Chỉ yêu có nhau.
“Đợi anh chút,” tôi vớ lấy chiếc điện thoại cách mình chừng một sải tay. “Gần bảy giờ tối rồi, em phải về à?”
“Vâng, nhà em xa lắm.”
Tôi định mở lời tiễn cô về nhà, nhưng bị một nỗi niềm hèn nhát vô hình chặn lại. Tôi ngồi im như phỗng, cô đứng dậy, khẽ chào rồi lướt qua tôi như lướt qua một kẻ xa lạ trên phố.
Tôi đứng dậy đi theo, như để tiễn. Khi cô tra chìa vào ổ khóa chiếc xe máy, bàn tay cô thấp thoáng trắng ngần, từng móng tay nhỏ nhắn, được tỉa tót như món đồ gia công của một ông thợ lành nghề. Tôi những muốn gửi hàng ngàn nụ hôn lên đôi bàn tay ấy, chạm vào, vuốt ve nó.
Cô chào tôi thật nhỏ nhẹ. Rồi ánh đèn pha rọi sáng như chọc thủng tấm màn đen, cô ngoặt cổ tay và chiếc xe chầm chậm lăn bánh, lướt ngang một vũng nước ở lối ra vào, làm những tia nước rẽ nhánh sang hai bên.
“À, mai em lại ra với anh nhé.” Cô nói với lại lúc đi ngang qua chiếc cổng thép màu xanh da trời.
Hôm sau cô không trở lại. Hôm sau nữa cũng không. Dù những hôm ấy đều rất đẹp trời, và chúng tôi vẫn nhắn tin suốt. Tới ngày thứ ba khi tôi ra sân thì thấy cô đã ở đó sẵn rồi. Trên đường tôi đã nghĩ về cô và suy đoán xem liệu cô có ra sân hôm nay hay không, và mặc dù đã tự nhủ lòng rằng cô sẽ không ra đâu để đẩy lùi trước sự thất vọng, tôi không thể không mỉm cười khi thấy dáng hình cô in bóng trong tầm mắt. Mọi thứ quanh tôi như được phủ một lớp sương khiến tất cả nhạt nhoà cả đi, còn cô đứng đó, rực rỡ như ánh nắng sớm mai dẫu bấy giờ đã úa màu chiều tà.
“Em xin lỗi, mấy hôm trước em bận quá.” Cô mở lời thanh minh cho những lần lỡ hẹn. Và chỉ có thế, tôi không ra vẻ muốn hỏi thêm.
Lần này, chúng tôi vẫn chuyện trò về những thứ vô thưởng vô phạt, nhưng tôi cũng thấy có tiến triển chút ít. Cô đã dạn dĩ hơn và nói nhiều hơn. Cô kể tôi nghe về một ngày đi học, những chuyện vui vẻ vặt vãnh mà lũ học sinh thường làm với nhau, ông thầy giáo chủ nhiệm tếu táo hay pha trò và bất lực, rồi, đánh sang chuyện riêng ở nhà, rằng mẹ cô trước từng là hoa khôi của trường cấp ba đấy, ông thầy giáo là bạn của mẹ em, cô nói, tôi chỉ im lặng phủ phục lắng nghe. Cô kể say sưa thành ra tôi cũng chẳng biết cắt lời thế nào, dẫu tôi thấy những mẩu chuyện tầm thường ấy rất chán.
Tới gần bảy giờ tối thì tôi ngỏ lời muốn cùng cô đi dạo. Cô đồng ý ngay. Chúng tôi lượn vòng quanh khuôn viên trường đại học. Tôi rảo bước và cô theo sau, thi thoảng cô lại tiến lên, và chúng tôi cứ bước đi như thế dưới ánh đèn điện leo lắt lờ mờ, dưới cái tĩnh lặng rụt rè của những điều muốn nói nhưng không biết phải nói ra sao.
