Cháu tôi xếp mấy con bọ đi thành hàng
Tháng tám 21, 2024
Bên trong nhà tôi có trồng ít cây. Để trang trí cho mấy chậu cây đó, tôi mua một vài con bọ cánh cam bằng nhựa, nhỏ xíu xíu để dán lên lá, lên cành. Còn dư một ít tôi dán lên tường, lên đèn và lên ghế. Sáng nay khi đang tất bật chuẩn bị bước ra khỏi nhà, tôi thấy trên chiếc ghế tựa màu hường của vợ là tụi cánh cam đã được gỡ ra và sắp xếp lại.
Tôi còn nhớ như in, chính tay tôi đã dán ba con bọ đi từ trái qua phải, hai con bọ đi từ phải qua trái. Năm con chạm trán nhau ở một điểm trên thành ghế, dừng lại, giữ cho vạn vật được cân bằng. Vậy mà bây giờ chúng quay về chung một hướng, đi cùng một hàng, năm con đồng lòng, đồng sức hành quân đến một địa điểm bí mật nào đó, như thể đang lén lút lên kế hoạch xâm chiếm thế giới.
“Chỉ có thể là bé Mi!”
Cuối tuần rồi chị với mẹ có dẫn bé Mi lên thành phố khám bệnh. Bé Mi thích phá đồ chơi của vợ chồng tôi lắm. Nhất là mấy con cánh cam này, lúc nào lên cũng đòi gỡ ra vài con để vằn vọc. Bé Mi có một chiếc ô tô màu đỏ. Bé Mi cho một con ngồi trên ghế lái, một con bị nhốt trong cốp. Tôi đoán chừng là đang chơi trò mafia.
Tôi tự hỏi: Một đứa trẻ ba tuổi xếp mấy con bọ cánh cứng đi thành hàng làm gì nhỉ?
Các giả thuyết bắt đầu xuất hiện: Có khi nào là ngẫu nhiên? Có thể. Nhưng đây chắc chắn không phải là kiểu ngẫu nhiên tuyệt đối. Bởi vì có vô số cách để sắp xếp năm con bọ khắp nhà, tỷ lệ ra được kết quả như trên còn thấp hơn việc tôi trúng Vietlott (tôi không mua xổ số). Thay vào đó, đây phải là một kiểu giả ngẫu nhiên mà số lượng biến cố bị giới hạn bởi nhiều yếu tố khác nhau, cụ thể là điều kiện môi trường, tính cách của bé Mi, và những hình ảnh bên trong tiềm thức.
Nói về điều kiện môi trường thì phải nói đến tính chất của cái thành ghế. Đó chỉ là một dải nhựa hẹp. Nếu ta xoay tới xoay lui lũ bọ một cách không chủ đích, thì khả năng cao tụi nó vẫn sẽ nằm trên một đường thẳng. Đường thẳng này có thể sẽ không hoàn hảo nhưng vẫn đủ để tạo cho tâm trí con người một ảo giác về đường lối và ngăn nắp.
Các nhà tâm lí học gọi đây là quá trình xử lý từ trên xuống (top-down) của tri giác, là hiện tượng mà con người không nhìn nhận thực tế chính xác như nó vốn dĩ tồn tại – điều không thể – mà luôn can thiệp và diễn giải theo cách của riêng chúng ta, dựa trên bản năng đã tích lũy suốt quá trình tiến hóa và mọi trải nghiệm được lưu trữ dưới tiềm thức. Cụ thể hơn, loài người hiện đại sinh trưởng trong các môi trường có nhiều đường thẳng và ngang, hơn là các xiên – lấy ví dụ đường phố và các tòa nhà (vật thể nhân tạo) và cây cối (vật thể tự nhiên) chủ yếu là đường thẳng và ngang (Coppola và cs., 1998). Không lạ gì mà con người chúng ta tri giác các đường thẳng và ngang nhạy hơn các đường hướng khác; đây gọi là hiệu ứng đường xiên (oblique effect) (Appelle, 1972; Campbell và cs., 1966; Orban và cs., 1984). Việc tôi nhìn năm con bọ hợp thành một đường thẳng, thay vì bốn đường zíc zắc, tuân theo nguyên lý thị giác này.
