Chùa Cầu lạ lẫm sau đại trùng tu: Người dân, du khách và chính quyền nói gì?
Chùa Cầu lạ lẫm sau đại trùng tu: Người dân, du khách và chính quyền nói gì?
Sau hơn một năm rưỡi rào kín trùng tu, diện mạo mới của chùa Cầu (một trong những biểu tượng của phố cổ Hội An, tại tỉnh Quảng Nam) khiến dư luận có phần bất ngờ và nhiều ý kiến khen chê.
Dự án trùng tu chùa Cầu đã hoàn thành và sẽ đưa vào khánh thành vào chiều 3.8.2024 nhân sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản”.
Trước thềm khánh thành, bên cạnh những ý kiến cho rằng màu sơn mới đã khiến chùa Cầu “bớt cổ kính” thì cũng có nhiều người khen công trình sau trùng tu vẫn giữ được nguyên bản gốc.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An, di tích chùa Cầu đã trải qua 4 thế kỷ cùng sự biến thiên của lịch sử, xã hội.
Dù đã nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng trước sự bào mòn của thời gian cùng nhiều tác động, di tích này đã xuống cấp nghiêm trọng.
Chính vì thế mà việc trùng tu chùa Cầu được thực hiện trên tinh thần như một cuộc “giải phẫu – chữa bệnh”.
“Để chuẩn bị trùng tu, thành phố làm rất kỹ, 4-5 năm trời tổ chức rất nhiều hội thảo khoa học, hồ sơ quốc tế. Trong quá trình trùng tu cũng đảm bảo đầy đủ nguyên tắc, thứ nhất là nguyên tắc công khai minh bạch”, ông Sơn cho biết.
Ông Nguyễn Văn Sơn nói thêm: “Việc trùng tu tuân thủ, đảm bảo giữ tối đa các yếu tố cứ gốc, tất cả những viên gói có thể giữ lại được, cấu kiện gỗ có thể giữ lại được, dù một đoạn cũng giữ lại hết. Đánh dấu cấu kiện, bố trí trở lại hết. Các yếu tố gốc giữ lại tối đa nhất có thể”.
Trước khi dự án trùng tu được triển khai, vào năm 2019, chùa Cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, phải tiến hành chống đỡ mố cầu, trụ cầu.
Nhiều cột và kèo có dấu hiệu bị hư hỏng. Lượng khách qua lại cũng phải giới hạn từng đợt.
Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết mọi hoạt động trong dự án trùng tu chùa Cầu đều cẩn trọng, tỉ mỉ, bài bản, khoa học từ khâu chuẩn bị dự án đến các giải pháp tổ chức và kỹ thuật thi công tu bổ di tích. Nhất là việc thu thập, nghiên cứu thông tin, tư liệu; thám sát địa tầng, phân tích dấu vết kiến trúc qua các thời kỳ; tham vấn chuyên gia, nhà nghiên cứu, nghệ nhân đối với những vấn đề phát hiện mới, vướng mắc nảy sinh.
Nhà nghiên cứu văn hóa Tôn Thất Hướng tại tỉnh Quảng Nam cho biết ông đánh giá cao dự án trùng tu di tích chùa Cầu khi đã hoàn thành nhưng vẫn giữ được yếu tố gốc như kết cấu gỗ, con giống mái, kỹ thuật về xây dựng lắp mái và chạm khắc.
Theo nhà nghiên cứu, màu sắc mới và sặc sỡ sau khi trùng tu là không thể tránh khỏi.
Nhưng vài năm sau khi trải qua mưa gió thì màu sắc sẽ chuyển đổi, giảm bớt tông màu nó lại nhìn mềm mại hơn, cổ kính như xưa.
Báo cáo của thành phố Hội An và thực tế tại di tích chùa Cầu hiện nay sau khi trùng tu cho thấy thành phố đã thực hiện đúng như thiết kế dự án đã được phê duyệt và đảm bảo các quy định pháp lý về trùng tu di tích.
Trước những ý kiến trái chiều về diện mạo mới của di tích, ông Nguyễn Thanh Hồng (Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam) cho rằng việc dư luận, nhiều người quan tâm có ý kiến khác nhau về kết quả trùng tu chùa Cầu là việc rất bình thường, qua đó cho thấy rất nhiều người yêu mến chùa Cầu.
Ngành văn hóa và thành phố Hội An luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu, tham khảo để công tác trùng tu các di tích nói riêng và công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích tại Hội An cũng như trên địa bàn tỉnh được tốt hơn.
Ngày 29.7.2024, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An, cho biết sau khi tiếp thu ý kiến từ người dân và du khách, thành phố quyết định chỉ đạo đơn vị thực hiện trùng tu chùa Cầu (tức Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An) xử lý lại màu sơn.
Theo đó, sẽ xử lý lại màu nhạt hơn so với màu đỏ phía trước và sau chùa Cầu, còn bên hông sẽ sơn lại màu sẫm hơn so với màu trắng hiện tại.
Bạn đang đọc Chùa Cầu lạ lẫm sau đại trùng tu: Người dân, du khách và chính quyền nói gì? tại website hungday.com