“Lạ thật,” cô thình lình cất tiếng. “Anh có nghĩ là chúng mình đang hẹn hò không?”
“Em thấy mình giống đang hẹn hò à?”
“Em ghét những người trả lời một câu hỏi bằng một câu hỏi khác lắm nhé!”
“Thôi được, anh thấy mình giống đang hẹn hò đấy.”
“Thế là tốt rồi. Vì nếu thực thế thì, em thích lắm.”
Quen nhau lâu, tôi phát hiện ở cô nhiều thói huyễn hoặc mà lũ người tầm thường thường hay sa vào. Chẳng hạn, cô thích thứ nhạc xập xình inh tai nhức óc, thích những chốn đông đúc nhộn nhịp, hoặc thói la cà đêm hôm của bọn sinh viên mới lớn – dạo quanh phố phường vào giờ khuya, khi quán xá quây kín rèm và những tòa nhà dựng đứng u tối trông như bị bỏ hoang. Cô ngửa cổ thích thú khi làn sương đêm phả vào mình, cảm nhận cái rùng mình ẩm ướt thấm vào từng tấc da và cơn gió thoáng qua khiến váy áo cô phập phồng. Dường như những lúc đó cô mới thực sự là mình. Tôi thấy phiền hà và mệt mỏi vô kể, nhưng cô rất đáng yêu, thế là tôi gật đầu với mọi thỉnh cầu của cô.
Cứ thế, đôi tình nhân lang thang khắp mọi nẻo đường, dập dìu qua những cửa tiệm trưng đèn sáng lóa bán đủ mọi thứ trên đời: vải vóc xúng xính, giày dép chễm chệ trên những kệ gỗ, những chiếc túi da hàng hiệu có đính đá quý sặc mùi tiền. Qua cửa kính, chúng đáp lại ánh mắt trầm trồ của những kẻ vãng lai bằng sự dè bỉu vì biết bản thân chúng còn đắt giá hơn, có lẽ. Tôi dẫn cô tới nhà sách, những nhà sách xưa cũ có gác xép nằm tít sâu trong hẻm và phải để giày dép ở ngoài. Cô không đọc sách, nhưng thích mua sách cho tôi, và độ đó thì tôi chưa viết lách, nhưng tôi tin nếu tôi có viết, cô với bản tính nhẫn nại và dịu dàng muôn thuở sẽ trở thành độc giả trung thành nhất tôi từng có.
Thời gian rảnh, chúng tôi đi trung tâm thương mại. Tôi ghét cái ý tưởng đi vào một tòa nhà to tướng, nơi mà mọi thứ đều thôi thúc ta phải mua gì đấy, rồi rốt cuộc chẳng mua gì cả. Chỉ đi vòng quay, ngắm nghía mỗi chỗ một tí, hít hà những trầm hương, xịt thử những lọ nước hoa dùng thử, ướm vào người những chiếc áo. Chúng tôi đi ngang qua những quán ăn thơm nức mũi mà người nhân viên sẽ rào đón ngay tại cửa, và chúng tôi chỉ gật đầu phui phủi rồi khẽ lướt qua.
Những năm sau này tôi vẫn thường lẩn thẩn quanh những ngóc ngách của toà nhà xập xệ nơi in hình dấu bóng những kỷ niệm tươi mát về thời gian đã mất của hai đứa. Mỗi lần đi qua đó, tôi đều thấy một nỗi buồn trong mình, ban đầu chỉ như một chấm đen nhỏ, loang lổ ra như vết mực trên tờ giấy ẩm, rồi, tràn đầy, nhấp nhô như từng đợt sóng tới tấp đẩy tôi vào những hoang đảo mịt mùng. Nhưng những ký ức về cô hiện lên rõ mồn một như mới hôm qua, và tôi yêu cô của ngày tháng ấy xiết bao, khi cô còn dịu dàng phơi phới, và khi tôi chưa phá huỷ những gì tốt đẹp nhất trong cô.
