CHI TIÊU ĐỂ TIẾT KIỆM – NGHỊCH LÝ MUA SẮM MÀ TA ĐÃ NGẦM ĐỒNG Ý KHI NÀO KHÔNG HAY
Tháng sáu 10, 2024
Mình không phải người làm trong lĩnh vực tài chính. Mình làm công ăn lương, từng làm qua một vài “nine-to-five job” hơi thú vị một chút, thỉnh thoảng nhận được job ngoài nhưng không ổn định, có một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với mức phí trung bình và đang cố gắng thoát khỏi nợ tín dụng. Nếu bạn có background tương tự, có lẽ chúng ta sẽ giúp được nhau để có một tình hình tài chính cá nhân dễ thở hơn.
Dưới đây là những sai lầm trong tài chính cá nhân mình đã lỡ sa chân và và quá trình để thoát ra thực sự chật vật
Sai lầm số 1: Tiêu những đồng tiền mình chưa có
Vâng đó chính là thẻ tín dụng, mình đã khóa 3 chiếc thẻ và hiện đang cầu nguyện để có thể trả hết nợ 3 chiếc thẻ đó trong năm nay.
Bạn còn nhớ giây phút nhân viên ngân hàng chào mời bạn mở thẻ tín dụng chứ. Quy trình thì đơn giản mà lợi ích thì đã hơn uống Pepsi giữa ngày thủ đô nắng nóng 40 độ:
Rút tiền mặt không giới hạn và không tính phí
Tiêu trước trả tiền sau không lãi suất lên đến 45 ngày
Chốt đơn thả ga và hoàn tiền đến 20%
…..
Tất cả những điều này chỉ biến thành lợi ích khi và chỉ khi bạn thanh toán tất cả khoản nợ đúng hạn. Vâng, có 2 yếu tố ở đây cần nhấn mạnh là “TẤT CẢ SỐ NỢ” và “ĐÚNG HẠN”. Ngay lập tức, chúng ta có “CÁI BẪY” TRẢ MỨC TỐI THIỂU, lại là một chính sách tuyệt vời để chúng ta không rơi vào nợ xấu và tránh được khoản phí trả chậm. Tuy nhiên những người làm tài chính đâu phải nhà từ thiện, số tiền còn chưa trả ngày nào chúng ta còn bị tính lãi ngày đó. Và lời nhắc chỉ cần trả số tối thiểu hàng tháng vẫn trông thật hấp dẫn.
Sai lầm số 2: Tiêu xài vào những thứ mình không cần
Chủ nghĩa tiêu dùng luôn khiến chúng ta cảm thấy thiếu thốn khi chưa mua một thứ gì đó, và cũng khiến chúng ta lập tức trở thành một chàng trai lịch lãm, một cô gái thu hút mọi ánh nhìn, một bà mẹ khéo chăm con, một nàng dâu tháo vát,… khi chỉ cần sở hữu trong tay một sản phẩm nào đó.
Chủ nghĩa tiêu dùng tiếp tục cho ta cảm giác mình là người tiêu dùng thông thái khi “sử dụng mã này để nhận giảm giá đến 30%”,… , MỘT MÓN HỜI!
Bạn thấy điều vô lý chưa? Chúng ta được khuyến khích TIÊU TIỀN và bị thuyết phục rằng ta đang TIẾT KIỆM TIỀN.
Nói thì dễ đấy nhưng với mình – một highkey girl điển hình trên mạng xã hội, nếu một chiếc váy đã xuất hiện trên trang cá nhân của mình thì nghĩa là nó đã cũ và không nên xuất hiện lần nữa. Đã đến lúc đi shopping thôi, và giây phút nhập mã giảm giá thành công lại tiếp tục tạo “cú hích” cho sự hài lòng với bản thân. Thậm chí khi mặc chiếc váy mới mình còn đi khoe với bạn bè: “Nhìn này, mình vừa săn được một món hời trên mạng”.
“Nếu không mua, ta sẽ được giảm giá 100%”_Claer Barrett_
Chúng ta sẽ nói đến chuyện cách để được “giảm giá 100%” ở phần sau.
Sai lầm số 3: Cố gắng tiết kiệm bằng cách chắt bóp từng đồng
“Có những lúc, người nghèo được khen là giỏi tiết kiệm. Nhưng việc khuyến khích người nghèo tiết kiệm thì vừa lố bịch vừa xúc phạm. Nó giống như việc bạn khuyên một người đang đói ăn ít đi vậy.” _Oscar Wilde_
Mình không nghèo. Với thu nhập của một người làm văn phòng tại Hà Nội, độc thân chưa có con và không có người phụ thuộc thì chắc chắn là vậy. Nhưng tiết kiệm bằng cách chắt bóp từng khoản chi tiêu rõ ràng không phải cách làm duy nhất và tốt nhất ở đây.
