Cho các thiết bị điện ‘nghỉ hưu non’ mùa nắng nóng
Cho các thiết bị điện ‘nghỉ hưu non’ mùa nắng nóng
Trước đây, chiếc tivi tại phòng khách cứ đến buổi tối là phải “làm việc” liên tục cho đến lúc đi cả nhà ngủ. Nay thì khác rồi, phương tiện nghe nhìn này chỉ được sử dụng trong khoảng 45 phút. Hết phần thời sự, tôi tắt nguồn, rút phích cắm điện và tivi được nghỉ ngơi trước cả nhà.
Dĩ nhiên, mỗi thành viên trong gia đình phải hy sinh thú vui hằng ngày của mình. Nhiều bộ phim dài nhiều tập đành tạm gác lại, bởi mỗi buổi tối chỉ cần xem 2 tiếng đồng hồ, đồng nghĩa với 60 tiếng/tháng thì khoản tiền điện sẽ không hề nhỏ. Thay vào đó tôi mở một bóng đèn bàn để đọc sách, công suất cực kỳ “khiêm tốn”. Cứ cho là mỗi tối tôi đều đọc sách thì cũng chỉ hết 600 W/tháng, tương đương với hai buổi tối xem tivi. Còn gì ý nghĩa hơn khi vừa có lợi ích kinh tế lại vừa góp phần hưởng ứng văn hóa đọc.
Phòng ngủ của tôi gắn máy lạnh, nhưng rất ít khi dùng đến. Trời nóng, tôi không ngủ trên giường nệm mà ngủ trên giường xếp bằng lưới rất thoáng, mát lưng. Chỉ cần bật một quạt, mở hết cửa sổ là đã đánh ngay một giấc ngon lành.
Góc nấu ăn nhà tôi lâu nay có bếp điện. Mùa này, tôi cho bếp “nghỉ hưu non” luôn, thay vào đó tôi dùng bếp gas. Lượng khí hóa lỏng tiêu thụ cũng không tăng là mấy, nhờ tôi khai thác tối đa nguồn nước từ máy nước nóng năng lượng mặt trời, đồng hành hơn 10 năm nay.
Vào mỗi thứ bảy, chủ nhật chiếc tủ lạnh của nhà tôi cũng “thất nghiệp” luôn. Nguyên do là ngày nghỉ tôi mua thức ăn tươi sống tại các cửa hàng tiện ích, siêu thị mini. Mua bữa nào nấu ăn bữa đó, không phải dự trữ. Nhờ vậy, cái điện kế nhà tôi không phải “tăng tốc” mà tủ lạnh “nằm xụi lơ” cũng không làm đường điện “quá tải”.
Bạn đến nhà chơi thấy máy giặt cũ kỹ, hỏi: “Sao giờ này còn dùng loại hai hộc “cổ lỗ sĩ” này. Máy đời mới hiện nay cũng rẻ mà”. Tôi cười và chỉ cho họ thấy công suất của máy chỉ bằng một cái quạt nhỏ. Hoàn toàn chủ động được lượng nước, bột giặt và thời gian vận hành cho máy. Hai hộc nhưng tôi chỉ dùng một hộc, máy giặt xong tôi tự vắt bằng tay, vì trời nắng thế này đâu cần phải sấy quần áo. Chuyện đơn giản này đã giúp tôi có lợi “3 trong 1”: tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, tiết kiệm luôn cả… bột giặt.
Trước cổng nhà, tôi tự lắp bóng đèn chiếu sáng nhưng khi các thành viên vừa về đến nhà đầy đủ tôi cũng tắt ngay. Phòng ngừa trộm cắp ban đêm chủ yếu phụ thuộc vào sự cẩn thận và khóa cửa chắc chắn, không cần phải dùng đến “ngọn đèn đứng gác”. Tôi vừa đặt mua hàng, dự kiến tuần tới sẽ thay thế bằng bóng đèn năng lượng mặt trời luôn là ổn.
Việc tiết kiệm điện cho cộng đồng, tôi xem như chuyện nhà mình. Vừa rồi đi tàu về miền Trung, ban ngày tôi tắt hết đèn ở toa ghế ngồi. Bóng đèn trong nhà vệ sinh, gần bồn rửa mặt, mới nhìn thấy tôi cũng tắt. Một số hành khách khác hỏi tôi sao ưa làm chuyện “bao đồng”? Tôi gửi cho họ đường link cuộc thi viết “Tiết kiệm điện – Những chuyện hay tôi kể” của Báo Thanh Niên. Xem xong, họ tâm sự về nhà cũng sẽ làm như tôi.
Một tuần nghỉ ở nhà khách Đồng Đội (H.Hoài Ân, Bình Định), mỗi khi thấy bóng đèn hành lang ai bật sáng giữa ban ngày, tôi vội tắt ngay. Nhân viên lễ tân xem camera biết được, đến lúc tôi trả phòng liền giảm cho tôi 50.000 đồng. Khỏi phải nói cũng biết, tôi vui như thế nào.
Dẫu “Một con én không làm nên mùa xuân” nhưng tôi tin nhiều con én như gia đình tôi sẽ làm nên nhiều chuyện tốt. Đông tay vỗ nên kêu, nếu mọi người ai cũng đồng lòng thì mọi việc đều thành công, như lời Bác Hồ căn dặn: “Không có việc gì khó…”.
Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, nhận bài dự thi đến hết ngày 10.7.2024. Quý độc giả có thể gửi bài dự thi qua mail về địa chỉ tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện tới Tòa soạn Báo Thanh Niên 268 – 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thể lệ được đăng tải chi tiết trên thanhnien.vn.
Bạn đang đọc Cho các thiết bị điện ‘nghỉ hưu non’ mùa nắng nóng tại website hungday.com