Bản tính của phụ nữ khiến cô ngày càng yêu tôi hơn. Phần lớn thời gian chúng tôi đều rất hoà thuận. Chúng tôi nhớ nhung khi xa nhau và làm tình đến cuồng dại khi ở gần.
Thường thì sau mỗi lần lâm trận, cả hai đều đói ngấu và tôi sẽ đưa cô đi ăn mọi món cô thích, tới những nơi quang đãng khí trời để hít thở hoặc cô sẽ cùng tôi ra sân chơi bóng. Một ngày nực giữa tháng Chín, tôi ngồi cùng cô ở ven bờ hồ, dưới rặng liễu buông mình như người con gái xõa tóc chạm làn nước, tâm sự những chuyện vẩn vơ. Khi băng qua quảng trường để về lại chỗ để xe, mũ bảo hiểm của cô bị giấu đi đâu mất. Thế rồi một quãng cách đó không xa, tôi thấy cái chóp vàng được móc trên một cành cây. Tôi phải nhón chân lên mới gỡ được xuống, và khi đeo mũ vào đầu cô, tôi luôn miệng xin lỗi thì cô lập tức lấy tay chặn miệng tôi lại.
“Sau này anh sẽ thành người tuyệt lắm đây.” Cô nói.
“Em thật sự tin thế à?”
“Tin lắm chứ!”
Đợt lên Hà Nội không có xe, chúng tôi thường tản bộ qua khắp các chốn. Những ngày chớm thu, khi gió đầu mùa kéo về làm lá bay xào xạc trên lề đường, chúng tôi siết đôi bàn tay vào nhau và dán mắt vào những ô cửa kính tại các quầy hàng, nhìn ngắm những chiếc bàn phía trong và tưởng tượng sự ấm cúng đó đang bao bọc thân thể mình. Chúng tôi lê la qua từng quán xá, dừng lại ở những sạp ven đường tồi tàn tạm bợ và tránh né những quán ăn sang hoặc trông có vẻ sang. Sau này khi đã dư dả hơn, một mình tôi thử hết khu phố ẩm thực đó rồi vỡ lẽ rằng chúng đều mang một màu tạm bợ như nhau, tôi đâm tiếc nuối vì đã không dẫn cô tới những nơi đó. Cô đã ao ước chừng nào. Chúng tôi nghèo nên yêu kiểu người nghèo, và cũng hạnh phúc theo kiểu nghèo.
Tôi vẫn nhớ những ngày được tan ca sớm trước giờ trưa, tôi bắt chuyến xe ngắn sang trường đại học của cô, cách chỗ tôi chừng hai cây số, rồi đứng đợi cô trước khoảng hiên thuộc dãy nhà nơi cô học. Vài lần tôi phải đợi rất lâu, nhưng đợt đó tôi không cáu bẩn như bây giờ. Tôi sẵn sàng đợi cô một tiếng hoặc hơn, rồi ngay khi tiếng chuông báo hiệu tan học vừa dứt, cô gái của tôi trong chiếc polo màu huyết dụ cùng váy ngắn màu xám xếp ly sẽ chạy lon ton như một đứa trẻ, vừa bước đi vừa mỉm cười và tưởng chừng sẽ sà vào lòng tôi. Tôi muốn ôm lấy cô như ôm trọn khoảnh khắc ấy mà ép thật chặt vào lòng mình, khiến nó trở thành một phần của bản thể tôi, hoà lẫn vào con người tôi. Mãi sau này tôi mới biết điều đó là thừa.
