Chó săn cá mập để sống sót trên hoang đảo Palmyra
Dadu bị mắc kẹt trên một trong những hòn đảo hẻo lánh nhất thế giới suốt gần một năm và sống sót nhờ nguồn thức ăn không ai ngờ tới là cá mập.
Nằm ở một trong những góc hẻo lánh nhất ở trung tâm Thái Bình Dương là một đảo san hô nhỏ không người nhỏ tên Palmyra. Bao gồm 50 đảo nhỏ nằm ở độ cao không quá 2m, đảo san hô vòng hình chữ U Palmyra được bao quanh bởi 6.475 hecta rạn đá nông và chìm dưới nước, cách quần đảo Hawaii 1.600 km về phía nam. Với số lượng cá mập nhiều hơn con người, Palmyra không phải ngôi nhà lý tưởng dành cho loài chó. Nhưng trong gần hai thập kỷ, chú chó lông ngắn Dadu sinh sống trên hòn đảo cùng với các nhà khoa học, quần thể dân cư và du khách ngắn ngày, theo IFL Science.
Dadu nổi tiếng với tài săn cá mập trên đảo Palmyra. (Ảnh: Nature Conservancy).
Dadu được đưa tới Palmyra bởi thủy thủ người Pháp tên Roger Lextrait, người quản lý và trông coi hòn đảo từ năm 1992 đến 1999. Trong thời gian cư trú, Lextrait bầu bạn cùng vài con chó. Có thời điểm, vì nguyên nhân nào đó, Lextrait rời đảo và để lại những con chó trong gần một năm. Dadu buộc phải lang thang kiếm ăn quanh những phá nước trên đảo, nơi có nhiều cá mập rạn san hô.
Alex Wegmann, nhà khoa học ở tổ chức Nature Conservancy, từng kể về khả năng săn cá mập của Dadu. Theo ông, con chó có nhiều vết cá mập cắn ở chân. Trong chuyến đi năm 2004 tới Palmyra để làm việc cho Cơ quan cá và động vật hoang dã Mỹ, Dadu thường xuyên chào đón ông, đồng hành cùng ông trong suốt thời gian nghiên cứu. Vai trò của Dadu trên đảo làm nổi bật vấn đề bảo tồn và tác động của con người tới những nơi hẻo lánh.
Cách đây khoảng 70 triệu năm, núi lửa ngầm hình thành Palmyra và quần đảo Line lân cận, cung cấp nơi ở cho động vật biển và chim chóc. Các nhà khoa học và nhà thám hiểm thường xuyên tới Palmyra và nhiều đảo san hô vòng gần đó để phân loại động thực vật. Trong thế kỷ 19 và 20, hòn đảo bị ảnh hưởng nặng nề bởi con người.
Kydd Pollock, nhà khoa học bắt đầu làm việc ở Palmyra năm 2008, một trong những tác động lớn nhất trên đảo là việc trồng cây dừa Cocos nucifera palmyrensis. Do khả năng hấp thụ nước hiệu quả trong hạn hán, loài dừa này cạnh tranh với thực vật bản xứ, bao gồm cây tán cao mà chim biển di cư sử dụng. Trong Thế chiến II, binh lính mang theo chuột tới đảo, gây ức chế hệ sinh thái trên cạn và động vật bản xứ.
Nghiên cứu của Wegmann chủ yếu tập trung vào tương tác giữa chuột và những loài địa phương như cua cạn. Dù trải qua một loạt tác động, Palmyra nằm trong nhóm đảo được bảo vệ năm 2009 và ngày nay đóng vai trò như phòng thí nghiệm sống ở xích đạo.
Theo Pollock và Wegmann, vào cuối đời, Dadu vẫn thích ăn cá. Nó cũng duy trì tình bạn với Rambo, một con cá vẩu khổng lồ. Mỗi buổi tối, Dadu thường đi xuống mép nước và sủa vang. Rambo sẽ ngoi lên và quẫy đuôi khiến Dadu phát cuồng. Liên minh nghiên cứu đảo san hô vòng Palmyra thông báo về cái chết của Dadu vào ngày 19/10/2013. Nó và những con chó khác được chôn cất trên đảo.