúng ta đạt được sự Tự do tuyệt đối như vậy, chắc chắn nó sẽ nảy sinh ra khá nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Việc theo ý tưởng FSM đồng nghĩa với việc bạn sẽ chỉ làm software cho cộng đồng và software của bạn sẽ miễn phí (free as freedom) cho tất cả mọi người. Điều này khác gì nói là không được kiếm một đồng nào cho software của bản thân? Đúng là như vậy. Và nếu như vậy thì bạn đang từ chối sự hiện diện của ngân hàng, nhà nước, drivers và hàng tá những thứ khác mà bạn đang phụ thuộc nó mỗi ngày.
Việc có “free software” đồng nghĩa với việc không được che dấu bất kì thứ gì, kể cả đó có là bí mật cấp quốc gia đi chăng nữa (về mặt software). Có những thứ chúng ta buộc phải khóa không cho tất cả mọi người đều biết, phần vì lợi ích cá nhân và phần vì những lý do bảo mật. Không thể nào có thể kêu gọi tất cả mọi người cùng open source hết software của bản thân, free license nó để mọi người cùng “phân phối”. Vậy còn đâu cạnh tranh giữa các đối thủ và thị trường để làm gì?
Hơn nữa, nếu người dùng sở hữu quá nhiều control trên máy của mình, chuyện sẽ xảy ra thường gặp đó là họ sẽ không biết nên làm gì trên máy mình cho đúng. Bạn có sức mạnh có thể thay đổi giao diện của hệ điều hành, vậy bạn có muốn thay đổi không? Phần trăm người trả lời “không” sẽ nhiều hơn là “có”. Bởi nếu thay đổi thì chẳng khác gì kiếm thêm việc cho bản thân, khi mà tất cả những gì bạn muốn làm chỉ là làm cho xong việc trên máy rồi tắt đi ngủ.
Có nhiều ý kiến cho rằng free software kém chất lượng hơn so với proprietary software bởi vì free software được chắp bút và bổ sung bởi rất nhiều người, như vậy thì sẽ không có tính thống nhất trong source code. Hơn nữa, có một thực trạng là free software cũng có thể được viết bởi một indie dev nào đó nhưng không được test kỹ càng trên nhiều hệ thống (bởi mật độ dày đặc của Linux distros rất kinh khủng), và việc liên tục cập nhật mới với nhiều breaking changes (unstable versions) đã khiến cho nhiều người dùng cảm thấy khá đau đầu với bugs thay vì có thể làm xong việc với những chức năng và trải nghiệm tuyệt vời hơn của version lần này. Tuy nhiên, đây chỉ là một cái nhìn khá phiến diện, bởi vì nếu như vậy thì git sinh ra đời để làm gì? Hơn nữa, việc chọn software là tùy thuộc vào bạn, nếu có một software tồi thì chắc chắn sẽ có một software tốt hơn ở đâu đó. Và các software bạn cần với chất lượng khá tốt cũng luôn có “nightly” và “stable” label có các version rồi, vì vậy bạn có thể tùy chọn version nào bạn thích hay không. Tất cả quyền lựa chọn là thuộc về bạn, và sẽ chẳng có ai chọn cho bạn hay khuyến khích bạn nên chọn software nào. Và đây cũng chính là mối lo ngại lớn nhất của Free Software Movement.
THEO ĐUỔI FREE SOFTWARE MOVEMENT NGHĨA LÀ BẠN PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM TRƯỚC TẤT CẢ LỰA CHỌN CỦA MÌNH.
Và vì vậy nếu nó không phù hợp với bạn, hãy chọn cái khác.
Sự thực là, phần trăm rất nhiều Linux distro bạn đang chạy chỉ tầm 80% libre mà thôi. Phần còn lại là wifi drivers, GPU drivers và rất nhiều thứ khác. Chúng ta không thể nào có thể đạt được độ tuyệt đối 100% libre được (GNUGuix cũng không phải là một lựa chọn tồi nếu bạn có hứng thú), bởi vì như vậy thì làm sao chúng ta có thể hoàn thiện được công việc của bản thân.
Tuy vậy, FSM cũng chính là một tư tưởng mà rất nhiều các developers và users đang theo đuổi, bởi vì nó chính là ngọn cờ của sự Tự do tuyệt đối trong công nghệ. Chúng ta không thể libre tuyệt đối, nhưng chúng ta có thể libre đến hết mức trong khả năng của chúng ta, và từ đó đã có rất nhiều thành tựu trong công nghệ đã âm thầm kiến tạo nên thế giới công nghệ hiện đại của chúng ta theo đuổi thứ tư tưởng này.
HỒI 5: THÀNH TỰU VÀ ẢNH HƯỞNG
Nếu không có Free Software Movement, chắc chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết đến Linux.
