Chủ tịch Phan Văn Mãi: ‘Phối hợp giữa sở ngành vẫn chậm’
Chủ tịch Phan Văn Mãi: ‘Phối hợp giữa sở ngành vẫn chậm’
Chiều 1.10, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp kinh tế – xã hội thường kỳ tháng 9.2024 nhằm đánh giá kết quả 3 quý và đề ra giải pháp tập trung 3 tháng còn lại.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, tổng thu ngân sách 9 tháng qua ước thực hiện 371.307 tỉ đồng, đạt 76,9% dự toán. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và duy trì đà tăng trưởng tích cực, ước tăng 6,9% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 872.000 tỉ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng, gần 38.000 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký đạt gần 295.000 tỉ đồng, tăng 1,6% về số lượng nhưng giảm 14% về vốn. Điều đáng lo ngại là cứ 100 doanh nghiệp tham gia vào thị trường thì có 56 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tính đến ngày 27.9, tổng vốn đầu tư công đã giải ngân 15.802 tỉ đồng, đạt gần 20% kế hoạch vốn năm 2024 (hơn 79.200 tỉ đồng).
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Nguyễn Ngọc Hòa cho biết tín hiệu đáng mừng là đơn hàng của doanh nghiệp nhiều hơn, nhiều doanh nghiệp có được đơn hàng đến cuối năm. Khối doanh nghiệp dệt may có đơn hàng trở lại, nông sản xuất khẩu được mùa, được giá. Doanh nghiệp đang rất hăng hái đón nhận chương trình hỗ trợ lãi suất, TP.HCM chuẩn bị 1.500 tỉ đồng bù lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Dù vậy, đơn hàng đối mặt với việc bị ép giá và phải vượt hàng rào kỹ thuật. Mặt khác, cơ cấu đơn hàng chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn khối doanh nghiệp thuần Việt vẫn phải “chạy cơm từng bữa”.
Riêng về thủ tục hành chính, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết thủ tục về đất đai còn đang tắc, lãnh đạo các sở ngành còn phân vân khi ký quyết định về đất đai. Ông Hòa cho rằng cần cơ chế đặc biệt giải quyết vướng mắc này, thay vì dùng cơ chế tập thể để thống nhất rồi mới ban hành quyết định như hiện nay dẫn đến chậm trễ.
“Có tiền mà không có đất thì không làm được”, ông Hòa nói. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang rất kỳ vọng Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ kết nối cung cầu, đưa giải pháp “đo ni đóng giày” cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tập trung toàn lực cho đầu tư công
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết kết quả kinh tế – xã hội quý 3 tiếp đà phục hồi và phát triển nhưng chưa có đột phá. Muốn đạt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP 7,5% năm 2024 và làm tiền đề cho năm 2025 thì phải có giải pháp đột phá.
Ông Mãi cũng chỉ ra hạn chế như giải ngân đầu tư công rất thấp khi hết tháng 9 chỉ đạt 20,2%, tổng vốn doanh nghiệp đăng ký giảm 22%, lúng túng trong điều hành, khi luật Đất đai có hiệu lực thì ứng xử chưa kịp thời.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các sở ngành vẫn chậm. Đơn cử như Sở Xây dựng đề nghị làm nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội muốn nhanh thì cùng lúc Sở TN-MT, Sở QH-KT, Sở KH-ĐT cùng làm các việc khác nhưng trên thực tế sự phối hợp còn khó khăn, mất nhiều thời gian.
“Hôm rồi tôi gặp các doanh nghiệp lớn nghe góp ý cho văn kiện thì câu chuyện này hầu như người nào cũng nói”, ông Mãi chia sẻ, đồng thời đề nghị lãnh đạo sở ngành, địa phương rà soát công việc, nâng hiệu lực, hiệu quả của cơ quan mình để phối hợp linh hoạt hơn.
Về đầu tư công, ông Mãi khẳng định đến nay, UBND TP.HCM chưa có ý định điều chỉnh chỉ tiêu đầu tư công mà tập trung toàn lực để giải ngân cao nhất, đạt 95% vào cuối năm nay. UBND TP.HCM sẽ phân nhóm, báo cáo các đoàn giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM phối hợp hỗ trợ.
Ông Mãi cũng đề nghị tập trung các giải pháp tăng trưởng đã nêu ra trong Chỉ thị 12 của UBND TP.HCM ban hành hồi tháng 8, giải quyết các tồn đọng, vướng mắc, nhất là cấp sổ hồng cho dân, dứt điểm hồ sơ nghĩa vụ tài chính các dự án ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu công nghiệp Hiệp Phước.
Về cải cách hành chính, Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu chuẩn bị đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công vào hoạt động, vận hành ứng dụng Công dân số TP.HCM, đưa 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên cổng dịch vụ công, hoàn thiện dữ liệu về đất đai, quy hoạch, xây dựng…