Tiếp đến, hãy nói đến tính cách của bé Mi. Bé Mi nghịch ngợm, nhưng không đến nỗi phá phách. Mỗi lần định vọc cái gì mà có tôi ở gần, bé Mi cũng sẽ nhìn tôi chằm chằm như thể đang xin phép. Bé Mi được mẹ (chị tôi) dạy về việc không làm phiền và không phá hoại tài sản người lạ; một đứa trẻ sẽ nghe lời mẹ nếu thông điệp mà bà mẹ truyền tải (qua lời nói và hành động) là nhất quán. Vậy nên, tôi tin rằng bé Mi có nghịch ngợm thì sẽ cố gắng không thay đổi hiện trạng quá nhiều, hoặc cũng có thể nói là “không để lại dấu vết”. Khả năng cao bé Mi muốn thay đổi hiện trạng đám bọ để thử nghiệm, nhưng không muốn mang chúng đi nơi khác hay phá bỏ hoàn toàn cấu trúc hiện tại, thế nên chỉ sắp xếp lại trên cái thành ghế.
Nói gì thì nói, để chuyển năm con bọ đối đầu của tôi thành một hàng tiến quân thì chỉ cần xoay hai con bọ ngoài cùng theo hướng ngược lại (hoặc làm vậy với ba con bọ trong cùng), chứ không cần thiết đụng đến toàn bộ năm con. Với tiên đề về tính cách đã nói ở trên thì điều này rất hợp lý.
Nhưng đến đây thì một câu hỏi xuất hiện: Tại sao phải làm đám bọ đi cùng một hướng?
Chúng ta đến với yếu tố cuối cùng: những hình ảnh trong tiềm thức. Nhà mẹ tôi ở Vũng Tàu (nơi bé Mi sống) có kiến. Trên tivi hẳn cũng có các đàn kiến. Và khi nói đến một đàn kiến thì hình ảnh hiện lên đầu tiên hẳn là chúng đi thành một hàng thẳng tắp. Nếu vậy thì lúc sắp xếp lại đám bọ của tôi, có thể hình ảnh đàn kiến đã quay trở lại tâm trí bé Mi (hữu thức hoặc vô thức) và khiến bé Mi tái tạo lại hình ảnh đó.
Carl Jung viết: “Con người không sở hữu ý tưởng. Ý tưởng sở hữu con người.” – chúng ta đã chứng kiến xuyên suốt lịch sử, con người là tạm bợ nhưng ý tưởng là trường tồn; ở các ví dụ cực đoan nhất thì hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu người đã hy sinh để cho ý tưởng của họ (ý tưởng sở hữu họ) được tồn tại. Hình ảnh thì lại là dạng thức nguyên thủy và mạnh mẽ nhất của ý tưởng. Việc một hình ảnh tái tạo chính nó trong những cảnh huống đời thường không có gì lạ.
Nhưng tại sao bé Mi không tái tạo hình ảnh những đàn kiến đi ngang đi dọc mà chỉ tái tạo lại đàn kiến đi ngay hàng thẳng lối?
Chúng ta chuyển đến phần diễn giải ý nghĩa đằng sau biểu tượng. Năm con bọ đi về một hướng có thể xem là biểu tượng của sự hòa thuận. Năm con bọ đối đầu nhau có thể xem là biểu tượng của sự xung đột. Con nít phân biệt đúng và sai theo một tiêu chuẩn cứng nhắc, thường là được thừa hưởng nguyên vẹn từ hệ giá trị của người lớn. Nhìn một đứa trẻ phán xét tốt xấu, ta có thể đoán được phần nào hệ giá trị của người lớn xung quanh đứa trẻ. Kohlberg gọi giai đoạn này là “tuân thủ và trừng phạt” trong tiến trình phát triển đạo đức.
Không khó để hình dung người lớn xung quanh bé Mi, nhất là trong bối cảnh văn hóa thiên về cộng đồng như Việt Nam, coi trọng các yếu tố như hòa thuận, đoàn kết, dĩ hòa vi quý hơn là xung đột, chia rẽ và thể hiện bản sắc cá nhân. Với hệ giá trị được thừa hưởng này, kết hợp với việc tư duy của một đứa trẻ chưa phát triển trọn vẹn để chứa đựng mâu thuẫn, bé Mi có thể có một thôi thúc muốn đóng khuôn tri giác của mình để phù hợp với những gì đã biết. Thế là bé không chú ý một cách có chọn lọc (selective inattention) đến hình ảnh những đàn kiến đi không ngay hàng thẳng lối và ngứa ngáy muốn chỉnh sửa lại đàn bọ của tôi cho thật tình thương mến thương.
Chỉ là một bài phân tích vui về hiện tượng thú vị. Nhưng vui không có nghĩa là không nghiêm túc. Đừng xem nhẹ những biểu hiện nho nhỏ của tụi con nít, bởi vì chúng thể hiện rất nhiều điều; chỉ là chúng ta có muốn hiểu hay không thôi.