Linus Torvalds thật ra đã theo đuổi ngọn cờ của Free Software Movement sau một buổi phát biểu của Richard Stallman, và từ đó ông đã quyết định public licensed cho Linux – project sau này chính là nền tảng khổng lồ cho những ước mơ vĩ đại của con người. Một hệ điều hành GNU/Linux hoạt động mượt mà, bảo mật tuyệt đối, và trên hết là miễn phí (free as freedom) cho tất cả mọi người chính là ước mơ của tất cả những người có tham vọng như Google đã tạo ra Android và hệ điều hành firmware trên chiếc xe ô tô của bạn. Không có Linux mà nếu nói chuyện xàm về AI cũng là cả một vấn đề 🙂
Free Software Movement cũng chính là ý tưởng chính của GPL License, một trong những license giúp bạn có thể tạo ra các free software cho nhiều người khác. Và cũng chính nhờ Free Software Movement mà chúng ta mới được trải nghiệm và nghiên cứu cũng như đóng góp cho những software tuyệt vời nhất để lập trình như: React, Vue, Svelte, Nodejs, Nextjs, VSCode, (C)Python, V8Engine, Chromium, GNU, v.v..
Nhắc đến GNU, có lẽ đó chính là software đã làm thay đổi rất nhiều người dùng trên thế giới này. GNU chính là lý do tại sao bạn lại được trải nghiệm các utilities tuyệt vời nhất của hệ điều hành huyền thoại: Unix. Bởi vì Unix là một hệ điều hành độc quyền, vậy nên GNU ra đời như là một cách miễn phí để trải nghiệm Unix và cũng là tiền đề cho nhiều developers có thể làm việc thuận tiện hơn rất nhiều trên các shell để tạo ra nhiều software mới thay đổi cả thế giới.
Việc Linux được open-source đồng nghĩa với việc chúng ta có thể nghiên cứu cách thức hệ điều hành hoạt động như thế nào. Vì vậy, Linux cũng có một ý nghĩa rất lớn trong giáo dục và nghiên cứu ở mức độ thấp nhất của hệ điều hành và máy tính (low-level engineering). Hơn nữa, vì Linux stable và bạn có thể tự do tùy chỉnh hệ điều hành theo ý thích, đó chính là lý do tại sao developer rất nghiện cảm giác khi dùng Linux, bởi vì về cơ bản chúng ta không hề bị hạn chế bởi hệ điều hành hay gì cả, nên chúng ta hoàn toàn muốn làm cái gì cũng được, đặc biệt là quyền admin “không giới hạn”.
Và nếu không có BSD open source thì làm gì có Darwin, macOS?
Cũng không thể nào quên được Git, một trong những version control được nhiều dev dùng nhất trên thế giới. Có Git, đời các dev cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều vì project giờ không cần phải lo lắng phải mất mát hay bị rối tung lên nữa. Hơn nữa, bạn có thể dùng Github (hay Gitlab) để lưu trữ code của bạn để cùng nhau chia sẻ cho mọi người.
Tầm ảnh hưởng của Free Software Movement lớn đến độ, không chỉ các developer mới cảm nhận được nó, và ngay cả người dùng phổ thông cũng có thể sở hữu được sức mạnh phi thường này. Ví dụ, Firefox, Brave là những browser hoàn toàn mở, VLC cho player media, 7-Zip (không phải Winrar đâu) cho file archiver và nhiều những thứ khác. Nếu không có Free Software Movement, Internet sẽ không bao giờ được chạy trên hệ điều hành Linux miễn phí hoàn toàn mà phải chuyển sang dùng những hệ điều hành khác như Windows hay macOS, và đương nhiên, những lựa chọn này không hề tồi, nhưng không tốt bằng Linux.
Free Software Movement vẫn còn là một chủ đề cần thêm một phần nữa, vì vậy đến đây có thể tái bút được rồi. Có thể nói, đây chính là một hệ tư tưởng đã thay đổi rất nhiều cục diện của công nghệ hiện đại. Nếu không có FSM, có thể chúng ta giờ đây chẳng thể nào có thể trải nghiệm cảm giác tuyệt vời trên terminal cùng với các Unix-like tools.
Phần tới sẽ tiếp tục bàn sâu hơn trong chính cộng đồng FSM cũng như những trận chiến công nghệ và nhiều thứ khác trong cộng đồng “rabbit hole” của GNU/Linux và FSF. Dù muốn hay không, chúng ta cũng phải thừa nhận một điều rằng, FSM đã thay đổi thế giới rất nhiều, vì nếu như bạn vẫn còn sử dụng terminal, bạn vẫn còn sẽ cần FSM rất nhiều.