Những ngày chớm đông gió lùa làm tê dại từng tế bào và những sợi lông tơ dựng đứng ngay hàng thẳng lối, cô ngồi sau và choàng ấp lấy vòng eo tôi và kể lể đủ thứ chuyện trên đời. Cô sẽ ngồi im thật ngoan ngoãn, lật giở vài trang sách và đợi tôi cho tới khi tôi làm việc chán chê, chỉ để đổi lấy một nụ hôn, một cái nhéo má hoặc đôi khi là không gì cả. Rời quán cafe, chúng tôi cùng về nhà và ăn một bữa ra trò, cô rửa bát đương lúc tôi tắm giặt, và rồi chúng tôi lại tiếp tục lê la hàng quán. Chúng tôi thường lui tới một quán ấm cúng rất được nằm đối diện trường cấp ba cô học, giờ đây quán đã sang tên đổi chủ, như thể nó cũng trôi dạt khỏi thực tại như chính cuộc tình của hai đứa. Tôi dẫn cô tới những hàng bán trang sức rẻ tiền, dù độ ấy tôi đã dư sức sắm cho cô những thứ xa xỉ hơn, nhưng cô dứt khoát là muốn những thứ trẻ con vặt vãnh này. Cô chọn những khuyên tai, nhẫn, vòng cổ, với giá rẻ như cho, mà tôi tin chắc sẽ hỏng sau vài tuần hoặc thất lạc đâu đấy.
“Anh, người ta bảo không nên mua giày cho người yêu, người ta chạy đi mất đấy.” Cô nói, trong một ngày gió rét, khi tôi đưa cô tới trước cửa hiệu.
“Vớ vẩn thật,” tôi làm cử chỉ khoát tay như thể không quan tâm. “Em tin mấy cái đó à?”
“Thì… biết đâu được.”
Cô quả thật đã chạy mất khỏi cuộc đời tôi. Nhưng đó là một cuộc chạy đường dài, nếu thế thì đôi giày tôi mua cho cô có vẻ không hợp bộ cho lắm, và thực ra thì cô đã vứt nó đi trong một lần cãi nhau ỏm tỏi không lâu trước đó. Mỗi lần cãi vã, chúng tôi dày vò đối phương đến mức giết chết tất cả những gì từng có chung với nhau. Con người, họ yêu nhau, đày đoạ nhau, rồi họ làm hoà. Và họ nhận ra không thể cứu vãn được nữa, tình yêu làm lộ ra cái đơn điệu muôn thuở của tình dục, như gã ảo thuật gia vén bức màn che phủ, bên trong không có gì cả. Nó đã biến mất, tình yêu đã mất.
Một buổi tối khi đã quá nửa đêm, cô khẽ lay tôi dậy và nói cô thèm ăn gì đó. Chúng tôi không có xe, vậy nên tôi và cô đã cuốc bộ gần một cây số tới một quán ăn đêm có bán thịt gà rất được mà tôi với cô vẫn thường ăn. Chúng tôi biết giờ đó quán vẫn còn mở cửa.
Khi trở về thì đổ mưa. Chúng tôi đã định ngồi tại quán chờ mưa dứt thì về, bởi sáng mai cả hai đều không có gì làm, hoàn toàn có thể nhấm nháp giết thì giờ. Nhưng chẳng hiểu do đâu mà chúng tôi quyết định sẽ đội mưa về. Tôi trùm chiếc áo khoác lên đầu rồi cô nép sát người tôi, vòng tay cô qua eo tôi và chúng tôi cứ thế bước đi. Trong lòng tôi râm ran một niềm hạnh phúc khó diễn tả thành lời, và tôi tin rằng cô cũng cảm thấy thế. Chúng tôi đã yêu nhau như thể chỉ có hai đứa trên đời. Khi về tới nhà, cô lăn kềnh xuống đệm, mái tóc rũ rượi rơi lả tả trên khuôn mặt trái xoan nhưng tôi vẫn thấy khóe miệng cô nở một nụ cười mãn nguyện, và tôi chẳng thay quần áo, cứ thế nằm đè lên người cô, hôn lấy hôn để vào tai, mũi, gáy cô khiến cô gập người lại vì nhột.
“Anh này, trong mơ mình cũng chỉ yêu có nhau thôi.”