Với những người không nghèo và cũng chẳng giàu như mình, ngân sách cho chi tiêu chủ yếu là dành cho những nhu cầu thiết yếu như ăn uống, sinh hoạt,… nếu thực sự chắt bóp thì chẳng phải những nhu cầu thiết yếu sẽ bị ảnh hưởng sao, chắc chắn bạn và mình đều không muốn điều đó xảy ra.
Bạn có thể cho rằng mình đang biện minh cho sở thích tiêu xài và đã bị chủ nghĩa tiêu dùng mua chuộc. Cũng có thể, bởi khoản tiết kiệm được từ cắt giảm tiêu dùng của mình rất ít ỏi không đáng kể. Nhưng mình đang cố gắng tiết kiệm bằng một cách hiệu quả hơn đó là kiếm thêm nhiều tiền hơn.
Sai lầm số 4: Không đầu tư và không tìm hiểu về đầu tư
Thời điểm viết bài viết này, kiến thức về đầu tư của mình vẫn là một con số 0 tròn trĩnh. Tuy nhiên, có một điều mình hiểu đó là nếu dùng sức để kiếm tiền thì giá trị lao động tính theo giờ, dùng trí óc kiếm tiền thì được tính theo năng lực, còn nếu dùng tiền để kiếm tiền thì giá trị sẽ là vô hạn.
Và thực tế cũng đã chỉ ra “đầu tư = giàu có” không phải luôn là một phép toán đúng. Vậy nên loại đầu tư hiện tại mình có thể tham gia để “sinh lời” ngay trước mắt đó là đầu tư kiến thức về đầu tư cho bản thân. Hy vọng bài viết tiếp theo nào đó mình có thể chia sẻ về trải nghiệm đầu tư của chính mình.
Giờ thì quay trở lại với cách để được “giảm giá 100%” nhé!
Mình sẽ không khuyên bạn ngừng mua sắm, vì nó vô lý và không thể thực hiện được. Nhưng cách đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn khó nói “có” hơn trước những món hời ảo khi mua sắm và tránh được sự cám dỗ khi rút chiếc thẻ tín dụng ra khỏi ví.
Nhà giáo dục tài chính Hoa Kỳ Tiffany Aliche (The Budgetnista) đã chia sẻ trên chương trình Get Smart With Money một hệ thống tên là “Cần – Yêu – Thích – Muốn”. Theo đó, bạn sẽ định nghĩa và phân loại khoản chi tiêu theo 4 nhu cầu này.
“Cần” sẽ là định nghĩa cho những thứ thiết yếu trong cuộc sống của bạn nhằm đảm bảo sức khỏe, sự an toàn cho bạn và gia đình như tiền nhà, hóa đơn sinh hoạt, thực phẩm,…Đương nhiên rồi, ta cần thỏa mãn các nhu cầu thấp nhất ở tháp nhu cầu Maslow để có thể tiến lên thêm bất kỳ nhu cầu cao hơn nào khác.
“Yêu” được Tiffany định nghĩa là những gì bạn ước mơ thực hiện như kinh doanh riêng, mua một ngôi nhà,… những điều mà đem lại niềm vui cho bạn trong dài hạn từ 1 năm trở lên. Nếu gặp khó khăn trong việc tìm ra thứ mà mình yêu để đổ tiền vào nó, Tiffany cho bạn 1 tip, rằng hãy tưởng tượng mình sở hữu tài khoản ngân hàng của Oprah, bạn sẽ làm gì? Hãy chọn ra chỉ 2 điều bạn muốn làm nhất và đó chính là khoản đầu tư xứng đáng.
“Thích” là một giao dịch cho sự hài lòng tạm thời của bạn trong vòng 6 tháng hoặc ít hơn, ví dụ như quần áo, giày dép,…
“Muốn” là những chi tiêu phục vụ cho sự hài lòng nhất thời, dấu hiệu dễ thấy nhất của nó là bạn mua một thứ vì nó đang giảm giá hoặc vì ai cũng đang sở hữu nó còn bạn thì chưa.
Tiffany cũng khuyên chúng ta hãy tập trung vào những thứ “cần” và “yêu” để sống có trách nhiệm với nguồn tài chính của mình hơn. Nếu quá tập trung cho những thứ bạn “thích” và “muốn”, nguồn lực tài chính dành cho những thứ bạn “cần” và “yêu” – những thứ thực sự cải thiện cuộc sống của bạn sẽ trở nên cạn kiệt.
Trên đây mới là một cách mình áp dụng để trở nên tỉnh táo hơn khi mua sắm bởi nó đơn giản, dễ thực hành dành cho những người chưa có nhiều khái niệm hay kinh nghiệm về quản lý tài chính như mình. Hãy cho mình biết thêm những cách hay ho khác mà bạn đang làm để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả nhé.